Sử dụng sản phẩm kích trứng và sinh con muộn: Nhiều hậu quả khó lường

author 05:56 20/05/2024

(VietQ.vn) - Hiện nay trên mạng rao bán nhiều loại sản phẩm được quảng cáo là thuốc bổ trứng, tăng trứng, giúp tăng khả năng thụ thai cho phụ nữ và có nhiều người sinh con muộn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe và xã hội.

Sản phẩm kích trứng không như mong muốn

Hiện nay nhiều phụ nữ có xu hướng trì hoãn việc lập gia đình, sinh con muộn. Đến khi có tuổi khó mang thai, nhiều phụ nữ tìm mua các sản phẩm được quảng cáo có tác dụng bổ trứng, tăng trứng với hy vọng sẽ giúp dễ thụ thai.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Hồ Mạnh Tường - Tổng thư ký Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh thành phố Hồ Chí Minh, các sản phẩm quảng cáo trên mạng làm tăng trứng, bổ trứng chủ yếu uống cho vui và giúp chị em đỡ lo thôi. Uống những loại thuốc này nhiều thì tốn tiền và làm phụ nữ trì hoãn việc điều trị đúng để có con sớm.

Bác sĩ Lê Thị Thu Hà, Bệnh viện Từ Dũ thành phố Hồ Chí Minh, cũng cho biết sản phẩm hỗ trợ tăng trứng, bổ trứng không giúp được những người phụ nữ có tuổi dễ thụ thai hơn. Những sản phẩm này chỉ giúp được những người phụ nữ bị "buồng trứng" đa nang điều hòa được kinh nguyệt.

Theo bác sĩ Tường, phụ nữ càng lớn tuổi thì số trứng trên 2 buồng trứng càng giảm dần và chất lượng trứng cũng giảm, tỉ lệ trứng bất thường tăng. Số lượng và chất lượng trứng chỉ có thể giảm dần theo thời gian. 

Đặc điểm trên làm cho phụ nữ càng lớn tuổi, khả năng có thai càng giảm và tỉ lệ sẩy thai càng tăng, tỉ lệ biến chứng, bất thường của thai cũng tăng theo (sau 35 tuổi).

Không nên tin tưởng vào sản phẩm được quảng cáo bổ trứng, kích trứng để thụ thai bán trên mạng. Ảnh minh họa

Trong xã hội hiện nay, phụ nữ có khuynh hướng trì hoãn việc lập gia đình, có con. Chị em dành thời gian tuổi trẻ, dưới 30 tuổi cho học hành như học đại học, sau đại học và cho sự nghiệp như tìm việc làm, thu nhập, vị trí... Đến khi muốn có con thì nhiều phụ nữ đã ở độ tuổi mà việc có con trở nên khó khăn.

Nhiều hệ lụy từ sinh con muộn

Các nguy cơ khi sinh con muộn thường gặp là: sẩy thai, đẻ non, tiền sản giật, thai lưu, đẻ khó,... Mang thai khi đã lớn tuổi thì tỷ lệ rối loạn nhiễm sắc thể cao nên tỷ lệ con mắc bệnh đần độn (Down) ở các bà mẹ này thường cao hơn bình thường. Nguy cơ càng tăng khi tuổi mang thai càng cao.

Ngoài ra, theo một nghiên cứu được thực hiện gần đây bởi các nhà nghiên cứu tại Viện Não Queensland, Australia, trẻ em do người bố cao tuổi sinh ra dễ có đột biến di truyền liên quan đến bệnh tự kỷ và trẻ em sinh ra từ các ông bố trên 40 tuổi có nguy cơ bị tự kỷ cao gấp 6 lần trẻ em sinh ra bởi các ông bố dưới 30 tuổi. Trẻ còn có thể bị suy yếu não nghiêm trọng và thường có chỉ số IQ thấp hơn những đứa trẻ khác.

Còn các nhà khoa học tại Viện Karolinska (Thụy Điển) và Đại học Bristol (Anh) đã phân tích hồ sơ y khoa của 700.000 người được sinh ra trong thời gian từ năm 1973 đến 1980. Họ nhận thấy, những trẻ có bố lớn tuổi có nguy cơ bị tâm thần phân liệt cao hơn hẳn những trẻ khác khi lớn lên. Khoảng 15,5% ca bệnh tâm thần phân liệt trong số đối tượng được nghiên cứu có bố trên 30 tuổi tại thời điểm ra đời. Theo phân tích này, đàn ông ở tuổi 50 trở lên có tỉ lệ sinh con bị tâm thần phân liệt cao gấp 3 lần đàn ông 25 tuổi. Họ cũng ước tính rằng khoảng 1/4 trường hợp bị tâm thần phân liệt là do được sinh ra bởi các ông bố cao tuổi.

Đàn ông ở độ tuổi 50, 60 trở lên có khả năng sinh ra đứa trẻ mắc hội chứng Apert (hội chứng sọ mặt) cao hơn 10 lần so với đàn ông từ 30 tuổi trở xuống. Một nghiên cứu khác của Học viện Karolinska, Thụy Điển cũng cho thấy con cái của đàn ông từ 55 tuổi trở lên có khả năng bị rối loạn lưỡng cực cao hơn 1,37 lần các ông bố trẻ.

Do đó, theo các bác sĩ việc cả bố và mẹ lớn tuổi sinh con muộn đều tiềm ẩn nhiều rủi ro cho thai nhi. Vì vậy với những trường hợp thực sự muốn có thêm con, các ông chồng và các bà vợ lớn tuổi cần khám tổng quát để có thể phát hiện kịp thời bệnh lý nếu có.

Đặc biệt, vợ chồng cần phải có sự hướng dẫn của bác sĩ trong trường hợp đang bị bệnh mãn tính, hay đang dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. 

Một số loại thuốc bắt buộc phải ngừng sử dụng vì chúng có thể gây hại cho thai nhi, bao gồm isotretinoin, accutane (trị mụn trứng cá), coumadin (thuốc chống đông máu), tetracycline (trị mụn trứng cá hoặc nhiễm trùng), axit valproic (trị bệnh động kinh), thuốc ức chế men chuyển (đối với bệnh tăng huyết áp), thuốc tiêm hoặc phòng ngừa như Imitrex và propranolol (đối với chứng đau nửa đầu), thuốc chống sốt rét như Plaquenil, hoặc liều cao steroid như cortisone và prednisone (đối với bệnh lupus). Bạn nên trao đổi với bác sĩ trước khi ngừng dùng bất kỳ loại thuốc nào được kê đơn.

Nhiều loại thuốc không kê đơn có thể an toàn khi sử dụng với liều lượng nhỏ. Tuy nhiên, một số loại thuốc chống viêm không steroid (NSAIDS), chẳng hạn như Motrin, Aleve, hoặc bất kỳ loại thuốc nào có chứa ibuprofen, có thể làm giảm sự rụng trứng và làm cho niêm mạc tử cung của phụ nữ kém thuận lợi hơn cho việc làm tổ. Ngoại trừ Tylenol có thể an toàn khi sử dụng bất cứ lúc nào, bạn chỉ nên dùng NSAIDS khi đang hành kinh nếu bạn đang mong muốn mang thai.

Thực tế, một số loại thuốc có thể là lựa chọn thay thế an toàn hơn cho phụ nữ mang thai. Chẳng hạn như, cần dùng thuốc chống đông máu cho tình trạng huyết khối tĩnh mạch sâu thì thuốc Heparin được cho là an toàn khi sử dụng, trong khi đó Coumadin sẽ gây nguy hiểm hơn vì nó đi quan nhau thai. Hoặc nếu bạn cần dùng thuốc chống co giật hoặc động kinh thì thuốc Dilantin sẽ mang lại rủi ro ít hơn so với axit valproic.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang