Kiểm soát chặt chẽ thịt lợn nhập khẩu, ngăn chặn vận chuyển trái phép qua biên giới

author 10:11 12/07/2020

(VietQ.vn) - Trước nhu cầu tiêu thụ thịt lợn nhập khẩu tăng cao, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị chức năng liên quan tăng cường kiểm soát, ngăn chặn vận chuyển trái phép thịt lợn nhập khẩu qua biên giới.

Tiêu thụ thịt lợn nhập khẩu chững lại do người dùng còn hoài nghi

Theo số liệu từ Bộ NN&PTNT, trong 5 tháng đầu năm 2020, hơn 70.000 tấn thịt lợn và sản phẩm thịt lợn được nhập khẩu về Việt Nam. Các loại thịt lợn nhập khẩu cũng được rao bán tràn ngập trên thị trường với giá chỉ từ 70.000 - 130.000 đồng/kg.

So với thịt lợn nội địa, trên thị trường giá thịt lợn nhập khẩu “dễ thở” hơn. Đơn cử, chân giò giá 85.000 đồng/kg, tai lợn 75.000 đồng/kg, sườn cánh buồm không xương cục 95.000-120.000 đồng/kg, thịt ba chỉ 120.000 đồng/kg, nạc vai đầu giòn 90.000-110.000 đồng/kg...

Đây được xem là giải pháp kỳ vọng gỡ khó cho túi tiền của người tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện tại các siêu thị, hệ thống cửa hàng bán lẻ lại gần như “vắng bóng” sản phẩm này mà chủ yếu tràn lan trên “chợ mạng”. Tâm lý người dân cũng khá thờ ơ, mặc dù giá thịt lợn ngoại nhập chỉ bằng 1/3 giá thịt nội.

Vừa qua, một số siêu thị tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc như Big C đã triển khai chương trình tuần lễ thịt lợn nhập khẩu. Theo đó, Big C giảm giá đến 34% cho các sản phẩm thịt lợn nhập khẩu từ Ba Lan, Canada. Tuy nhiên, theo đại diện Big C, lượng khách mua rất ít, chủ yếu mua ăn thử vì “lạ”.

Theo đại diện của hệ thống siêu thị VinMart, hiện chỉ có một số cửa hàng VinMart tại các tỉnh miền Nam có bán thịt lợn nhập từ Mỹ, Ba Lan, Brazil, nhưng số lượng rất ít. Nguyên nhân là do nhu cầu của người dân không ưa chuộng thịt lợn đông lạnh và nguồn cung trong nước vẫn đang đáp ứng được.

Theo chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú, số lượng hơn 67.638 tấn thịt lợn nhập khẩu trong 5 tháng là không nhiều so với nhu cầu hơn 3,8 triệu tấn thịt lợn/năm. Ở các chợ dân sinh, chợ truyền thống tại Việt Nam hầu như không đủ điều kiện bảo quản bán mặt hàng thịt lợn nhập khẩu. Trong khi đó, siêu thị lại chỉ bán khoảng 10% nhu cầu thịt của xã hội. Và người tiêu dùng, không phải ai cũng biết lên mạng tìm mua thịt lợn nhập khẩu cũng như còn nghi ngại về chất lượng vì mua bán online thiếu sự kiểm soát chặt chẽ.

Ông Phú cũng cho rằng, thịt lợn nhập khẩu chưa thực sự hấp dẫn với doanh nghiệp Việt, mà giảm giá thì có thể dẫn tới bị thua lỗ, do đó sẽ ít doanh nghiệp nào dám đầu tư mạnh vào thịt lợn nhập. Như vậy sẽ càng tăng áp lực cho thị trường trong nước, khi mà thịt trong nước đã sẵn có “vấn đề” về cung - cầu và khâu hệ thống phân phối.

Hơn nữa, tập quán của người tiêu dùng Việt quen dùng thịt nóng, giết mổ trong ngày để đảm bảo sự tươi ngon. Trong khi, thịt nhập khẩu không đủ chủng loại, kém phong phú nên chủ yếu được cung cấp vào các nhà hàng, quán cơm, khách sạn…

Ảnh minh họa 

Liên quan tới vấn đề trên, ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, cho biết giá thành chăn nuôi của các nước đang xuất khẩu thịt heo cũng như các loại thịt khác vào Việt Nam đều thấp. Nguyên do là họ có ngành chăn nuôi lâu đời, con giống chất lượng, nuôi quy mô công nghiệp, quy trình giết mổ theo chuỗi khép kín nên giảm chi phí xuống mức thấp nhất.

Tuy nhiên, ông Bình hoài nghi về chất lượng thịt heo nhập khẩu đang rao bán rầm rộ trên mạng với giá quá rẻ, chỉ 40.000-60.000 đồng/kg. “Đây có thể đó là các loại thịt mà người tiêu dùng ở các nước xuất khẩu không ăn nhiều như chân giò, móng giò, các loại xương, loại thịt có mỡ nhiều… Hơn nữa, mức giá này bắt buộc người mua phải mua số lượng lớn cho một đơn hàng” - ông Bình lưu ý.

Ông cũng cho rằng đối với các sản phẩm thịt mua trên mạng xã hội, người mua nên yêu cầu người bán cung cấp giấy tờ xuất xứ vì không loại trừ đây là các lô hàng tồn để lâu không bán được dẫn đến cận đát, sắp hoặc đã quá hạn sử dụng nên bán tháo kiểu được đồng nào hay đồng nấy. “Các loại thịt này có thể sẽ không còn giá trị dinh dưỡng, thậm chí nguy cơ mất an toàn thực phẩm, ảnh hưởng sức khỏe” - ông Bình cảnh báo.

Tạo thuận lợi đi đôi với giám sát chặt chất lượng thịt lợn nhập khẩu

Tổng cục Hải quan mới đây có ý kiến chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện kết luận của Thủ tướng liên quan đến việc tạo điều kiện thuận lợi đối với việc nhập khẩu thịt lợn. Cụ thể, giải quyết thủ tục hải quan nhập khẩu mặt hàng thịt lợn theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố có nhiệm vụ phối hợp với lực lượng biên phòng cửa khẩu tăng cường công tác ngăn chặn vận chuyển lợn trái phép qua biên giới.

Đối với mặt hàng thịt lợn đông lạnh nhập khẩu theo hình thức tạm nhập tái xuất, yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ nhằm ngăn chặn hàng hóa thẩm lậu vào thị trường nội địa để tiêu thụ.

Theo cơ quan hải quan, hiện nay giá thịt lợn và sản phẩm làm từ thịt lợn trong nước tăng cao, dẫn đến nguy cơ các đối tượng sẽ lợi dụng để vận chuyển trái phép lợn qua biên giới theo các đường mòn, lối mở. Hành vi vận chuyển trái phép lợn qua biên giới còn tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh làm ảnh hưởng tới đàn lợn trong nước và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Do vậy, Tổng cục Hải quan đề nghị Cục Hải quan các tỉnh, thành phối hợp với lực lượng Biên phòng cửa khẩu tăng cường công tác ngăn chặn vận chuyển heo trái phép qua biên giới.

Ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y thuộc Bộ NN&PTNT, khẳng định: Thịt nhập khẩu chính ngạch vào nước ta được cơ quan chức năng kiểm tra đều đảm bảo an toàn thực phẩm, đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Các nước mà Việt Nam nhập khẩu thịt chủ yếu là Canada, Đức, Ba Lan, Brazil, Mỹ, Tây Ban Nha và Nga. Các nước này có ngành chăn nuôi công nghiệp phát triển và công nghệ giết mổ hiện đại nên chi phí sản xuất họ thấp, vì vậy giá thành thịt rất cạnh tranh so với các nước khác.

Cũng theo ông Thành, các lô thịt trước khi được nhập khẩu vào Việt Nam đều phải có giấy chứng nhận kiểm dịch, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm của cơ quan chức năng các nước xuất khẩu. Khi về đến cửa khẩu Việt Nam, cơ quan chức năng của nước ta sẽ tiếp tục lấy mẫu từng lô hàng để kiểm tra từ cảm quan cho đến các chỉ tiêu lý hóa, sinh vật, hạn sử dụng... “Khi đảm bảo được các điều kiện này mới được phép thông quan” - ông Thành nói.

Bảo Lâm (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang