Không “GATO” với người làm tàu ngầm ở Thái Bình

author 21:01 13/02/2014

(VietQ.vn) – Không nên ghen tị với người làm tàu ngầm ở Thái Bình. Nhưng cũng không nên nhân việc này để thóa mạ các nhà khoa học chân chính khác.

Từ tàu ngầm “tự chế”...

Việc doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa làm tàu ngầm Trường Sa ở tỉnh Thái Bình đã và đang gây “sốt” dư luận. Ở góc độ nào đó, nó cũng giống những phát minh máy bay, máy cắt cỏ…của “Hai Lúa” miền Nam, khiến người dân khắp nơi phải khâm phục.

Nhưng khâm phục người này không có nghĩa là người ta có quyền hạ thấp người khác, khi chưa hiểu về công việc của họ.

Tàu ngầm Trường Sa của Nguyễn Quang Hòa

Tàu ngầm Trường Sa của Nguyễn Quang Hòa. Ảnh: Đất Việt

Khi người nông dân làm ra các nông cụ cải tiến lao động, những nhà khoa học chân chính (có thể có học hàm, học vị) đâu có ngồi chơi. Họ cũng làm ra nhiều sản phẩm được sử dụng trong thực tế, như máy cấy, máy đóng kiện rơm, máy thu hoạch mía…của Viện Công nghệ Sau thu hoạch (Chất lượng Việt Nam có loạt bài về các sản phẩm này).

Cũng vậy, khi doanh nhân Nguyễn Quang Hòa miệt mài lắp ráp, hoàn thiện tàu ngầm Trường Sa thì các kỹ sư cơ khí khác đang nghiên cứu, chế tạo bơm hút bùn để nạo vét sông ngòi (viện Nghiên cứu cơ khí), chế tạo hệ thống phanh khí nén dùng trên ô tô lắp ráp tại Việt Nam (ĐH Bách khoa Hà Nội), chế tạo máy siêu âm Doppler màu chẩn đoán trong y tế (công ty AMEC)…Đặc biệt là TS Đặng Xuân Hoài (viện Khoa học và Công nghệ tàu thủy) đang nghiên cứu, chế tạo hệ thống tự động thông minh điều khiển tàu theo hướng và có khả năng theo quỹ đạo, đối với tàu 34000 tấn; TSKH Đặng Văn Uy (ĐH Hàng hải) đã chế tạo hệ thống điều khiển và giám sát động cơ diezen để tự động hóa buồng máy tàu thủy…

Bởi thế, nếu thấy ông Nguyễn Quang Hòa làm tàu ngầm mà đã kết luận toàn bộ những người làm nghiên cứu là...”vứt đi” thì rất hàm hồ. Đương nhiên, cũng có những cán bộ làm nghiên cứu chưa thực sự giỏi chuyên môn và thạo thực hành.

Ở chiều ngược lại, một số người tự cho mình là am hiểu tàu ngầm đã coi tàu Trường Sa của Nguyễn Quang Hòa là “đồ chơi” cũng cần xem xét lại. Rõ ràng, vị doanh nhân này không tiêu tiền của nhà nước, không ca thán bất cứ cơ chế nào...mà hoàn toàn làm khoa học tự nguyện. Việc làm của ông khiến người ta nhớ đến hình ảnh của hai anh em nhà Wright (Mỹ), tự mình cột vào “vật thể lạ” vi vu được trên trời, làm căn cứ cho người ta phát triển, hoàn thiện cái mà sau này gọi là máy bay.

Chắc lúc đó, số người dèm pha anh em nhà Wright còn hơn số người ngày nay “nhếch mép” với Nguyễn Quang Hòa.

...đến “cởi trói” thực sự cho nhà khoa học

Khi các anh “Hai Lúa” làm máy bay, phóng viên Chất lượng Việt Nam đã tới trò chuyện với các nhà khoa học về cơ khí của Viện Công nghệ Sau thu hoạch. Trong suốt các cuộc nói chuyện, họ luôn chân thành đề cao tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của những người nông dân, vốn chưa được học nhiều kiến thức cơ bản.

Nhưng các nhà khoa học đó cũng chỉ ra, việc chậm áp dụng cơ chế khoán, việc vướng phải nhiều thủ tục rắc rối để có kinh phí làm khoa học và đặc biệt là phải làm các đề tài “dàn trải”, không đến nơi đến chốn...đã khiến số lượng sản phẩm cơ khí nông nghiệp đưa ra ngoài thị trường còn hạn chế.

Trong buổi nói chuyện đầu năm 2014 với TTXVN, Bộ trưởng KH&CN Nguyễn Quân đã khẳng định tư tưởng đổi mới: “Quan điểm của Bộ KH&CN là sẽ chỉ chi ngân sách nhà nước vào chỗ nào xã hội không đầu tư, vào chỗ phải có hiệu quả chứ không phải dùng ngân sách rải đều, mỗi địa phương một ít, bởi như vậy rất lãng phí nguồn lực. Tôi cho rằng, ở đâu làm tốt là phải đầu tư nhiều, đâu không làm tốt- kể cả các Bộ- nếu sử dụng tiền không hiệu quả thì phải cắt giảm. Ngoài ra, Bộ sẽ tập trung vào các chương trình KH&CN quốc gia, tiến tới giảm bớt chương trình trọng điểm cấp Nhà nước (KC, KX).

Trước đây, chúng ta có 10 chương trình trọng điểm cấp Nhà nước về KH&CN và 4 chương trình trọng điểm về xã hội và nhân văn. Tuy nhiên, do cách quản lý và quan niệm của giới khoa học nên các sản phẩm từ các chương trình này không theo chuỗi, mà dàn trải. Tức là ai có nhu cầu thì đề xuất hỗ trợ nghiên cứu chứ không ghép lại với nhau thành sản phẩm chủ lực. Mấy năm qua, Bộ KH&CN đã điều chỉnh, trình Thủ tướng phê duyệt các chương trình quốc gia. Đây là tổ hợp các đề tài dự án mà hướng đến mục tiêu là làm được sản phẩm quốc gia. Ví dụ như việc phải làm sao để chúng ta có được thương hiệu gạo Việt Nam trên trường quốc tế…”

Nghị định hướng dẫn Luật KH&CN sửa đổi vừa được Chính phủ ban hành cũng có cơ chế khuyến khích bằng nhiều hình thức cho các cá nhân, tập thể có những ý tưởng đột phá, sáng tạo.

Nên hy vọng, từ tàu ngầm Trường Sa của Nguyễn Quang Hòa, đất nước sẽ có nhiều sản phẩm hoàn chỉnh khác, cạnh tranh được trên thị trường, khẳng định trí tuệ và thương hiệu Việt Nam.

Hoàng Tuân

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang