Kiến tạo khung cho hệ sinh thái truy xuất nguồn gốc tại Việt Nam

author 06:28 08/02/2020

(VietQ.vn) - Là 1 trong 10 nhiệm vụ trọng tâm công tác của Tổng cục TCĐLCL, hoạt động truy xuất nguồn gốc năm 2020 được kỳ vọng sẽ góp phần không nhỏ vào công tác hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh cũng như đẩy mạnh xuất khẩu.

Sự kiện: CHÀO MỪNG 60 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

Hoàn thiện nền tảng phát triển hệ sinh thái về truy xuất nguồn gốc

Đề án “Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc” theo quyết định số 100/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ đã được Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia (Tổng cục TCĐLCL) triển khai rất tích cực trong năm 2019.

Ông Bùi Bá Chính – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia chia sẻ thông tin hoạt động công tác triển khai Đề án 100 về truy xuất nguồn gốc.

Theo ông Bùi Bá Chính – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm, để phục vụ tiến trình triển khai Đề án nói trên, Trung tâm đã phối hợp với Vụ Đánh giá hợp chuẩn và hợp quy xây dựng dự thảo Thông tư quy định về quản lý mã số mã vạch (MSMV) và truy xuất nguồn gốc (TXNG). Bên cạnh đó, Trung tâm đẩy mạnh phối hợp với Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam và nhóm công tác xây dựng tiêu chuẩn để xây dựng các Tiêu chuẩn quốc gia về truy xuất nguồn gốc như: TCVN về TXNG rau quả; TCVN về yêu cầu chung về năng lực tổ chức chứng nhận hệ thống TXNG, đồng thời tham gia nhóm công tác xây dựng TCVN yêu cầu chung về TXNG.

Ngoài việc phối hợp, tham gia xây dựng TCVN, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản, tài liệu hướng dẫn về TXNG, Trung tâm MSMV Quốc gia còn tích cực chủ động hỗ trợ các địa phương trong việc đào tạo nâng cao nhận thức về truy xuất nguồn gốc; Tư vấn và tiến hành thí điểm truy xuất nguồn gốc đối với một số sản phẩm nông sản để hỗ trợ truy xuất nguồn gốc phục vụ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Theo thống kê, năm 2019, Trung tâm đã tổ chức gần 20 khóa đào tạo, tư vấn và hướng dẫn về ứng dụng mã số mã vạch và TXNG. Bên cạnh đó, Trung tâm đã tiến hành các thủ tục triển khai dự án “Nghiên cứu phát triển phần mềm quản lý, đăng ký và kê khai thông tin sản phẩm hàng hóa quốc gia phục vụ XNK, bước đầu bao gồm modun dành riêng cho sản phẩm trái cây xuất khẩu sang thị trường Trung quốc” nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, cải tiến thủ tục kê khai sản phẩm áp dụng MSMV.

“TXNG là hoạt động có nhu cầu xã hội rất cao, có liên quan trực tiếp đến việc xuất nhập khẩu và đặc biệt cần thiết trong thời điểm hiện tại, Trung tâm triển khai nhiều hoạt động về TXNG, điển hình là: Tổ chức đàm phán, ký kết bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác với một số tổ chức quốc tế về TXNG; Đang tập trung và theo dõi tình trạng chủ trương đầu tư Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.”, ông Chính cho hay.

Cũng theo ông Chính, việc thúc đẩy các hoạt động quan trọng này nhằm kiến tạo khung cho hệ sinh thái truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa ở Việt Nam trong thời gian tới.

Đoàn công tác Trung tâm MSMV Quốc gia cùng với Công ty TNHH CCIC – Quảng Tây thực hiện công tác đánh giá vùng trồng cho sản phẩm mít tại Xã Tân Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.

 
 
Năm 2020, Trung tâm MSMV Quốc gia tiếp tục chủ trì và phối hợp xây dựng dự thảo các văn bản: thông tư, tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia liên quan đến lĩnh vực TXNG, đồng thời chủ trì và phối hợp phổ biến các văn bản mới về quản lý, sử dụng MSMV và TXNG. Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao chủ trì trong kế hoạch thực hiện Đề án 100, trong đó công tác hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án 100 sẽ được tổ chức song song với hoạt động đào tạo cho các tổ chức, cá nhân liên quan về MSMV và TXNG... Hiện Trung tâm đã nghiên cứu, áp dụng sáng tạo nhiều nguồn lực và đang từng bước thực hiện nhiều hoạt động nhằm phát triển hoạt động truy xuất nguồn gốc ở Việt Nam.

Ông Bùi Bá Chính - Phó Giám đốc, phụ trách Trung tâm MSMV Quốc gia
 

Thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu

Thị trường nhập khẩu hiện nay dựng lên những hàng rào gọi là hàng rào phi thuế quan về tiêu chuẩn, về kỹ thuật, về truy xuất nguồn gốc. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải tuân thủ sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế để có thể đưa hàng nông sản Việt Nam đi xa hơn và đi sâu hơn vào thị trường thế giới.

Trong năm 2019, Trung tâm cũng đã chủ động tiến hành các hoạt động hợp tác quốc tế: Đã ký kết thỏa thuận hợp tác với CCIC nhằm thống nhất việc kết nối cơ sở dữ liệu, chấp nhận thông tin truy xuất lẫn nhau đối với sản phẩm trong danh mục theo quy định được phép xuất nhập khẩu của hai nước Việt Nam - Trung Quốc, nhằm góp phần tháo gỡ sự ách tắc trong vấn đề xuất khẩu hàng nông sản sang Trung Quốc – vấn đề đang rất cấp bách hiện nay. Liên quan với việc đó, Trung tâm cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ với Tổ chức mã số mã vạch GS1 Hồng Kông về thỏa thuận hợp tác triển khai truy xuất nguồn gốc.

Với việc ký kết hợp tác với các đối tác nước ngoài, ngoài thống nhất kết nối cơ sở dữ liệu, chấp nhận thông tin truy xuất lẫn nhau đối với sản phẩm trong danh mục theo quy định được phép xuất nhập khẩu của hai nước Việt Nam - Trung Quốc tạo thuận lợi cho xuất khẩu thì việc tăng cường hợp tác quốc tế về truy xuất nguồn gốc còn được mở rộng với các Tổ chức khoa học và công nghệ uy tín của Hàn Quốc để kết nối và nâng cao nền tảng công nghệ có thể ứng dụng vào hệ sinh thái của truy xuất nguồn gốc tại Việt Nam.

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, trong giai đoạn mới của thời kỳ hội nhập, thông qua các hiệp định, hợp tác quốc tế (đặc biệt là EVFTA và CPTPP) mà Việt Nam ký kết, thì các vấn đề liên quan tới hàng rào kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa phải được dành sự quan tâm đặc biệt trong thời gian tới.

Về việc này, Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia đã và đang tích cực triển khai và đã phối hợp với Bộ NN&PTNT và các doanh nghiệp để đẩy mạnh việc truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm hàng hóa, đặt biệt là các sản phẩm nông sản xuất khẩu sang nước ngoài. Đồng thời tích cực hỗ trợ các địa phương: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, các tỉnh Lâm Đồng, Hà Giang, Quảng Ninh, Bà Rịa -Vũng Tàu, Bình Định, Nghệ An, Bình Dương ứng dụng MSMV và TXNG để nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh cũng như đẩy mạnh xuất khẩu.

 

Khai thông thành công thực hiện truy xuất nguồn gốc nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc(VietQ.vn) - Từ tháng 12/2019, nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc có thể bắt đầu dán tem Truy xuất nguồn gốc có chứng nhận của Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia và Tập đoàn Chứng nhận và Kiểm định Trung Hoa (CCIC Quảng Tây).

Bảo Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang