Thí điểm quản lý cửa hàng kinh doanh trái cây ở các quận của Hà Nội

author 15:16 15/09/2017

(VietQ.vn) - Sở Công Thương Hà Nội tổ chức cuộc họp hướng dẫn việc triển khai thực hiện Đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành của thành phố Hà Nội”.

Sáng 15/9, Sở Công Thương Hà Nội tổ chức cuộc họp hướng dẫn việc triển khai thực hiện Đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành của thành phố Hà Nội”.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, đối tượng khảo sát, điều tra của Đề án là các cửa hàng kinh doanh trái cây bao gồm các hộ kinh doanh, hợp tác xã, công ty, tập đoàn,... thực hiện kinh doanh trái cây ở các tuyến phố, khu dân cư... (không bao gồm việc kinh doanh trái cây ở chợ, siêu thị, trung tâm thương mại) thuộc 12 quận nội thành.

Để thực hiện tốt Đề án, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng đề nghị UBND các quận chỉ đạo UBND các phường thành lập các tổ công tác, phối hợp với phòng Kinh tế, các phòng thuộc quận, đội quản lý thị trường trên địa bàn triển khai thực hiện việc khảo sát, nắm thực trạng các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn, xây dựng cơ sở dữ liệu, phân loại được các cửa hàng kinh doanh trái cây thành các đối tượng như cơ sở kinh doanh trái cây có đăng ký kinh doanh do Thành phố hoặc quận, huyện, thị xã cấp, đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP hoặc xác nhận bản cam kết ATTP, xác nhận kiến thức về ATTP;

Cơ sở kinh doanh trái cây có đăng ký kinh doanh do Thành phố hoặc quận, huyện, thị xã cấp; chưa được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP hoặc xác nhận bản cam kết ATTP, xác nhận kiến thức ATTP; các cơ sở kinh doanh trái cây chưa có đăng ký kinh doanh và chưa được cấp các loại giấy về ATTP theo quy định.

Sau khi tổng hợp danh sách các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận thuộc đối tượng điều chỉnh của Đề án, UBND các quận phối hợp với Sở Công Thương và các sở liên quan thực hiện tổ chức, đào tạo, tập huấn kiến thức pháp luật quy định về kinh doanh trái cây, kiến thức về ATTP, thực hiện việc cấp các loại giấy tờ về ATTP,... cho các cán bộ, công chức có liên quan, các đối tượng kinh doanh trái cây trên địa bàn. Bảo đảm 100% các đối tượng, các cửa hàng kinh doanh trái cây được đào tạo, tập huấn xong trong tháng 10/2017.

Hà Nội hướng dẫn triển khai Đề án "Thí điểm  quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành của thành phố Hà Nội". Ảnh: VTC News

Ông Lê Hồng Thăng cũng đề nghị UBND các quận nội thành chỉ đạo đội quản lý thị trường, UBND các phường trong quá trình khảo sát, điều tra hướng dẫn người kinh doanh thực hiện việc truy xuất nguồn gốc trái cây theo quy định. Việc này cần làm trong suốt quá trình thực hiện Đề án.

Việc truy xuất nguồn gốc trái cây rất quan trọng. “Nếu mua trái cây ở hộ kinh doanh tại chợ đầu mối, doanh nghiệp thì phải có hóa đơn, cam kết nguồn gốc xuất xứ. Nếu mua trái cây của người trực tiếp sản xuất thì mỗi lô trái cây mua về phải được mở sổ theo dõi, lập dữ liệu thông tin về địa chỉ cung cấp, chứng minh thư của người cung cấp, thời gian, địa điểm mua bán, tên, chủng loại trái cây...”, ông Thăng nhấn mạnh.

Để giúp người tiêu dùng nhận biết các cửa hàng kinh doanh trái cây tham gia Đề án, xây dựng uy tín, niềm tin trong nhân dân về chất lượng các sản phẩm trái cây được bán tại các cửa hàng tham gia Đề án, sau khi rà soát các cửa hàng đủ điều kiện, UBND các quận nội thành tổ chức cấp giấy chứng nhận về việc cấp biển nhận diện (logo) đối với cửa hàng kinh doanh trái cây đáp ứng điều kiện ATTP theo Đề án.

Các cửa hàng kinh doanh trái cây đều phải có các trang thiết bị bảo quản theo quy định của Đề án. Sau khi rà soát thống kê các cửa hàng, UBND các quận thông báo cho các cửa hàng phải mua sắm các trang thiết bị theo quy định; khuyến khích các cửa hàng mua trang thiết bị cửa các hãng phù hợp với quy mô, kích thước, yêu cầu chất lượng, giá cả,...

Theo đề án, Hà Nội hướng đến là quản lý hệ thống cửa hàng kinh doanh trái cây trên các tuyến phố và khu dân cư thuộc các quận nội thành theo hướng văn minh, hiện đại; phấn đấu 100% người kinh doanh trái cây được đào tạo, tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khỏe và các điều kiện theo quy định.

Trong năm 2017 đạt 60%, hết năm 2018 đạt 100% cửa hàng bán trái cây tại quận nội thành có đăng ký kinh doanh; có biển hiệu nhận diện và đầy đủ trang thiết bị, phương tiện phục vụ kinh doanh, bảo quản trái cây đảm bảo chất lượng... Tiến tới xây dựng hệ thống máy thu ngân, thanh toán nối mạng, thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ nâng cao hiệu quả công tác quản lý và hoạt động kinh doanh chuỗi thực phẩm an toàn trên toàn thành phố.

Đối với sản phẩm trái cây, nhu cầu tiêu thụ của người dân thành phố khoảng 52.000 tấn/tháng, trong đó khả năng sản xuất trên địa bàn chỉ đáp ứng khoảng 30%, nhập khẩu từ nước ngoài chiếm 15% và nhập từ các tỉnh thành khác khoảng 55%. Tuy nhiên, bên cạnh các trung tâm thương mại, cửa hàng, chợ đầu mối, dân sinh kinh doanh trái cây, còn có nhiều điểm bán khác tại vỉa hè. Đáng chú ý là tình trạng sử dụng hóa chất quá liều, hóa chất cấm, chất kích thích… không thuộc danh mục được phép sử dụng.

Phong Lâm

Hà Nội tăng kiểm soát chất lượng trái cây vỉa hè, người kinh doanh lo 'mất làm ăn' (VietQ.vn) - Nhiều người kinh doanh trên vỉa hè tỏ ra lo lắng trước việc Hà Nội tăng cường kiểm soát chất lượng trái cây.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang