Hy hữu cứu sống bé 10 tháng tuổi hôn mê sâu vì cắm đầu vào xô nước

author 20:12 06/11/2015

Bận làm bếp, đến khi quay lại không thấy bé, chị vội vã tìm kiếm thì hốt hoảng phát hiện con đang cắm đầu trong xô nước. Nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, nhờ nỗ lực hồi sức tích cực của bác sĩ bệnh nhi 10 tháng tuổi đã được cứu sống.

Ngày 6/11, BS Nguyễn Minh Tiến, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và Chống độc bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM cho biết, tại đây vừa tiếp nhận và điều trị kịp thời cho một trường hợp bị ngạt nước, hôn mê sâu. Đó là bệnh nhi H.Đ.H.P (10 tháng tuổi, ngụ tại quận Phú Nhuận, TPHCM) cháu được bệnh viện địa phương chuyển đến cấp cứu trong tình trạng toàn thân tím tái, chân tay co gồng, hôn mê.

Khai thác bệnh sử từ người nhà ghi nhận, trước khi nhập viện cháu đang ở nhà với mẹ. Trong lúc bận làm bếp, người mẹ để con nhỏ chơi một mình vì nghĩ bé chưa biết đi nên chỉ quẩn quanh trong phòng. Không ngờ cháu tự bò ra đẩy cửa phòng rồi bò vào nhà vệ sinh. Khoảng 10 phút sau, người mẹ giật mình vì không thấy bé đâu, chị vội vã tìm kiếm, mở cửa nhà vệ sinh, người mẹ chết lặng thấy con đang cắm đầu vào xô nước hai chân giờ lên trời bất động.

Đây là trường hợp ngạt nước kéo dài được cứu sống hy hữu

Đây là trường hợp ngạt nước kéo dài được cứu sống hy hữu

Ngay lập tức chị vớt con lên hà hơi, thổi ngạt, nhấn tim rồi tri hô nhờ hàng xóm hỗ trợ đưa bé đến bệnh viện địa phương sơ cứu và tiếp tục chuyển lên Nhi Đồng 1. Sau khi tiếp nhận bệnh nhi, các bác sĩ đã tiến hành thông đường thở, hút đàm khí quản, cho sử dụng thuốc chống co giật và hỗ trợ thở máy.

Tuy nhiên, diễn tiến bệnh có chiều hướng xấu, bệnh nhi rơi vào hôn mê sâu. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã thống nhất chẩn đoán, bệnh nhi bị phù não do ngạt nước kéo dài. Chỉ định sử dụng thuốc chống phù não cho bệnh nhi ngay lập tức được đưa ra. Sau hơn 1 tuần điều trị tích cực, bệnh nhi dần cải thiện về tri giác, sức khỏe nhanh chóng phục hồi nên được cai thở máy.

BS Minh Tiến cho hay, hiện cháu bé đã vượt qua được cơn nguy kịch. Tuy nhiên, để đánh giá tình trạng thiếu ô xy lên não trong thời gian dài liệu có để lại di chứng thần kinh cho bé hay không chúng tôi sẽ phải tiếp tục theo dõi. Đây là một trường hợp được cứu sống khá hy hữu, bởi thời gian ngạt nước của bé có thể lên tới 10 phút, trong khi thời gian vàng để cứu bệnh nhi chỉ khoảng 4 phút.

Cũng theo BS Nguyễn Minh Tiến, ngạt nước ở trẻ là tai nạn rất thường gặp, bệnh viện liên tục tiếp nhận, cứu chữa. Đa phần trẻ bị ngạt do đuối nước ở hồ bơi, té cắm đầu vào xô nước trong nhà vệ sinh, té xuống hòn non bộ. Riêng những trẻ gặp nạn ở miền quê thì thường là do té sông, té ao, hồ. Đáng lưu ý, có trường hợp trẻ bị ngạt do té xuống các hố công trình.

Nhận định nguyên nhân khiến trẻ bị ngạt nước đa phần do sự lơ là của người lớn, BS Nguyễn Minh Tiến khuyến cáo các bậc phụ huynh: Trẻ em rất thích khám phá thế giới xung quanh nhưng chưa lường trước được nguy hiểm nên sẽ tự gây họa cho mình. Vì thế người lớn phải thật cẩn trọng khi trông chừng con trẻ, không nên lơ là, chủ quan. Trẻ bị ngạt nước gây ra tình trạng thiếu ôxy lên não, dẫn đến tử vong. Nhiều trường hợp để lại di chứng về sau ảnh hưởng đến khả năng vận động, lời nói, trí thông minh của trẻ.

Khi phát hiện trẻ bị ngạt nước, người nhà nên biết cách sơ cứu như, làm ấm trẻ bằng cách hà hơi, ấn ngực, ấn tim. Tuyệt đối không nên ấn bụng, vì lực tác động mạnh vào đường tiêu hóa có thể làm dịch trong dạ dày tràn ra ngoài, trào ngược lên phổi, gây viêm phổi. Đặc biệt, không nên xốc nước, lăn lu (một số người dân đồng bằng Sông Cửu Long vẫn áp dụng cách này) làm cho trẻ bị bỏng, khó khăn thêm cho điều trị.

Theo Dân Trí

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang