Kết nối đẩy mạnh tiêu thụ, chế biến nông sản địa phương

author 14:34 29/07/2021

(VietQ.vn) - Với mục tiêu đồng hành cùng các địa phương, hỗ trợ cơ sở sản xuất quảng bá sản phẩm, kết nối giao thương tìm đầu ra cho nông sản thực phẩm, ngày 29/7/2021, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp đã tổ chức hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ nhãn và sản phẩm OCOP của các tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng tại Hà Nội.

Theo Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Quốc Toản, trước diễn biến khó lường về lưu thông, tiêu thụ, cần đổi mới công tác xúc tiến tiêu thụ, áp dụng trên quy mô lớn cả về chiều rộng lẫn chiều sâu; vừa thực hiện mô hình xúc tiến tiêu thụ truyền thống qua siêu thị, chợ đầu mối, chợ dân sinh, các chuỗi cửa hàng tiêu thụ nông sản…, vừa thông qua các nền tảng thương mại điện tử online, hạ tầng internet thông qua các trang mạng xã hội facebook, zalo, fanpage...

Kết nối tiêu thụ nhãn và sản phẩm OCOP của các tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng tại Hà Nội

 

Trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến quá trình thu hoạch, vận chuyển và tiêu thụ nông sản trong cả nước nói chung, đặc biệt đối với 19 tỉnh thành phía Nam, việc kết nối đẩy mạnh tiêu thụ, lựa chọn kịch bản, phương án tiêu thụ, bảo quản, chế biến nông sản của các địa phương có ý nghĩa rất quan trọng.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản mong muốn, các doanh nghiệp tiêu thụ nội địa, xuất khẩu, các doanh nghiệp, cơ sở bảo quản, chế biến nông sản thúc đẩy tiêu thụ quả nhãn và các sản phẩm OCOP để giúp nông dân thu hoạch được mùa, được giá- ông Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh.

Đứng ở góc độc nhà bán lẻ, bà Vũ Thị Hậu- Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam cho hay, bán lẻ là kênh đầu ra bền vững đối với người sản xuất. Các doanh nghiệp, hợp tác xã trước khi sản xuất cần xác định sản phẩm sẽ bán ở kênh nào và tạo ra sản phẩm phù hợp lên kênh đó. Các kênh bán lẻ sẵn sàng tiếp nhận sản phẩm nông sản để có sự đa dạng và cạnh tranh tốt. Do đó, đơn vị sản xuất phải tính toán về giá thành sản phẩm.

Bà Hậu cũng cho rằng, hướng đi của các đơn vị sản xuất hiện nay lên sàn thương mại điện tử là sự lựa chọn đúng đắn. Nhờ đó, việc đưa sản phẩm quảng bá sẽ thuận lợi hơn.

Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã thông tin về các sản phẩm của mình, đặc biệt là các sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và mong muốn được liên kết hợp tác với các đơn vị trong và ngoài tỉnh để tìm kiếm đầu ra, phân phối sản phẩm.

Ông Đào Văn Hồ- Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Việt Nam đánh giá cao các ý kiến tại hội nghị, đồng thời khẳng định, Hội nghị nhằm hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất quảng bá sản phẩm, kết nối giao thương với các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm trên cả nước, tránh bị đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị nông sản do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đồng thời đóng góp vào việc triển khai thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và nêu cao tinh thần “Nâng niu nông sản Việt - Nâng niu tâm hồn Việt - Nâng niu giá trị Việt” của người tiêu dùng.

Tại hội nghị cũng đã diễn ra lễ ký kết trực tuyến 3 biên bản hợp tác trong phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông sản. Cụ thể, Công ty TNHH Lam Lâm (Sóc Trăng) và Công ty cổ phần xúc tiến thương mại nông nghiệp Việt Nam (Hà Nội); Trung tâm Xúc tiến thương mại, du lịch và đầu tư Đồng Tháp và Công ty cổ phần xúc tiến thương mại nông nghiệp Việt Nam; Trung tâm Xúc tiến thương mại, du lịch và đầu tư Đồng Tháp và Dự án hỗ trợ tiêu thụ nông sản EATDELI (Hà Nội).

Theo thống kê, năm nay, tổng diện tích trồng nhãn của hai tỉnh Đồng Tháp và Sóc Trăng ước đạt 8.462 ha; trong đó, ĐồngTháp 5.340 ha, Sóc Trăng 3.122 ha. Tổng sản lượng ước đạt 78.000 tấn, chiếm khoảng 12,24% tổng sản lượng nhãn cả nước; trong đó, Đồng Tháp 53.000 tấn, Sóc Trăng 25.000 tấn.

Dự kiến từ nay đến cuối năm, tỉnh Đồng Tháp có 1.230 ha nhãn sẽ thu hoạch, sản lượng hơn 11.600 tấn. Riêng huyện Châu Thành sẽ có hơn 340 ha nhãn đến thời điểm thu hoạch với sản lượng dự kiến khoảng 4.000 tấn. Nhãn là một trong các loại cây ăn trái chủ lực của tỉnh Sóc Trăng với diện tích 3.130 ha, trong đó có 2.536 ha đang cho trái. Thời gian thu hoạch từ tháng 7 - 12/2021 với sản lượng khoảng 24.400 tấn.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang