Khi người Việt trẻ được “bay”

author 00:00 24/07/2012

(VietQ.vn) – Đất nước sẽ hóa rồng khi người Việt trẻ được “bay”, được sống bằng tài năng và theo đuổi đam mê của mình…

Từ vệ tinh F1…

Sự kiện một trường ĐH tư thục của Việt Nam phóng vệ tinh khiến hàng loạt tờ báo đưa tin, từ hồi họ còn khởi động nghiên cứu cho đến khi vật thể có kích cỡ như quả bí ngô ấy được bay ra khỏi tàu vũ trụ.

Việt Nam sẽ tiến tới việc chế tạo những vệ tinh hiện đại như này. Ảnh: NASA
Việt Nam sẽ tiến tới việc chế tạo những vệ tinh hiện đại như này. Ảnh: NASA

“Kiến trúc sư trưởng” của F1, Vũ Trọng Thư cho hay, kinh phí chế tạo vệ tinh vào khoảng 4 tỷ đồng. Nếu số tiền đó ĐH FPT dùng làm quảng cáo sẽ không thể bắt giới truyền thông đăng các bài viết về trường này ở vị trí trang trọng, trên các chuyên mục chính, khiến bao nhiêu người biết đến. Nhưng với việc đầu tư làm và phóng vệ tinh như vậy, trường ĐH tư thục ấy đã bắn một mũi tên mà trúng hai đích.

Tuy vậy, không giống cô ca sĩ hát nhạc đỏ nọ, phải “diễn” mình là người dịu dàng, tử tế…nhà khoa học trẻ Vũ Trọng Thư đã rất trung thực khi trả lời báo chí rằng, nhiều phần trong F1 là do họ mua của nước ngoài, như hệ thống viễn thông, một số hệ thống điều khiển điện…(chiếc ăng ten “xương cá” để họ bắt tín hiệu vệ tinh, được VTV quay trong chương trình thời sự, có thể khiến nhiều người không để ý, nhưng những người trong nghề vô tuyến điện đều biết, bắt sóng bằng những ăng ten chảo, được đầu tư lớn sẽ hiệu quả hơn).  

Kỹ sư Vũ Trọng Thư và đồng nghiệp đã không hề tỏ ra mình là những người giỏi, khai phá sân chơi vũ trụ cho Việt
Nam. Nhưng ánh mắt và quyết tâm của các anh đã làm nhiều người hy vọng, những người trẻ ấy sẽ tiến xa hơn trong công việc chinh phục không gian, chế tạo được nhiều bộ phận phức tạp hơn của Việt Nam mà nước ngoài chưa có…

..tới ước mơ được “bay”

Trong một buổi nói chuyện với các bạn trẻ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tâm sự rằng, thời còn là học sinh, ông ước mơ được học ngành xây dựng nhưng tổ chức lại phân công ông học kinh tế.

Thời kinh tế bao cấp, người ta phải hy sinh mong muốn cá nhân để vun đắp cho lợi ích dân tộc.

Nhưng ngày nay, các bạn trẻ đã được tự do lựa chọn ngành nghề theo nguyện vọng của mình. Vậy mà đâu đó, người ta đã không dám đi theo đam mê ấy.

Những người trẻ yêu bầu trời không dám học ngành thiên văn vì sợ lương thấp. Những thí sinh nông thôn muốn học nông nghiệp để đem lại năng suất cao hơn cho những cánh đồng thôn quê, nhưng lại thấy ngành ngân hàng dễ thoát nghèo nhanh hơn. Những thiếu nữ yêu các chàng trai làm khoa học vì sự thật thà, nhân hậu của họ…nhưng lại sợ “cạp đất mà ăn” vì đồng lương ít ỏi, nên có khi lại chọn những đại gia bất động sản, những đại gia phá rừng…vì nghề đó đem lại nhà cửa, ô tô.

Gánh nặng “cơm áo gạo tiền” làm một số người trẻ phải sống khác với những gì mình ao ước.

Vệ tinh F1 của nhóm Vũ Trọng Thư xuất hiện trên bầu trời ngày 21/7 như một minh chứng lãng mạn và thực tế về việc người trẻ có thể theo đuổi đam mê của mình.

Cho dù kinh tế đang ở thời kỳ khó khăn, cho dù bên kia lục địa, châu Âu giàu có đang xuất hiện ngày càng nhiều cử nhân đi chạy bàn, bán cà phê…thì các doanh nghiệp và cơ quan Việt Nam vẫn thiếu những nhân lực chất lượng cao.

Tới đây, những thay đổi trong chính sách, cơ chế tài chính trong nghiên cứu khoa học, việc trích 10% lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp cho đầu tư khoa học…sẽ là chìa khóa cho những người trẻ ấy tin vào tương lai của mình. Nhà khoa học sẽ tự do hơn trong nghiên cứu, không phải lo “nói dối” để có kinh phí cho đề tài của mình, chủ động về mọi mặt…miễn là tạo ra những sản phẩm mới, chất lượng cao.

Và khi người Việt trẻ được “bay” trên đôi cánh làm bằng trí tuệ thực sự của mình, đất nước mới giàu có thực sự, vững bền; mới hóa Hổ, hóa Rồng như những gì các nước bạn phát triển cạnh ta đã làm được từ lâu.

Hoàng Tuân

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang