Kinh tế năm 2014 sẽ thoát giai đoạn “trầm cảm”?

author 16:13 28/01/2014

(VietQ.vn)- Khảo sát động thái của doanh nghiệp Việt Nam, cho thấy sự lạc quan tin tưởng nền kinh tế năm 2014 chắc chắn sẽ khởi sắc!

Tuy nhiên, dưới góc nhìn của các chuyên gia thì nền kinh tế trong nước vẫn còn những trở ngại đòi hỏi buộc phải có sự đổi mới trong cách quản lý, điều hành… 

Doanh nghiệp lạc quan mở rộng sản xuất

Mới đây, kết quả khảo sát của Phòng Thương Mại& Công nghiệp Việt Nam (VCCI) từ hơn 700 DN trên cả nước cho thấy: Trong năm 2013 có khoảng 7,6%  phải dừng hoạt động . Thời gian ngừng hoạt động trung bình là 2,5 tháng. Số tháng DN phải ngừng hoạt động ít nhất là 1 tháng và nhiều nhất là 6 tháng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng phải ngừng họat động được các DN kể đến nhiều nhất là không tìm được thị trường đầu ra, tiếp đó là DN không vay được vốn.

Tuy nhiên, khi được hỏi về chiến lược kinh doanh năm 2014, có tới 42,5% quyết định mở rộng sản xuất kinh doanh. Theo các chuyên gia, đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy DN có niềm tin khá mạnh mẽ rằng tình hình kinh tế năm 2014 chắc chắn se được cải thiện so với năm 2013.

Kỳ vọng vào nền kinh tế sẽ tiến triển, nhiều DN quyết định mở rộng sản xuất năm 2014

Nhận định về những lợi thế mà nền kinh tế năm 2014 mang lại cho DN, Bà Đoàn Thị Quyên, chuyên viên Viện Phát triển DN (VCCI) cho rằng: Trên thị trường lao động hiện sẵn có lao động tay nghề cao đáp ứng nhu cầu công việc mà không cần đào tạo, ngay cả khi ở những vị trí quản lý cấp cao, tạo  nhiều lựa chọn cho DN.

“Thời gian vừa qua, một số DN thu hẹp sản xuất nên dẫn đến tình trạng cắt giảm nhân sự, thậm chí cả lượng nhân sự có tay nghề, có kinh nghiệm. Vì thế thị trường lao động có sẵn một số lượng nhân sự có kinh nghiệm, có tay nghề lớn hơn bao giờ hết. Yếu tố này chắc chắn hứa hẹn khả năng tăng năng suất lao động cho DN ”. Ngoài ra, theo bà Quyên, việc mở cửa thị trường, chính sách ưu đãi thuế và khả năng huy động vốn được cải thiện cũng là những nguyên nhân khiến DN quyết định mở rộng đầu tư kinh doanh vào năm 2014.

Ông Tạ Đình Xuyên, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế-Xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng đưa ra nhận định: Dự cảm của DN  về kinh tế năm 2014 là rất tốt. Theo đó, tình hình  lạm phát được dự báo sẽ giảm vì nhiều biện pháp kiểm soát và chính sách đã được triển khai đồng bộ, tới nay đã đi vào thực tế.

 Tình hình hút vốn đầu tư của Việt Nam trong năm tới cũng được cho là thuận lợi. Dự kiến sự chuyển dịch dòng vốn FDI trong năm 2014 có triển vọng tốt hơn, nhiều nhà đầu tư sẽ vào Việt Nam để tìm cơ hội đầu tư. 

Lâu nay, chúng ta vấn lo ngại khả năng hút vốn đầu tư nước ngoài sẽ yếu thế khi láng giềng là Trung Quốc, một thị trường  rộng lớn. Tuy nhiên, cho tới nay, sau khi được nhiều nhà đầu tư đổ vốn, mức sống của người dân Trung Quốc tăng lên trông thấy, chính vì thế nhân công  của nước này cũng được đẩy cao theo, hơn nữa việc liên tiếp xảy ra những xung đột chính trị, tranh chấp vùng biển hoa đông… Tất cả những yếu tố này đã khiến  nhiều nhà đầu tư có xu hướng chạy sang khu vực lân cận. Và Việt Nam sẽ là một trong những nước được chọn trong bối cảnh hiện nay.”,ông Xuyên phân tích.

Vần còn những trở ngại ngắn hạn

Khảo sát về động thái DN Việt Nam được công bố vào cuối tháng 12 vừa qua cho thấy, các DN dự cảm các yếu tố tác động đền tình hình kinh doanh sản xuất  năm 2014 sẽ khởi sắc hơn năm 2013. Cụ thể, nếu chỉ động thái (tỷ lệ DN có đánh giá “tình hình tốt lên” trừ đi tỷ lệ DN có đánh giá “tình hình xấu đi”-PV) của DN dự cảm cho năm 2013 là -21 điểm thì năm 2014 đã lên tới 7 điểm.

Theo ông Xuyên, với kết quả trên, rõ ràng DN đã lạc quan hơn, song dù sao con số này cũng vẫn chỉ là kỳ vọng, dự cảm có thể không đi sát thực tế. “ Nói là có nhiều thuận lợi, cơ hội song trong năm tới, vẫn có thể xuất hiện nhiều động thái mà DN không mong muốn như việc tăng giá các mặt hàng nhiên liệu điện, than, xăng dầu…ngoài ra, sức tăng của các loại phí về giáo dục, y tế chắc chắn cũng tác động tới hoạt động sản xuất DN”, ông Xuyên nhận định.

Dưới con mắt của chuyên gia kinh tế lâu năm, Ts. Lê Đăng Doanh- nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng  nền kinh tế Việt Nam đang ở trong giai đoạn “trầm cảm” với mức tăng trưởng thấp dài nhất kể từ  sau thời kỳ đổi mới. “ Năm 2012 có lẽ là “cái đáy” của nền kinh tế. Năm 2013 lạm phát giảm, tỉ giá tương đối ổn định, dự trữ ngoại tệ tăng lên, đầu tư hiệu quả hơn. Nhưng mặt khác vẫn diễn biến phức tạp: tổng mức đầu tư xã hội thấp, mức đầu tư  tư nhân thấp, sức mua thấp và những vấn đề khó khăn của nền kinh tế như nợ xấu, hệ thống ngân hàng, sự đổ vỡ, trì trệ của bất động sản, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước chưa có tiến bộ…” vị chuyên gia phân tích.

Theo TS Doanh, những trở ngại ngắn hạn trong phát triển kinh tế hiện nay là niềm tin của khu vực tư nhân bị suy yếu; “cục máu đông” nợ xấu; đổ vỡ bất động sản, nợ của doanh nghiệp nhà nước; dư địa của chính sách tài khóa bị thu hẹp, đầu tư công kém hiệu quả…

Ông Doanh cũng đưa ra nhận định trong thời gian tới, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đổ vào Việt Nam rất nhanh, nhưng giải ngân chậm. “ Thực tế là phần lãi, DN FDI sẽ mang về nước họ, khiến cho tăng trưởng GDP của nước ta thực chất ít hơn nhiều con số công bố. Ví dụ năm 2013, tập đoàn Samsung xuất khẩu 23 tỷ USD và nhập khẩu 21 tỷ USD từ Trung Quốc và chúng ta chỉ thu được 50 triệu USD tiền thuế, còn lại không thu được vì là tiền ưu đãi thuế sử dụng đất, thu nhập doanh nghiệp.”, chuyên gia kinh tế dẫn giải.

Nói về triển vọng kinh tế 2 năm sắp tới (2014-2015), TS Lê Đăng Doanh cho rằng sẽ tùy thuộc vào khả năng cải cách, đổi mới về quản lý, điều hành kinh tế của nhà nước. “Đổi mới cụ thể là tái cấu trúc ngân hàng, cải cách doanh nghiệp, xử lý vấn đề nợ xấu... Nếu không đổi mới, nếu tiếp tục như cũ thì sẽ tiếp tục trả giá. Tuy nhiên, tôi chắc chắn Chính phủ cũng đã nhìn thấy sự cần thiết phải thay đổi”, ông Doanh nói.

Nhận định về tình hình kinh tế Việt Nam trong năm 2014, các tổ chức như Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu Á đều dự báo kinh tế Việt Nam sẽ có dấu hiệu phục hồi dựa trên đà tăng trưởng xuất khẩu của năm 2013 và bước tiến tích cực trong nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước của Chính phủ. Theo kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội đã được Quốc hội thông qua, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 5,8% và giá tiêu dùng tăng khoảng 7% trong năm 2014.



Tuyết Trịnh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang