Khi nhà khoa học và quản lý tài chính “lệch pha”

author 15:00 27/06/2012

(VietQ.vn) – Nhà khoa học muốn tự do nghiên cứu, không phải bận tâm về tiền bạc, còn nhà tài chính lại muốn chi tiền ra phải có sản phẩm đem về…

Nhiều năm nay, việc đổi mới cơ chế tài chính để tạo thuận lợi nhất cho các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu, tạo ra những công trình có giá trị, vẫn chưa tìm ra được phương án hiệu quả nhất. 

Từng là Trưởng ban Kế hoạch – Tài chính của viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (cơ quan tương đương cấp Bộ), nguyên viện trưởng viện Vật lý địa cầu, GS Bùi Công Quế từng là nhà khoa học, nhà quản lý tài chính lâu năm. Ông đã chia sẻ với Chất lượng Việt Nam Online về những trăn trở của mình với công tác quản lý tài chính trong khoa học.
Cần có cơ chế tài chính linh hoạt cho các nhà khoa học nghiên cứu. Ảnh: internet
Cần có cơ chế tài chính linh hoạt cho các nhà khoa học nghiên cứu.
Ảnh: internet
 
Vừa lỏng, vừa chặt…

Nhiều nhà khoa học phản ánh kinh phí chi cho việc nghiên cứu còn eo hẹp. Phải chăng, cơ chế quản lý tài chính của chúng ta quá “chặt chẽ” nên “trói chân” các nhà khoa học?

Nhưng thực ra, việc quản lý tài chính hiện nay của chúng ta vừa chặt lại vừa lỏng. Kinh phí thực hiện các đề tài khoa học thường có 2 phần: khoán và không khoán. 

Phần không khoán, khi chi tiêu gì phải có định mức, chứng từ. Ví dụ như khi mua vật tư phải có hóa đơn đỏ. Nhưng có những thứ khi nhà khoa học mua lại khó kiếm được hóa đơn. 

Hoặc có những việc lẽ ra phải trả công cao, ví dụ là 30 triệu, nhưng người phê duyệt lại không hiểu, nên chỉ cho 5 triệu. Thế thì dễ dẫn đến tình trạng đối phó: vẫn hoàn thành công việc đấy nhưng chất lượng ở mức vừa phải thôi. Và thành ra chúng ta bị lãng phí vì công việc đó ít có giá trị.

…vì chưa thật sự hiểu nhau?

Tôi nhiều lần làm việc với Bộ Tài chính. Ngay cả một số cô chuyên viên ở đó cũng nói với tôi nhiều điều tuy “đau” nhưng cũng phải đáng suy ngầm. Đó là khi cấp tiền cho các công trình nghiên cứu thì phải có nhiều sản phẩm ứng dụng thực tế, chứ nếu không làm ra gì có giá trị thì rất khó giải ngân.

Các nhà quản lý tài chính luôn chặt chẽ trong việc duyệt kinh phí. Ảnh: internet
Các nhà quản lý tài chính luôn chặt chẽ trong việc duyệt kinh phí.
Ảnh: internet
Phía các nhà khoa học thì cũng “kêu” cơ chế tài chính nhiều khi còn eo hẹp, cứng nhắc. Anh em làm khoa học đa số đều trung thực, có đạo đức, làm chuyên môn thì tốt nhưng báo cáo tài chính thì có người lại viết chung chung, sơ sài. Nhiều lần tôi phải “rát cổ” nhắc nhở, hướng dẫn các nhà khoa học lập dự toán…

Khi báo cáo dự toán, có nhà khoa học còn đối phó bằng cách: “Biết là thế nào cũng bị cắt bớt kinh phí nên cứ khai cao lên một chút, để khi họ cắt đi là vừa”.

Đặc biệt, có nơi, khi kiểm toán đến làm việc nhiều, anh em lại tưởng họ nghi ngờ gì mình. Mà nhà khoa học thì rất tự trọng, thành ra lại tự ái…Nhưng kiểm toán thì họ phải vậy, phải tỉ mỉ, chi tiết.

Có những quy định về tài chính cũng cần thay đổi theo thị trường. Ví dụ như việc tiếp khách nếu chỉ duyệt tối đa 4 triệu một lần thì có những lúc, anh em phải tiếp nhiều chuyên gia nước ngoài, có khi phải tốn 5 – 6 triệu. Thế là có khi phải “nói dối”….

Nhiều định mức chi thường xuyên cũng lạc hậu. Như tiền đi công tác chẳng hạn, chỉ cho phép mấy chục nghìn một ngày, với các nhà khoa học đi đo đạc ở biển, là không còn phù hợp. Thành ra có hiện tượng “xé rào”, không thống nhất định mức…

Có một số anh em trẻ lúc đầu chưa được làm đề tài thì háo hức. Nhưng sau khi được làm, gặp khó khăn trong việc thanh toán kinh phí….nên lòng nhiệt tình không còn như trước.

Bỏ khoa học cơ bản là sai lầm

Nhiều người làm tài chính chỉ muốn nghiên cứu phải ra sản phẩm ứng dụng, từ đó làm ra tiền, không muốn chi tiền cho khoa học cơ bản, vì nghĩ rằng nó viễn vông, không phù hợp với các nước đang phát triển như Việt Nam. Đó là sai lầm.
 
Bỏ qua những nghiên cứu cơ bản mà chỉ tập trung vào khoa học ứng dụng là sai lầm. Ảnh: internet
Bỏ qua những nghiên cứu cơ bản mà chỉ tập trung vào khoa học ứng dụng là sai lầm. Ảnh: internet
Vì, ví dụ như quân đội chúng ta chọn mua tàu ngầm nước ngoài thì phải cần có các thông số về độ mặn, các chất trong nước biển, đặc điểm thềm lục địa, đáy biển Việt Nam…Nhưng những cái này phải có người đo đạc, am hiểu về các kiến thức cơ bản.

Hay khi chúng ta nhập khẩu các công nghệ sản xuất hiện đại thì tất cả chúng đều hoạt động dựa vào các nguyên tắc, nguyên lý khoa học cơ bản. Nên nếu không có khoa học cơ bản thì sẽ không hiểu, không sử dụng được công nghệ hiện đại.

Hiện nay chúng ta có áp dụng cơ chế tự chủ tài chính cho các viện nghiên cứu. Nhưng điều này có những nơi hồ hởi đón nhận, có những nơi thì anh em kêu nhiều.

Vì với những viện như viện Máy công cụ, họ tạo ra sản phẩm bán được ra bên ngoài thì có thể tự chủ được tài chính, thu hút đầu tư. Nhưng có những viện nghiên cứu cơ bản, sản phẩm chỉ cung cấp được cho Nhà nước, như số liệu đo đạc ngoài biển, thì không thể bán được cho doanh nghiệp, nên không có nhiều tiền thu về…

Nên nếu không cẩn thận, việc quản lý như vậy sẽ khiến các nhà khoa học phải lo lắng cho việc buôn bán, thương mại. Mà họ lại chỉ muốn tập trung làm khoa học.

Đổi mới tài chính thế nào?

Các nước có nền khoa học phát triển họ thường sử dụng cơ chế khoán. Họ đưa cho các nhà khoa học "một cục tiền", giao cho họ hoàn thành việc nghiên cứu cụ thể. Nhà khoa học chủ động sử dụng các khoản tiền trong đó, miễn là ra được sản phẩm, được nghiệm thu công minh. Nếu không hoàn thành phải trả lại tiền cho Nhà nước.

Điều đó cần những người thẩm định đề tài phải sát thực tế, vừa am hiểu nghiên cứu khoa học, vừa nắm rõ về tài chính. Chúng ta cần xây dựng những đội ngũ cán bộ như vậy.

Các nhà quản lý cũng cần hướng các nhà khoa học đến những cái mới, cái khó và chi tiền xứng đáng cho nghiên cứu đó. Chứ nếu phê duyệt kinh phí không tương xứng thì sẽ khó có kết quả nghiên cứu có giá trị lớn. Cần lấy chất lượng, hiệu quả công việc là yếu tố quan trọng để đầu tư.

Hiện nay, đời sống nhiều anh em làm khoa học so với mặt bằng chung của xã hội vẫn còn thấp. Nhiều người còn chật vật với cuộc sống. Nên chúng ta cần xem xét việc tăng lương cho các nhà khoa học. Như ở Trung Quốc, họ trả lương rất cao cho các nhà khoa học.

Mặt khác, việc phát triển khoa học công nghệ phải cần có sự nhận thức đúng đắn của toàn xã hội, nhất là những nhà quản lý. Như ở Hàn Quốc trước kia, họ lập ra viện KIST với cơ chế tài chính riêng, đã hoạt động hiệu quả, đưa nước này phát triển vượt bậc sau chiến tranh.

Đương nhiên, Việt Nam không thể dập khuôn một mô hình của nước nào vì chúng ta có những điều kiện chính trị - kinh tế - xã hội riêng. Cùng với sự phát triển của đất nước, tôi tin rằng, khoa học công nghệ của Việt Nam sẽ dần dần phát triển, tạo động lực cho kinh tế - xã hội phát triển.
 
GS Bùi Công Quế
(Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam)
 
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang