Kem trộn biến tướng ‘lên đời’ thành mỹ phẩm hạng sang

authorThanh Uyên 07:02 24/01/2016

(VietQ.vn) - Với những cái tên mĩ miều: kem cốt Thái Lan, Nhật Bản…, những loại mỹ phẩm làm trắng da không rõ nguồn gốc đang làm mưa làm gió trên thị trường.

Kem trộn biến tướng ‘lên đời’ thành mỹ phẩm hạng sang

Thế hệ 2 của kem trộn là kem cốt kích trắng được đóng mác hàng nhập khẩu Thái Lan

Mỹ phẩm hạng sang giá "bèo"

Kem cốt kích trắng được quảng cáo là một dạng mỹ phẩm cô đặc đang được chào bán tràn lan trên thị trường online. Theo người bán, đây là mỹ phẩm cao cấp được nhập về từ Thái Lan hay Nhật Bản và có khả năng làm trắng da ngay lần đầu sử dụng.

Với tính siêu tiết kiệm và giá tiền phù hợp, chỉ khoảng 200.000 đồng/ hũ 200gram, kem cốt Thái Lan được các chủ shop online ‘đóng mác’ hàng nhập khẩu với cam kết “chất lượng 1 hũ kem cốt bằng 3,4 hũ kem làm trắng thông thường”.

Liên hệ tới một địa chỉ chuyên cung cấp các sản phẩm kem cốt kích trắng Thái Lan và sữa non cô đặc làm trắng da trên một diễn đàn mua bán, chị Ngọc Trần chủ shop online “nổ” quảng cáo: “Các sản phẩm làm trắng da như kem cốt thuộc dòng sản phẩm dưỡng trắng chuyên Spa, kem giàu chất làm trắng, dưỡng chất tái tạo da, thúc đẩy nhanh quá trình hình thành tế bào da mới làm da trắng hồng”. Tuy nhiên khi đề cập đến nguồn gốc các sản phẩm, chị này nói: “Đã là mỹ phẩm dành cho spa thì yên tâm hàng nhập, không trắng không lấy tiền”.

Mỹ phẩm kem cốt kích trắng Thái Lan được chị Ngọc Trần rao bán được bao gói từng hũ nhỏ, có trọng lượng từ 100gr- 300gr. Trên nhãn có chữ Thái Lan, không hạn sử dụng và không có nhãn phụ bằng tiếng Việt.

Kem trộn biến tướng ‘lên đời’ thành mỹ phẩm hạng sangKem trộn biến tướng ‘lên đời’ thành mỹ phẩm hạng sangKhi kem trộn thất thế, kem cốt kích trắng được thể tung hoành nhưng về bản chất hai loại kem này đều kém an toàn như nhau

Theo một chuyên gia làm đẹp đã từng chia sẻ trên mạng xã hội cách đây không lâu, kem cốt kích trắng Thái Lan hay Nhật Bản thực chất là kem trộn được người bán “lên đời”. 

Theo người này, kem cốt nói là hàng Thái Lan, Nhật Bản hay nước nọ nước kia chỉ là vẽ ra mà thôi, sản xuất ở Việt Nam hay Đài Loan hết, các hoạt chất active y hệt kem trộn, chỉ là tinh vi hơn. 

“Bây giờ người ta nhận biết kem trộn qua màu ngả vàng và có mùi chua, bao bì xấu hoặc không nhãn mác, nên thế hệ hệ 2 của kem trộn là kem cốt đã khắc phục được những nhược điểm này. Kem cốt có màu trắng mịn, mùi thơm và bao bì cực sang, cực đẹp, đóng mác nước ngoài nên chả ai nghĩ nó là “thuốc độc” cả”, chuyên gia này chia sẻ.

Nguy hại khó lường

Phản ánh với Chất lượng Việt Nam online, chị Cù Thu Dung (21 tuổi) sinh viên trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết, chị đã gặp phải rắc rối lớn về làn da sau khi sử dụng kem cốt kích trắng được bạn bè giới thiệu mua trên mạng.

“Vốn có làm da không được trắng, mình nghe bạn bè nói dùng mỹ phẩm kem cốt kích trắng của Thái có tác dụng rất tốt nên đã mua về dùng. Sau vài lần sử dụng đầu tiên mụn cám biến mất rất nhanh, da láng mịn và bóng và quan trọng là da mình trắng lên rất nhiều. Tuy nhiên, chỉ sau 1 tháng da bắt đầu thay đổi khi da mặt luôn nóng rát, sấn đỏ và xuất hiện nhiều mụn đầu mủ li ti…”, chị Dung chia sẻ.

Kem trộn biến tướng ‘lên đời’ thành mỹ phẩm hạng sangNạn nhân của kem cốt kích trắng da

Giống như chị Dung, chia sẻ trên diễn đàn làm đẹp nhiều ý kiến cho rằng, muốn trắng nhanh chỉ có cách duy nhất là dùng kem kích trắng, tuy nhiên vì các sản phẩm này chỉ được cam kết bằng lời của người bán nên tất nhiên mọi rủi ro người mua phải chịu.

“Họ nói hàng Thái hay Nhật thì biết vậy, giấy tờ chứng minh hàng công ty, giấy phép lưu hành, giấy chứng nhận nhập khẩu, kiểm nghiệm, giấy khen này nọ thì dễ kiếm mấy hồi. Đó không phải là những thứ ta nên đặt 100% niềm tin, mấy thứ đó làm fake dễ như trở bàn tay”, thành viên Chinsu chia sẻ.

Để tăng uy tín cho sản phẩm, những người bán hàng online thường post lên mạng những phản hồi của khách hàng đã từng sử dụng sản phẩm để thu hút niềm tin. Tuy nhiên, đây là chiêu khá hiệu quả mặc dù các phản hồi này làm giả không hề khó.

Theo bác sỹ chuyên khoa da liễu Nguyễn Thị Ngọc Mai (Bệnh viện Da liễu Hà Nội), theo con số thống kê mỗi năm, bệnh viện này tiếp nhận hơn 1.000 ca khám, chữa bệnh da liễu liên quan đến dị ứng thuốc, mỹ phẩm, đặc biệt là sử dụng mỹ phẩm kém chất lượng.

Bà Lê Thị Hải Duyên, giám đốc một thẩm mỹ viện tại Hà Nội, cho biết việc tẩy trắng da cấp tốc để lại những hậu quả trầm trọng như viêm da, giãn mao mạch. Bà Duyên nhấn mạnh, để có làn da đẹp cần một quá trình lâu dài, không phải việc ngày một ngày hai.

“Các triệu chứng đẹp da nhanh đã làm nhiều người ngộ nhận là da đẹp hồng hào nhưng thực ra đó là vì các mao mạch đã dãn nở dễ gây đỏ da sau đó. Nguy hiểm hơn là tình trạng da mặt nổi mụn, mưng mủ để lại di chứng cho khuôn măt về lâu dài”, bà Duyên cảnh báo.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang