Huyện Hoài Đức, Hà Nội cấp sổ đỏ trái luật?

author 13:16 25/07/2012

(VietQ.vn) - Dù chỉ là đồng thừa kế mảnh đất của 6 anh chị em trong gia đình nhưng người em út đã tự ý làm sổ đỏ rồi bán mảnh đất mà không hề thông qua các thành viên khác. Điều đáng nói, việc cấp sổ đỏ của UBND huyện Hoài Đức là trái pháp luật, bởi các thành viên đồng thừa kế không hề biết việc này…

Theo đơn phản ánh của bà Giang Thị Sinh (trú tại Phù Đổng Thiên Vương, phường 11, quận 5, TP.HCM), cha mẹ bà (ông Giang Văn Mão và bà Nguyễn Thị Tiện) sau khi mất để lại căn nhà cho 6 người con (4 gái, 2 trai) cùng thừa kế. Căn nhà này nằm trên thửa đất số 552, tờ bản đồ số 2, diện tích 480m2, ở thôn Cao Trung, xã Đức Giang, huyện Hoài Đức. 

Năm 2004, để hợp thức giấy tờ căn nhà, 6 anh chị em trong gia đình thỏa thuận bằng miệng cho ông Giang Đại Hùng (em út, trú tại số 88A5, An Dương, Yên Phụ, Tây Hồ) đại diện 6 anh chị em đứng tên sổ đỏ căn nhà này (không có văn bản chính thức). Điều kiện kèm theo là ông Hùng phải cam kết chỉ là người đại diện đứng tên căn nhà, chứ hoàn toàn không phải tài sản riêng của ông. Nếu khi gia đình có nhu cầu chuyển nhượng phải được sự đồng ý của cả 6 anh chị em. Mọi việc trông coi, sửa chữa căn nhà đều do 4 người con gái bỏ tiền cùng làm.
Cơ quan chức năng cần sớm kiểm tra quy trình cấp sổ đỏ cho ông Hùng của UBND huyện Hoài Đức
Cơ quan chức năng cần sớm kiểm tra quy trình cấp sổ đỏ cho ông Hùng của UBND huyện Hoài Đức
 
Tuy nhiên, đến tháng 4/2011, gia đình bà Sinh phát hiện ông Hùng đã tự ý bán mảnh đất nêu trên (giữ lại một phần làm nhà thờ tổ) với giá gần 7,5 tỷ đồng và chia cho 4 chị em gái tổng số tiền là 1,3 tỷ đồng. Điều đáng nói, ông Hùng làm được sổ đỏ mà không hề có sự ủy quyền của 5 thành viên trong gia đình. 
 
Theo luật sư Trịnh Nam Ninh - Đoàn luật sư TP. Hà Nội: việc ông Hùng làm sổ đỏ rồi bán đất là vi phạm pháp luật. Tại Điểm a, Khoản 1, Điều 676 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: “Vợ chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết”. Do đó hàng thừa kế thứ nhất của ông Giang Văn Mão và bà Nguyễn Thị Tiện là 6 anh chị em trong gia đình bà Giang Thị Sinh. Về nguyên tắc, ông Giang Đại Hùng phải có văn bản ủy quyền chính thức của cả 5 đồng thừa kế trong gia đình mới có quyền đứng tên và làm sổ đỏ… Bộ Luật Dân sự cũng quy định: Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Theo đó, căn nhà sẽ được chia đều cho 6 người con trong gia đình. Như vậy, việc ông Giang Đại Hùng tự ý chia tiền bán đất chênh lệch như trên là sai. 
 
Được biết, Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Hoài Đức đã nhận đơn phản ánh của bà Sinh nhưng chưa xử lý sự việc. Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết nội dung kiến nghị của bà Giang Thị Sinh theo quy định của pháp luật.
 
Nguyễn Hoàng
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang