Kinh phí làm chương trình và đổi mới SGK là 462 tỷ đồng

author 16:00 27/09/2014

(VietQ.vn) - Kinh phí làm chương trình và sách giáo khoa (SGK) mới chỉ là 462 tỷ, ít hơn con số 34.000 tỷ như nhiều nơi đã đưa.

Sáng nay, 27/9,  Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp và thảo luân về đề án đổi mới chương trình - Sách giáo khoa (SGK) mới.

Ông Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã cho biết dự kiến kinh phí thực hiện là 462 tỷ đồng.

Như tin tức đã đưa, việc đổi mới SGK có 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1 (từ 01/2015 - 6/2017): Chuẩn bị các điều kiện để xây dựng chương trình và sách giáo khoa mới; xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình mới; biên soạn bộ tài liệu hướng dẫn dạy học theo chương trình mới.

Kinh phí làm sách giáo khoa mới là 462 tỷ đồng

Kinh phí làm sách giáo khoa mới là 462 tỷ đồng

Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa đồng thời các tổ chức, cá nhân biên soạn các sách giáo khoa khác; tổ chức thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa; biên soạn tài liệu phục vụ tập huấn giáo viên các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới.

Tập huấn cho đội ngũ cốt cán về quy trình, kĩ thuật tổ chức tập huấn qua Internet cho giáo viên các cơ sở giáo dục phổ thông; xây dựng kế hoạch tập huấn giáo viên các cơ sở giáo dục phổ thông để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới.

Hoàn thành việc thành lập trang Thông tin điện tử Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông; xây dựng Chương trình Phát thanh và Truyền hình quốc gia về đổi mới giáo dục phổ thông; tổ chức tuyên truyền về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

Giai đoạn 2 (7/2017 - 6/2018): Xây dựng, điều chỉnh, hoàn thiện, bổ sung chế độ, chính sách liên quan đến việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới; tiếp tục biên soạn, thẩm định và phê duyệt sách giáo khoa; tiếp tục tuyên truyền về đổi mới chương trình, sách giáo khoa.

Thực hiện bán đấu giá bản quyền một bộ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn.

Giai đoạn 3 (7/2018 - 12/2021): Từ năm học 2018 - 2019, triển khai áp dụng chương trình mới; tiếp tục xây dựng, điều chỉnh, hoàn thiện, bổ sung chế độ, chính sách liên quan đến việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới;

Tiếp tục biên soạn, thẩm định và phê duyệt sách giáo khoa; tiếp tục tuyên truyền về đổi mới chương trình; đánh giá, điều chỉnh, ban hành văn bản chương trình mới.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Đề án này chuẩn bị khá công phu, nhưng tôi thấy cũng còn một số băn khoăn. Điều quan trọng là đầu ra – sản phẩm đầu ra là con người như thế nào, rất quan trọng. Nội dung chương trình, SGK phải chuẩn bị kỹ lưỡng, phải gắn kết giữa dạy học với thi cử.

“Lần này Quốc hội sẽ ra nghị quyết về đổi mới chương trình sách giáo khoa, nghị quyết phải nêu rõ mục tiêu, yêu cầu, nội dung, điều kiện tổ chức thực hiện, phải rất cụ thể để đại biểu quốc hội cho ý kiến, thảo luận” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Mai Hà

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang