Khát vọng ‘Make in Vietnam’ từ góc nhìn doanh nghiệp

author 13:34 28/05/2019

(VietQ.vn) - Công nghệ mới đang tạo ra những sản phẩm sáng tạo mới, đòi hỏi sự tăng tốc của cả doanh nghiệp và Nhà nước để hiện thực hóa khát vọng “Make in Vietnam”.

Việt Nam được nhận định đang nắm giữ tiềm năng và cơ hội phát triển mạnh mẽ trong công nghệ. 

Tại Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đầu tháng này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: "Make in Vietnam sẽ là tuyên bố của chúng ta. Sáng tạo tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam".

Thông điệp này mang ý nghĩa rằng doanh nghiệp công nghệ Việt Nam dùng công nghệ của nhân loại để giải quyết vấn đề Việt Nam, bài toán Việt Nam, và từ cái nôi Việt Nam, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sẽ đi ra toàn cầu, giải quyết các bài toán toàn cầu.

Trong tiến trình đó, doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sẽ làm chủ và "Make in Vietnam" toàn bộ quá trình sáng tạo, thiết kế, tích hợp sản phẩm, dịch vụ, làm chủ công nghệ, phát triển công nghệ để không chỉ sử dụng mà còn đóng góp công nghệ mới cho thế giới.

Cùng với đó, doanh nghiệp công nghệ Việt Nam còn có nhiệm vụ nâng cao chất lượng tăng trưởng, đưa nền kinh tế lên các bậc thang cao hơn trong chuỗi giá trị. Đặc biệt, doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sẽ gánh trọng trách dẫn dắt tiến trình chuyển đổi số quốc gia, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số.

Thời gian qua, Bkav gây bất ngờ khi tung ra chiếc điện thoại thông minh mang thương hiệu Việt và hiện đã đến phiên bản thứ ba. 

Ông Nguyễn Tử Quảng giới thiệu đây là dòng cao cấp, cấu hình tương đương với sản phẩm của Apple nhưng giá chỉ bằng một nửa.

Ông khẳng định nguồn lực của người Việt Nam có thể làm tất cả những thứ tốt nhất như trên thế giới hiện nay nhưng vấn đề là cách tổ chức ra sao và quyết tâm như thế nào. “Tất cả phụ thuộc vào cái đầu của mình, suy nghĩ của mình có dám làm hay không”.

Vingroup thậm chí còn cho thấy tham vọng lớn hơn khi sản xuất ô tô mang thương hiệu Việt với đẳng cấp thế giới và tiếp sau đó, là nhiều sản phẩm công nghệ cao như xe điện hay điện thoại thông minh. 

Không ít lần, người ta phải trầm trồ trước các sản phẩm của tập đoàn này và đáng ngưỡng mộ hơn cả là tâm huyết và sự đóng góp của biết bao con người Việt.

Không chỉ là mảnh đất màu mỡ với các doanh nghiệp có tiềm lực, công nghệ thông tin còn là khu vực đầy tiềm năng phát triển cho các doanh nghiệp khởi nghiệp – những doanh nghiệp có nhiều sức trẻ, sức sáng tạo.

Thế giới từng bất ngờ với mô hình mới của Grab, Uber thì giờ đây, Việt Nam cũng đã xuất hiện startup không kém là Be Group. 

Là quốc gia xuất phát sau nhưng Việt Nam được nhận định có đủ khả năng để hòa nhập với xu hướng kinh doanh vận dụng công nghệ của thế giới và tạo nên những đột phá mang dấu ấn Việt Nam.

“Tôi nghĩ Việt Nam hoàn toàn có thể làm được với tinh thần là một doanh nghiệp Việt, một công nghệ Việt, một con người Việt”, CEO Be Group Trần Thanh Hải nhấn mạnh.

Công nghệ là mảnh đất màu mỡ cho các startup. 

Trong nỗ lực hiện thực hóa “Make in Vietnam”, Got It vừa qua đã ra mắt sản phẩm Querychat - một dịch vụ hướng tới các kho lưu trữ dữ liệu trên nền điện toán đám mây, khởi đầu với Google BigQuery.

Đây là sản phẩm đầu tiên cung cấp dịch vụ đám mây về chuyên gia phân tích dữ liệu theo yêu cầu của một trong những công ty khởi nghiệp (startup) Việt hiếm hoi có thể trụ vững ở “thung lũng công nghệ” của thế giới, gây được tiếng vang trên toàn cầu với những sản phẩm có hàm lượng công nghệ trí tuệ cao chưa từng có trên thị trường.

Anh Phạm Hải Văn, CEO chi nhánh miền Bắc của Haravan nhận định, hiện nay, các bạn trẻ đang tập trung nhiều vào lĩnh vực khởi nghiệp công nghệ và đây là một xu hướng đúng.

“Với các bạn trẻ, công nghệ đang là lợi thế của chính các bạn ấy. Với các bạn trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực khác thì công nghệ lại là một nền công nghiệp vận hành theo ý tưởng và trí tuệ của những người vận hành triển khai”, anh Văn phân tích với TheLEADER.

Những người trẻ là những người được tiếp cận với các công nghệ tiên tiến, có thể tìm hiểu những mô hình thành công để áp dụng tại Việt Nam.

“Tôi nghĩ là đây là một trong những lĩnh vực mà chúng ta cạnh tranh công bằng với nhau”.

Bên cạnh đó, việc lựa chọn công nghệ thông tin để khởi nghiệp xuất phát từ tốc độ tăng trưởng rất nhanh của ngành này, thậm chí gấp 10, 20 lần so với ngành khác.

Điều này giúp doanh nghiệp có thể xây dựng được sản phẩm trong thời gian rất ngắn, không chỉ phục vụ cho các doanh nghiệp tại Việt Nam mà còn có thể hướng ra thị trường thế giới.

Anh Trần Quốc Dũng, CEO Ominext Group.

Trước làn sóng khởi nghiệp mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghệ, anh Trần Quốc Dũng, CEO Ominext Group cho rằng niềm đam mê chính là lời khuyên lớn nhất.

“Có thể có đâu đó những khó khăn nhưng hãy dẹp bỏ cái khó khăn ấy đi và chúng ta hãy sống trong niềm đam mê ấy. Khi chúng ta đam mê, chúng ta dồn hết tâm trí của mình vào công việc chúng ta đang làm thì mọi cánh cửa sẽ mở ra và sẽ giải quyết được tất cả những khó khăn”.

Trong khi đó, ông Lữ Thành Long, Chủ tịch công ty Misa – nhà sản xuất và triển khai số 1 Việt Nam trong lĩnh vực phần mềm tài chính kế toán cho rằng điều khó nhất trong doanh nghiệp công nghệ Việt hiện nay là có đủ sáng tạo, đủ ý chí để theo đuổi đam mê.

Ông nhận định người Việt Nam có thế mạnh là thông minh, cần cù và có đủ tự tin để giải quyết các bài toán Việt Nam một cách có hiệu quả.

Mặc dù vậy, các sản phẩm sáng tạo sẽ tạo ra những mô hình mới và đỏi hỏi cách ứng xử mới mà đôi khi, những ứng xử còn lúng túng.

Nhận định về vấn đề này với TheLEADER, CEO chi nhánh miền Bắc của Haravan Phạm Hải Văn cho rằng không cần vội vàng đưa ra những chính sách cho các mô hình này.

Thay vào đó, cần thời gian để hiểu chúng hoạt động như thế nào, đóng góp, mang lại lợi ích gì cho xã hội và từ đó Nhà nước mới cần đưa ra chính sách.

Nếu những mô hình này ổn thì cần thúc đẩy phát triển còn nếu cần kiểm soát, Chính phủ đưa ra những chính sách để kiểm soát.

“Tôi cho rằng công nghệ đang phát triển rất nhanh, chính sách cần theo đuổi và bám sát chứ nếu đưa ra một chính sách trước cho một mô hình mới sẽ rất khó”.

Anh Trần Quốc Dũng, CEO Ominext Group thể hiện sự kỳ vọng vào các chính sách hỗ trợ, hướng dẫn cách làm. “Nếu có được chính sách hướng dẫn cách làm rõ ràng và minh bạch thì chúng tôi sẽ rút ngắn thời gian mò mẫm”, anh chia sẻ.

Theo anh, Chính phủ cần có những nguồn kinh phí hỗ trợ, kêu gọi các công ty, tập đoàn đầu tư, hỗ trợ cho các startup, góp phần hiện thực hóa những ý tưởng sáng tạo.

PGS. TS Trần Đình Thiên: Đã đến lúc cần nhấn mạnh khái niệm 'Make in Vietnam'(VietQ.vn) - 'Nó đồng nghĩa với việc làm ra bởi người Việt Nam, bởi giá trị gia tăng từ công nghệ Việt, dù có công nghệ đi mua nhưng là ý chí của người Việt...', PGS. TS Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh.

 Theo The Leader

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang