Không chứng nhận theo QCVN 08:2020/BCT, sản phẩm sơn có đảm bảo chất lượng?

author 06:43 14/04/2023

(VietQ.vn) - Nhiều sản phẩm sơn của Công ty Cổ phần Liên doanh Sơn Nhật Bản chưa được chứng nhận hợp quy theo QCVN 08:2020/BCT.

Nhiều sản phẩm sơn chưa chứng nhận theo QCVN 08:2020/BCT

Sơn là vật liệu được sử dụng để quét lên bề mặt sản phẩm mang lại giá trị thẩm mỹ cao. Chì dùng làm dung môi để pha chế sơn do có nhiều đặc điểm chuyên dụng tăng thêm các tính năng cho sơn. Khi tiếp xúc ở mức độ nhất định, chì là chất độc đối với động vật cũng như con người. Do đó, tại Việt Nam đã có các quy định về hàm lượng chì tối đa trong sơn.

Trong đó, phải kể đến ngày 21/12/2020, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 51/2020/TT-BCT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 08:2020/BCT về hàm lượng chì trong sơn. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2022 và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm sơn phải tiến hành công bố hợp quy trước khi đưa sản phẩm ra thị trường.

Theo khảo sát của phóng viên, hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp thực hiện việc chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy cho sản phẩm sơn theo QCVN 08:2020/BCT. Tuy nhiên, cũng có không ít doanh nghiệp hiện chưa thực hiện quy định này. Điều này làm dấy lên lo ngại cho người tiêu dùng về chất lượng cũng như độ an toàn của sản phẩm sơn được doanh nghiệp đưa ra thị trường.

Website Công ty Cổ phần Liên doanh Sơn Nhật Bản quảng cáo nhiều loại sơn do công ty này sản xuất, phân phối.

Có thể dẫn chứng trường hợp Công ty Cổ phần Liên doanh Sơn Nhật Bản (địa chỉ trụ sở tại phòng 109, nhà A2, tập thể Khương Trung, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân. TP. Hà Nội; Văn phòng Giao dịch tại tầng 4, Tòa nhà Upsway, số 9/19 Kim Đồng, Hoàng Mai, Hà Nội; Nhà máy Sản xuất: Lô CN2B khu công nghiệp Phú Nghĩa, Chương Mỹ, Hà Nội). 

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay, Công ty Cổ phần Liên doanh Sơn Nhật Bản đang sản xuất, phân phối nhiều dòng sản phẩm sơn ngoại thất và nội thất. Tuy nhiên, các sản phẩm sơn do công ty sản xuất, phân phối chưa được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy theo QCVN:8/2020/BCT về hàm lượng chì.

Để có thêm thông tin khách quan về sự việc, phóng viên Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) liên hệ với Công ty Cổ phần Liên doanh Sơn Nhật Bản. Tuy nhiên, theo hồ sơ mà công ty này cung cấp, Công ty mới chỉ gửi hồ sơ công bố hợp quy sản phẩm sơn theo QCVN 16:2017/BXD chứ chưa tiến hành chứng nhận hay công bố hợp quy sản phẩm sơn theo QCVN 08:2020/BCT của Bộ Công Thương về hàm lượng chì. Trong khi đó, vấn đề tòa soạn đề cập tới là việc công ty chưa thực hiện chứng nhận sản phẩm sơn theo QCVN 08:2020/BCT về hàm lượng chì.

Trao đổi với phóng viên Chất lượng Việt Nam, Đại diện Công ty Cổ phần Liên doanh Sơn Nhật Bản cho biết, sau khi nhận được phản ánh, phía Công ty đã ngay lập tức tìm hiểu thông tin về việc chứng nhận hợp quy sản phẩm sơn theo QCVN 08:2020/BCT. Công ty cho biết đang nỗ lực để sớm có chứng nhận hợp quy theo QCVN 08:2020/BCT.

Được biết, trước đó, Công ty Cổ phần Liên doanh Sơn Nhật Bản cũng đã được chứng nhận hợp quy theo QCVN 16:2019/BXD (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm, hàng hóa Vật liệu xây dựng). Đại diện Công ty cũng cam kết sản phẩm của công ty đảm bảo chất lượng.

Công ty Cổ phần Liên doanh Sơn Nhật Bản khẳng định sản phẩm sơn của công ty đảm bảo chất lượng.

Nghị định 119/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hoá và Nghị định 126/2021/NĐ-CP quy định về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ; năng lượng nguyên tử quy định rõ:

Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong sản xuất sản phẩm, hàng hóa là đối tượng phải công bố hợp quy theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật tương ứng:

- Không thực hiện công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa thuộc đối tượng phải công bố hợp quy;

- Không đăng ký hồ sơ công bố hợp quy tại cơ quan có thẩm quyền;

- Không sử dụng dấu hợp quy, sử dụng dấu hợp quy không đúng quy định đối với sản phẩm, hàng hóa đã được công bố hợp quy theo quy định khi đưa ra lưu thông trên thị trường;

- Không tự thực hiện các biện pháp ngăn chặn kịp thời khi phát hiện hàng hóa của mình đang lưu thông hoặc đã đưa vào sử dụng có chất lượng không phù hợp công bố hợp quy hoặc quy chuẩn kỹ thuật tương ứng;

- Không thực hiện lại việc công bố khi có sự thay đổi về nội dung của hồ sơ công bố hợp quy đã đăng ký hoặc có sự thay đổi về tính năng, công dụng, đặc điểm sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã công bố hợp quy;

- Sử dụng chất phụ gia, hóa chất, kháng sinh bị cấm sử dụng hoặc chưa được phép sử dụng trong sản xuất sản phẩm, hàng hóa, trừ trường hợp trong sản xuất, pha chế thực phẩm;

Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa là đối tượng phải công bố hợp quy theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật tương ứng:

- Không thực hiện đánh giá sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng phải áp dụng một trong các biện pháp sau: Chứng nhận hoặc giám định của tổ chức chứng nhận, tổ chức giám định đã đăng ký hoặc thừa nhận theo quy định pháp luật; tự đánh giá sự phù hợp của tổ chức, cá nhân;

- Không thực hiện chứng nhận hợp quy trong sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa là đối tượng phải chứng nhận hợp quy bởi tổ chức chứng nhận, tổ chức giám định được chỉ định theo quy định pháp luật hoặc sử dụng giấy chứng nhận hợp quy, dấu hợp quy đã hết hiệu lực.

Phạt tiền từ 02 lần đến 03 lần giá trị sản phẩm, hàng hóa vi phạm đã tiêu thụ đối với hành vi sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng hoặc quy định của cơ quan có thẩm quyền.

Biện pháp khắc phục hậu quả theo thứ tự ưu tiên như sau:

- Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc buộc tái xuất đối với hàng hóa nhập khẩu;

- Buộc thu hồi và tái chế hoặc thay đổi mục đích sử dụng;

- Buộc thu hồi và tiêu hủy sản phẩm, hàng hóa vi phạm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, thủy sản nuôi, cây trồng và môi trường.

Các chuyên gia về chống độc cho hay, chì là chất độc có tác động đến sức khoẻ trên diện rộng, đặc biệt ảnh hưởng đến hệ thần kinh, tim mạch, tiêu hoá và huyết học. Trẻ nhỏ đặc biệt dễ bị tổn thương vì có mức phơi nhiễm cao hơn người lớn và do chì ảnh hưởng đến não đang phát triển, có khả năng làm giảm khả năng trí tuệ.

Trẻ em bị nhiễm độc chì sẽ chậm lớn, chiều cao, vòng ngực, vòng đầu thấp hơn so với trẻ em không bị nhiễm độc chì. Ngoài ra, trẻ em cũng bị ảnh hưởng nếu như người mẹ bị nhiễm chì. Người mẹ có tiếp xúc nghề nghiệp với nồng độ chì máu ≥ 10 µg/dL có nguy cơ sẩy thai, sinh non và trẻ sơ sinh nhẹ cân.

Thống kê tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho thấy, nhiễm độc chì hiện nay ở Việt Nam còn xảy ra nhiều. Có bệnh nhân đến viện được phát hiện, có bệnh nhân còn đang ở ngoài cộng đồng. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngộ độc chì như khai khoáng quặng chứa chì, tái chế chì từ ắc quy, sử dụng thuốc y học cổ truyền có chứa chì đặc biệt là chứa hồng đơn… Ngoài ra, sơn chứa chì cũng là vấn đề cần quan tâm.

Phong Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang