Chuyện những ông chủ khởi nghiệp từ 15 triệu đồng
Sự kiện: Làm giàu
Chuyện những 9x 'nhắm mắt' cũng kiếm tiền tỷ
Nông dân hóa tỷ phú ‘châu báu’ nhờ nuôi trai lấy ngọc
Lời khuyên làm giàu của triệu phú lập nghiệp từ hai bàn tay trắng
Vay 15 triệu từ ngân hàng, chàng trai thành công ngay sau 3 tháng thử nghiệm với nấm bào ngư
Không được may mắn như bao người, Nguyễn Sĩ Luận từ nhỏ đã phải chật vật làm thuê để mưu sinh vì gia cảnh nghèo khó, không có ruộng đất, trình độ học vấn lại hạn chế. Cái nghèo vẩn vương khiến chàng trai sinh năm 1982 luôn trăn trở tìm cách thoát nghèo.
Theo báo Tiền Phong, một lần anh tình cờ xem được mô hình trồng nấm bào ngư được giới thiệu trên tivi mang lại hiệu quả kinh tế cao, chi phí thấp, phù hợp với điều kiện gia đình. Như tìm được lối thoát, anh đi xe máy hàng trăm cây số đến Vĩnh Long trực tiếp tham quan các mô hình trồng nấm bào ngư ở đây để học hỏi kinh nghiệm.
Không lâu sau đó (12/2009), anh mạnh dạn dựng trại, lập kệ, trồng thí điểm 1.000 bịch phôi bằng số vốn 15 triệu đồng vay từ Ngân hàng chính sách huyện. May mắn, lứa phôi đầu tiên cho năng suất cao, trừ các chi phí anh lời được 3,2 triệu đồng. Từ thành công đó, anh mua thêm meo giống, mở thêm hai nhà trại và trồng trên 4.300 bịch phôi. Hơn cả mong đợi, sau hơn 3 tháng chăm sóc mỗi bịch phôi cho năng suất từ 280 - 300gr nấm, bán cho thương lái với giá từ 35.000 - 42.000 đồng/kg, trừ đi chi phí, anh còn lãi trên 30 triệu đồng. Mô hình trồng nấm bào ngư của anh ngày càng thu hút nhiều cá nhân và các cơ quan đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm.
Anh tiếp tục học hỏi chuyên sâu về nấm, nhờ đó mà từ chỗ trồng và chăm sóc nấm bằng phương pháp thủ công, qua các lớp tập huấn anh đã cải tạo trồng nấm trong nhà kính, hệ thống tưới tiêu tự động nên năng suất và chất lượng nấm ngày càng tăng cao.
Sau đó để ổn định đầu ra, anh Luận kết hợp cùng với xã Đoàn và Hội Nông dân xã An Hòa liên hệ với siêu thị Co.opmart Long Xuyên. “Qua quá trình kiểm nghiệm gắt gao, phía siêu thị đưa ra kết luận “nấm sạch, không phun thuốc, không chất bảo quản, an toàn cho người sử dụng”. Họ đồng ý ký kết hợp đồng tiêu bao sản phẩm lâu dài với chúng tôi, trung bình mỗi tháng 900 kg, với giá 40.000 đồng/kg”, anh Luận chia sẻ với PV báo Tiền phong.
Đặc biệt, anh Luận còn có sáng kiến tận dụng xác phôi sau khi thu hoạch để trồng nấm rơm và cải mầm nhằm kiếm thêm thu nhập và giải quyết được vấn nạn ô nhiễm môi trường. Nhờ sự năng động, sáng tạo đó, tổng doanh thu của Tổ hợp tác trồng nấm bào ngư hằng năm đạt trên 450 triệu đồng.
Mô hình trồng nấm bào ngư của anh Nguyễn Sĩ Luận vừa được Trung Ương Đoàn tuyên dương là một trong 10 mô hình, câu lạc bộ, tổ hợp tác và hợp tác xã tiêu biểu năm 2014. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã tặng Bằng khen cho anh Luận vì có thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế tập thể. Năm 2013, anh Luận vinh dự được nhận giải thưởng Lương Định Của.
Vay 15 triệu từ ngân hàng, gây dựng trang trại nuôi heo làm giàu trăm triệu sau 6 năm
Thông tin từ báo Gia Lai, chỉ với 15 triệu đồng vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, sau gần 6 năm, chị Bùi Thị Hòa (thôn 3, xã Hà Tam, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) đã ghi tên mình vào danh sách những “hộ sản xuất-kinh doanh giỏi” của xã với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm từ trang trại chăn nuôi heo.
Từ nhỏ đã làm bạn với cái cày, cái cuốc; nhưng cái nghèo cũng quanh quẩn mãi bên cuộc sống của chị Hòa. Chị nhận ra rằng: “Nếu chỉ làm thuê, chắc chắn kinh tế gia đình sẽ không thể khấm khá lên được mà cần phải có một nghề cụ thể”, nghĩ vậy chị chuyên tâm học hỏi từ hội thảo, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do Hội Phụ nữ phối hợp tổ chức; có kiến thức và được Hội tạo điều kiện để vay vốn hộ nghèo từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, chị Hòa đã mạnh dạn vay 15 triệu đồng để mua hai con bò sinh sản. 3 năm sau, nhà chị đã có một đàn bò 6 con.
Tuy nhiên, nhận thấy việc nuôi heo theo quy mô lớn mới là hướng đi mang lại hiệu quả kinh tế cao, chị đã bàn với chồng bán bớt 3 con bò và thay thế bằng 10 con heo, vừa heo thịt vừa heo nái. Cũng theo báo Gia Lai, chị Hòa dành nhiều thời gian tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại một số trang trại nuôi heo lớn trong và ngoài tỉnh để áp dụng mở rộng quy mô chăn nuôi hộ gia đình.
“Trang trại của gia đình đang duy trì khoảng 100 heo thịt và 10 con heo nái. Bình quân mỗi tháng gia đình tôi xuất chuồng khoảng 40 con heo thịt, trừ các khoản chi phí còn lãi khoảng 20 triệu đồng. Ngoài ra, chúng tôi còn tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động trong thôn với mức thu nhập bình quân 3 triệu đồng/tháng/người “- chị Hòa chia sẻ với PV báo Gia Lai.
Những mô hình kinh doanh có thể khởi nghiệp với 15 triệu đồng
(Theo Vnexpress - Ảnh minh họa)
Kinh doanh quần áo online
Hoa, ở quận Tân Bình, từng quán quần áo thuê tại chợ Bến Thành (TP HCM) với mức lương tháng 3 triệu đồng (bao ăn uống). Tiền gửi về cho gia đình và dành dụm chẳng được là bao. Điều này khiến Hoa trăn trở và quyết định mở cửa hàng quần áo trên mạng. Để hiệu quả và tránh rủi ro cô đăng ký mở shop miễn phí trên website thương mại điện tử, đồng thời quảng bá sản phẩm trên Facebook cá nhân. Với cách thức này Hoa không mất tiền mở cửa hàng hay thuê kios online.
Có kinh nghiệm lựa chọn quần áo và bán hàng nên thay vì chọn với số lượng nhiều, mỗi sản phẩm Hoa chỉ lấy 1-2 cái. Với số vốn đầu tư trên chục triệu đồng, Hoa có thể chọn được nhiều mẫu mã sản phẩm. Nếu số lượng khách hàng đặt nhiều Hoa mới tiếp tục lấy thêm để tránh hàng tồn kho.
Thời gian đầu, khách hàng chưa biết đến sản phẩm thì lợi nhuận không cao. Sau vài tháng, với tốc độ chia sẻ trên mạng ngày càng cao khiến lượng khách tại shop online của Hoa gia tăng mạnh.
“Một tháng tôi có thể kiếm được trên chục triệu đồng từ bán quần áo. Tích lũy dần dần, mỗi tháng tôi đều có tiền dư giả và trích ra khoảng 5 -10% để mua quảng cáo trên website thương mại điện với mong muốn có thêm khách hàng”, Hoa nói.
Cho tới nay, nhờ bán hàng qua mạng mà Hoa luôn có 300 khách hàng quen thuộc. Mỗi lần có sản phẩm mới, hoặc ưu đãi Hoa dễ dàng gửi tin nhắn đến toàn bộ khách hàng.
Kinh doanh làm giàu từ cửa hàng trái cây
Chị Thanh, chủ một cửa hàng trái cây nhỏ ở gần chợ Văn Thánh chia sẻ trái cây là mặt hàng khá gọn nên không cần thuê mặt bằng lớn, chỉ cần loại có chi phí 2-3 triệu đồng mỗi tháng. Số vốn còn lại dùng để mua trái cây. Nên chọn những loại mà người tiêu dùng ưa thích và phù hợp với cúng bái ngày lễ. Khi bán sản phẩm, nên thăm dò các cửa hàng kế bên về giá để có mức ưu đãi hấp dẫn. “Vì đây là mô hình dòng tiền xoay vòng nhanh nên không lo hết vốn. Để có thêm lượng khách hàng lớn, thay vì chỉ bán lẻ, tôi còn kết nối với khách hàng là công ty để cung cấp các đơn hàng về trái cây. Nhờ vậy, doanh thu cửa cửa hàng mỗi tháng tới vài chục triệu đồng”, chị Thanh chia sẻ.
Chị Thanh còn cho biết thêm, để có trái cây ngon, ngoài việc lấy hàng sớm ở chợ đầu mối thì cũng cần có cách bảo quản tốt. Chẳng hạn như nho, thay vì lấy sản phẩm thật để trưng bày thì chị chọn cách giới thiệu hàng bằng chùm nho nhựa.
“Những sản phẩm này để trời nóng sẽ không còn tươi. Khi khách hàng hỏi, tôi sẽ lấy hàng thật được trữ trong tủ mát cho khách hàng. Nhờ thế mà khách quen mỗi lần ghé mua họ lấy cả vài kg”, chị Thanh nói thêm.
Kinh doanh cửa hàng đồ ăn vặt mang đi
Chú Viên, chủ cửa hàng bánh tráng trộn ở quận 3 (TP HCM) cho biết, mô hình bán đồ ăn vặt chỉ cần 5-7 triệu là có thể làm được. Không nhất thiết phải thuê mặt bằng lớn và khu mặt tiền mà điều cốt yếu là sản phẩm phải ngon và bán ở khu đông học sinh sinh viên. Còn nếu ai có nhà ở mặt tiền thì có thể tận dụng một khoảng nhỏ để mở. Vì là sản phẩm mang đi nên rất tiện lợi trong khâu bán. Chi phí để làm ra sản phẩm không cao, tuy nhiên, lãi từ đồ ăn vặt có thể lên tới 50% trên tổng doanh thu.
“Cửa hàng của tôi chỉ rộng vài m2 nhưng từ 15h chiều trở đi là khách nối đuôi nhau lấy số mua hàng. Ban đầu chỉ có 2 vợ chồng bán nhưng giờ phải thuê thêm người làm mới có thể đáp ứng nhu cầu cửa khách. Nhờ thế, mỗi ngày cửa hàng của tôi lãi thu được hơn một triệu đồng”, chú Viên chia sẻ.
Chủ cửa hàng bánh tráng trộn này còn cho biết,vì là sản phẩm ăn hằng ngày nên chỉ lấy hàng với số lượng vừa đủ. Khi có đơn đơn hàng, bạn mới bắt đầu chế biến thành phẩm vì như vậy sẽ không lo tồn kho và hư hỏng.
Làm giàu từ quán nướng vỉa hè
Vào buổi tối, vỉa hè là nơi được khá nhiều giới trẻ ưa thích để tụ tập ăn uống. Đây cũng chính là những địa điểm có giá thuê mặt bằng không cao, chỉ vài triệu đồng một tháng.
Luân, một chủ quán nướng ở vỉa hè đường Trần Não (quận 2) cho biết, với số vốn 15 triệu đồng, chàng trai này trích khoảng 3 triệu đồng để thuê mặt bằng ở vỉa hè mỗi tháng. Để tiết kiệm, Luân tìm nguồn hàng thanh lý bàn ghế nhựa giá rẻ khoảng 3 triệu đồng 10 bộ, 9 triệu còn lại để mua thực phẩm và trả tiền nhân viên thuê theo giờ.
“Quán nướng xiên que của tôi vì có chi phí đầu tư thấp nên giá mỗi xiên bán ra thấp hơn 20-30% so với các quán khác. Đây cũng là lý do mà mỗi tối tôi có thể có hàng trăm khách ra vào”, Luân nói.
Luân cũng cho biết, sau một năm hoạt động, từ số tiền nhỏ chàng trai đã tích lũy được khoản lớn hơn và có thể mở rộng mô hình theo ý muốn. Tuy nhiên, Luân cũng nhấn mạnh, để quán nướng hấp dẫn thực khách, ngoài vị trí thì các món ăn cần đảm bảo vệ sinh và không gian phải thoáng đãng.
Hoàng Linh (T/h)