Kiến nghị mở lại đường bay quốc tế khi dịch COVID-19 chưa ổn định: Chuyên gia nói gì?

author 15:46 23/08/2020

(VietQ.vn) - Các chuyên gia lên tiếng trước kiến nghị mở lại đường bay quốc tế của Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam. Thời điểm này dịch COVID-19 tại Việt Nam vẫn đang diễn biến phức tạp.

Vừa qua, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam kiến nghị Chính phủ mở lại đường bay quốc tế với những nước đã kiểm soát được dịch COVID-19. Song song đó, ban hành quy trình phòng, chống dịch và kiểm soát lây nhiễm trong vận tải hàng không.

Hiệp hội này cũng đề nghị Chính phủ hỗ trợ các hãng hàng không vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19. Cụ thể, cho các hãng được vay gói tín dụng 25.000-27.000 tỉ đồng với thời gian hỗ trợ lãi suất 3-4 năm, kéo dài thời gian miễn giảm phí dịch vụ hàng không đến hết năm 2021, giảm 70% thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay…

 Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam kiến nghị Chính phủ mở lại đường bay quốc tế với những nước đã kiểm soát được dịch COVID-19.

Trước kiến nghị mở lại các đường bay quốc tế với những nước đã kiểm soát được COVID-19 của Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn thông tin, trước khi dịch COVID-19 xuất hiện trở lại cộng đồng, Bộ đã xây dựng phương án các chuyến bay thường lệ quốc tế chở khách nhập cảnh vào Việt Nam và đề nghị cho mở từ 1/8/2020. Tuy nhiên, dịch COVID-19 lại bùng phát và diễn biến phức tạp nên Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải hoàn thiện lại phương án này và xin ý kiến Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng...

Theo Thứ trưởng Lê Anh Tuấn, Hiện Bộ GTVT đang đôn đốc Cục Hàng không Việt Nam trình phương án cho phép chuyến bay thường lệ quốc tế chở khách nhập cảnh vào Việt Nam để xin ý kiến các bộ, ngành. "Hiện Bộ GTVT không dừng các chuyến bay thường lệ quốc tế mà chỉ chưa cho chở khách nhập cảnh vào Việt Nam do các khu cách ly tập trung ở Việt Nam hạn chế. Đồng thời cũng là để sẵn sàng cho phương án cách ly của các vùng dịch", Thứ trưởng Tuấn nói.

Với kiến nghị mở lại đường bay quốc tế, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Hàng không Việt Nam cho biết, Cục đã làm việc với nhà chức trách một số quốc gia kiểm soát được dịch và bàn thảo một số quy định để phòng ngừa. Một số nước cũng đã đồng thuận mở đường bay đến Việt Nam, đều thống nhất hành khách nhập cảnh vẫn phải cách ly và xét nghiệm COVID-19. Do đó, việc này phụ thuộc vào năng lực tiếp nhận của các cơ sở cách ly cũng như năng lực của ngành y tế trong nước.

"Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch sẽ quyết định thời điểm mở đường bay quốc tế và đưa ra quy định như thu phí cách ly, quy trình kiểm soát dịch với khách du lịch", ông Thắng thông tin thêm.

Với góc nhìn chuyên gia, trên Vnexpress, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, mở lại đường bay quốc tế không những trợ giúp cho ngành hàng không mà còn giúp cho ngành du lịch, nhà hàng vốn đã khó khăn vì Covid -19. Đồng thời, nó cũng đáp ứng nhu cầu của các chuyên gia, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, khách du lịch đến Việt Nam. Việc kiểm soát dịch bệnh cần phải đi kèm với từng bước khôi phục hoạt động kinh tế. Do đó, cần căn cứ vào tình hình thực tế tại các nước để từng bước mở các đường bay quốc tế, chứ không nên đóng kín sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế.

"Chính phủ nên đưa ra các biện pháp để từng bước khôi phục lại các đường bay quốc tế. Tuy nhiên, trước khi mở lại cần xây dựng phương án phòng dịch, kiểm soát dịch để không xâm nhập vào Việt Nam", ông Doanh nói.

Ông Doanh cũng đề xuất, thời gian đầu có thể mở 1-2 đường bay quốc tế với tần suất vài ba chuyến mỗi tuần để thí điểm, đúc kết kinh nghiệm. Khách nhập cảnh có thể cách ly tập trung, phí cách ly thu từ họ. Mỗi tỉnh nên bố trí một số khách sạn 3-4 sao để cho các chuyên gia, khách nước ngoài cách ly theo nhu cầu của họ.

Ông Doanh cũng cho rằng, nhiều chuyên gia đi hội thảo, hội nghị không có thời gian cách ly thì cần cho phép họ có giấy chứng nhận không nhiễm nCoV và xét nghiệm khi xuống sân bay.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, cần từng bước mở đường bay đến một số nước đã kiểm soát được dịch rồi sau đó nhân rộng. Hành khách nhập cảnh cần có chứng chỉ kiểm dịch trong bao nhiêu ngày và được xét nghiệm y tế. Nếu năng lực của các cơ sở cách ly đủ đáp ứng, có thể yêu cầu khách cách ly tập trung.

"Chúng ta không thể đóng cửa mãi được", ông Dũng nói và cho rằng, việc kiểm dịch cần áp dụng trong bối cảnh bình thường mới để nền kinh tế vận hành, các doanh nghiệp dần phục hồi.

Về phía hãng hàng không, đại diện Vietjet Air cho biết, những kiến nghị của hiệp hội hàng không chính là vướng mắc mà các hãng đang gặp phải, rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành. Vì ngành hàng không đang chịu ảnh hưởng nặng nhất do Covid-19. Đã đến lúc Chính phủ cho phép mở lại đường bay thường lệ giữa Việt Nam với những nước đã kiểm soát tốt dịch. Mở cửa đi cùng với việc quản lý được các rủi ro liên quan dịch bệnh. Việt Nam đã ở giai đoạn hội nhập quốc tế nên hàng không càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế.

Ở chiều ngược lại, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, hiện nay chưa nên mở đường bay quốc tế thường lệ vì nguy cơ dịch bệnh bùng phát mạnh. Thời gian qua, việc nới lỏng phòng dịch và không kiểm soát tốt khách nhập cảnh nên dịch đã bùng phát lại ở Đà Nẵng. Trong khi đó, chủng virus mới lây lan nhanh, nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng phát dịch trở lại nên không thể an toàn với Việt Nam nếu mở cửa hàng không lúc này.

"Đề xuất mở đường bay quốc tế của Hiệp hội hàng không là cảm tính, họ chưa nhìn thấy được hậu quả khôn lường", ông Long nói.

Theo ông Long, kiểm soát tốt dịch bệnh thì kinh tế sẽ phục hồi nhanh chóng, hành khách yên tâm đi lại. Với các nước khác cũng vậy, khi không còn ca nhiễm thì mới nên tính toán mở đường bay quốc tế trở lại. Trước mắt, nhà chức trách chỉ nên cấp phép cho các chuyến bay đưa chuyên gia, thương gia nước ngoài sang Việt Nam làm việc và phải cách ly.

 Thu Hà (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang