Kết quả khảo sát chất lượng và nhãn hàng hoá lưu thông trên thị trường các tỉnh Hậu Giang, Đồng Tháp

(VietQ.vn) - Trung tâm Chứng nhận phù hợp (Quacert) phối hợp cùng Ban Pháp chế - Thanh tra và các đơn vị trực thuộc Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia thành lập đoàn khảo sát về đo lường, đánh giá chất lượng và ghi nhãn hàng hóa đối với các mặt hàng mũ bảo hiểm; xăng dầu; vàng trang sức, mỹ nghệ; hàng đóng gói sẵn lưu thông trên địa bàn các tỉnh Hậu Giang và Đồng Tháp vào cuối tháng 11 và đầu tháng 12 năm 2024.
Mỗi con người STAMEQ phát triển toàn diện về trí tuệ, thể chất và cảm xúc
Vì sao Công ty Dược phẩm Hoàng Chương bị xử phạt?
Chủ động phòng tránh ngộ độc thực phẩm dịp Tết Nguyên đán

Qua khảo sát cho thấy: về nhãn hàng hóa 131 mẫu, phần lớn mẫu hàng hóa được khảo sát có thông tin thể hiện trên nhãn hàng hóa phù hợp theo quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa và Nghị định số 111/2021/NĐ-CP ngày 09/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa.
Trong quá trình thực hiện, Đoàn khảo sát đã mua 12 mẫu hàng hóa (06 mẫu mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy, 03 mẫu xăng dầu, 03 mẫu vàng trang sức - mỹ nghệ) và được mã hóa để thử nghiệm các chỉ tiêu chất lượng theo tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng tại Trung tâm kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3. Kết quả thử nghiệm có 04 mẫu mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy có dấu hiệu không bảo đảm chất lượng so với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
Với những mẫu hàng hóa có dấu hiệu không bảo đảm chất lượng, Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (Quacert) sẽ báo cáo Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia và thông tin đến các đơn vị có liên quan (Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố) nắm tình hình, có kế hoạch quản lý các sản phẩm, hàng hóa này trong sản xuất và kinh doanh; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trên thị trường cũng như tuyên truyền với doanh nghiệp và người dân các quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Các cá nhân, tổ chức kinh doanh cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm đối với chất lượng hàng hóa do mình sản xuất, kinh doanh và cần cập nhật thường xuyên các quy định của pháp luật để đảm bảo đo lường, chất lượng hàng hóa trong kinh doanh, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng nên lựa chọn các sản phẩm, hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và chọn nơi mua hàng uy tín để đảm bảo quyền lợi chính đáng và sự an toàn cho sức khỏe bản thân, góp phần tạo dựng một xã hội tiêu dùng văn minh, an toàn và bền vững.
Thanh Lịch (Ban Pháp chế - Thanh tra)