Kem chống nắng chứa oxit kẽm: Kém hiệu quả và trở nên độc hại sau hai giờ

author 06:57 06/11/2021

(VietQ.vn) - Theo các nhà nghiên cứu Mỹ, kem chống nắng chứa oxit kẽm sẽ không còn hiệu quả, thậm chí trở nên độc hại sau hai giờ tiếp xúc với bức xạ cực tím.

Oxit kẽm là một trong những thành phần quen thuộc có trong kem chống nắng vật lý nói riêng và nhiều loại mỹ phẩm nói chung. Chúng đem lại rất nhiều lợi ích cho làn da như: Có khả năng chống nắng phổ rộng, giúp ngăn ngừa bỏng, bảo vệ da khỏi tia UV; Làm giảm viêm da liên quan đến phát ban, dị ứng hoặc kích ứng; Cải thiện vết thương và ngăn ngừa nhiễm trùng da do vi khuẩn, hỗ trợ phục hồi sau bỏng; Điều trị mụn trứng cá; Ngăn ngừa lão hóa da, cải thiện quá trình tổng hợp collagen và hình thành mô liên kết mới dưới da...

Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu Mỹ, kem chống nắng chứa oxit kẽm sẽ không còn hiệu quả, thậm chí trở nên độc hại sau hai giờ tiếp xúc với bức xạ cực tím.

Các nhà khoa học tại trường Đại học Oregon (Mỹ) phân tích, độc tính được thực hiện trên cá ngựa vằn, loài cá có điểm tương đồng với con người ở cấp độ phân tử, di truyền và tế bào.

Kem chống nắng chứa oxit kẽm có thể gây độc sau hai giờ tiếp xúc với tia cực tím. Ảnh minh họa 

Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã tìm cách trả lời câu hỏi quan trọng nhưng hay bị lãng quên về thị trường kem chống nắng khổng lồ trên toàn cầu, được công ty dữ liệu thị trường Statista dự báo, sẽ đạt giá trị hơn 24 tỷ USD vào cuối thập kỷ này. Ví dụ: Mức độ ổn định, an toàn và hiệu quả của các thành phần chống nắng ra sao khi chúng kết hợp với nhau? Độ an toàn của các sản phẩm hóa học sẽ thế nào khi phản ứng do tiếp xúc với ánh sáng mặt trời xảy ra?

Robyn Tanguay, đồng tác giả nghiên cứu cho rằng: “Kem chống nắng là sản phẩm tiêu dùng quan trọng giúp giảm phơi nhiễm tia cực tím, gây ung thư da nhưng chúng tôi không biết liệu việc sử dụng một số công thức kem chống nắng có thể gây độc tính ngoài ý muốn hay không, do tương tác giữa một số thành phần và tia cực tím”.

Những gì mọi người nghĩ về sự an toàn của kem chống nắng đã khiến các nhà sản xuất, thường dựa trên dữ liệu hạn chế, sử dụng nhiều thành phần, trong khi lại hạn chế các thành phần khác. Ví dụ, oxybenzone đã bị ngừng sản xuất vì lo ngại gây hại cho các rạn san hô.

Tanguay nói: “Kem chống nắng chứa các hợp chất vô cơ như oxit kẽm hoặc titan dioxit, có tác dụng ngăn chặn tia cực tím, đang được bán trên thị trường ngày càng nhiều như những lựa chọn thay thế an toàn cho các hợp chất phân tử nhỏ hữu cơ hấp thụ tia cực tím”.

Nhóm nghiên cứu đã tạo ra năm hỗn hợp chứa các bộ lọc tia cực tím - thành phần hoạt tính trong kem chống nắng - từ các sản phẩm khác nhau có sẵn ở Hoa Kỳ và châu Âu. Họ cũng tạo ra các hỗn hợp bổ sung với các thành phần tương tự, kết hợp với oxit kẽm hàm lượng thấp hơn mức khuyến nghị thương mại.

Sau đó, các nhà nghiên cứu cho hỗn hợp tiếp xúc với bức xạ cực tím trong hai giờ và sử dụng quang phổ để kiểm tra khả năng quang học của chúng để xác định tác động của ánh nắng mặt trời đến các hợp chất trong hỗn hợp và khả năng chống tia cực tím của chúng. Các nhà khoa học cũng xem xét liệu bức xạ tia cực tím có khiến bất kỳ hỗn hợp nào trở nên độc hại đối với cá ngựa vằn hay không. Kết quả là hỗn hợp tiếp xúc với tia cực tím không chứa oxit kẽm, không gây ra bất kỳ thay đổi lớn nào đến cá.

"Đã có một số nghiên cứu cho thấy kem chống nắng có thể nhanh chóng phản ứng dưới tác động của tia cực tím. Vì vậy, thật đáng ngạc nhiên khi thử nghiệm độc tính ít được thực hiện trên các sản phẩm phân hủy quang học", Lisa Truong, đồng tác giả nghiên cứu nói.

"Phát hiện của chúng tôi cho thấy các công thức dựa trên phân tử nhỏ có sẵn trên thị trường, là cơ sở cho các công thức mà chúng tôi đã nghiên cứu, có thể được kết hợp với các tỷ lệ thành phần khác nhau để giảm thiểu sự phân hủy quang học", Lisa Truong nói.

Tuy nhiên, các nhà khoa học đã thấy sự khác biệt lớn về khả năng ổn định và độc tính quang học khi bổ sung các hạt oxit kẽm, có thể là các hạt nano hoặc vi hạt lớn hơn.

Claudia Santillan, một trong số tác giả nghiên cứu cho biết: “Dù ở dạng một trong hai kích thước này, oxit kẽm vẫn gây phân hủy hỗn hợp hữu cơ và làm giảm hơn 80% hiệu quả bảo vệ của bộ lọc hữu cơ trong việc chống lại tia UVA, chiếm 95% bức xạ cực tím đi đến Trái đất. Ngoài ra, sản phẩm phân hủy quang học do kẽm oxit tạo ra, làm tăng đáng kể các khuyết tật ở cá ngựa vằn đã sử dụng để kiểm tra độc tính. Điều đó cho thấy các hạt oxit kẽm đang tạo ra chất phân hủy khi xâm nhập vào hệ sinh thái thủy sinh, sẽ gây nguy hại cho môi trường".

Bà Tanguay rất ngạc nhiên khi cả năm hỗn hợp phân tử nhỏ nhìn chung đều ổn định về mặt quang học, nhưng không bất ngờ khi thấy việc bổ sung các hạt oxit kẽm chuyển thành độc tính dưới tác động của tia cực tím.

Bà Santillan nói: “Đối với nhóm nghiên cứu tại trường Đại học Oregon chuyên nghiên cứu độc tính của các hạt nano, kết quả này không “gây sốc”. Phát hiện này sẽ gây ngạc nhiên cho nhiều người tiêu dùng, đang bị đánh lừa bởi thông tin ghi trên nhãn là “không chứa nano” của kem chống nắng khoáng chất, ngụ ý rằng kem chống nắng an toàn chỉ vì chúng không chứa các hạt nhỏ đó.

Bất kỳ kích thước hạt oxit kim loại nào cũng có thể có các vị trí phản ứng trên bề mặt, cho dù nó có nhỏ hơn 100 nanomet hay không. Quan trọng hơn kích thước là tính đồng nhất của kim loại, cấu trúc tinh thể của nó và bất kỳ lớp phủ bề mặt nào".

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang