Kinh tế số: Giải pháp cứu nguy cho doanh nghiệp giữa đại dịch

author 07:35 22/04/2020

(VietQ.vn) - Đại dịch Covid-19 là thời điểm để các chủ thể của nền kinh tế nhận ra vai trò của kinh tế số và sự cần thiết của các nền tảng. Đây có thể là động lực để tạo nên bước ngoặt lớn cho Việt Nam hoặc sẽ là niềm nuối tiếc lớn nếu chúng ta bỏ lỡ.

Kinh tế số nói chung và kinh tế nền tảng nói riêng được cho là trụ cột của xã hội trong tương lai. Năm 2020 chứng kiến nhiều biến động do đại dịch Covid-19 và nguy cơ khủng hoảng toàn cầu, nhưng các nền tảng số như Amazon, eBay, Alibaba… không chỉ chống chọi tốt với bất ổn của thị trường mà còn có xu hướng phát triển nhanh và mạnh. Một số nghiên cứu cho rằng tổ chức kinh doanh trên các nền tảng số hoặc khởi nghiệp trên các mô hình số sẽ là giải pháp cứu nguy cho nhiều doanh nghiệp, cá nhân trong cuộc chiến chưa biết đến hồi kết với đại dịch Covid-19. Đồng thời, cấu trúc nền kinh tế thế giới sẽ hoàn toàn thay đổi sau đại dịch.

Tại Việt Nam, theo Báo cáo về nền kinh tế số Đông Nam Á của Google, Tamesek và Bain&Company năm 2019 cho thấy kinh tế số của Việt Nam tăng trưởng dẫn đầu khu vực Đông Nam Á (khoảng 38%) và dự kiến có thể đạt mục tiêu 43 tỷ USD vào năm 2025, trong đó kinh tế nền tảng chiếm vai trò quan trọng. Đại dịch Covid-19 là thời điểm để các chủ thể của nền kinh tế nhận ra vai trò của kinh tế số và sự cần thiết của các nền tảng. Đây có thể là động lực để tạo nên bước ngoặt lớn cho Việt Nam hoặc sẽ là niềm nuối tiếc lớn nếu chúng ta bỏ lỡ. 

Kinh tế số nói chung và kinh tế nền tảng nói riêng được cho là trụ cột của xã hội trong tương lai. Ảnh minh họa. 

Chia sẻ về vấn đề trên, PGS. TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho biết, dù muốn thừa nhận hay không thừa nhận, kinh tế nền tảng số đã xâm nhập và đang thay đổi nhanh chóng diện mạo xã hội Việt Nam. 

Ông cũng chỉ ra từ bài học các nước trên thế giới, mặc dù tiếp cận với các nền tảng kinh tế từ rất sớm, nhưng ngay cả những nhà hoạch định chính sách từ châu Âu, Mỹ cũng gặp không ít thử thách: Họ đối mặt với những hình thái công việc mới, những mô hình kinh doanh mới, hoàn toàn khác biệt với truyền thống. 

Uber – một trong những tiên phong của kinh tế nền tảng từng khiến người lao động, chủ hãng taxi truyền thống biểu tình hàng dài trên các đường phố của London, Berlin, Paris và sang cả bờ kia của Đại Tây Dương tại San Francisco hay New York. Những biến động như vậy đã, đang và sẽ còn diễn ra trên nhiều quốc gia, nếu các nền tảng kinh tế càng thâm nhập sâu vào đời sống, kinh tế trong khi các Chính phủ vẫn đang loay hoay với việc áp dụng hệ thống luật pháp cũ trên những hình thái kinh tế mới.

Việt Nam cũng không phải ngoại lệ như câu chuyện về cách thức đối xử với taxi công nghệ bắt đầu từ năm 2014 đến khi Nghị định 10/2020 ban hành và chính thức có hiệu lực từ 01/04. Do đó, theo TS. Nguyễn Đức Thành việc xây dựng một khuôn khổ pháp lý chuẩn thích nghi với kinh tế nền tảng số là vô cùng cần thiết. Bởi hệ thống luật pháp điều hành các hoạt động kinh tế truyền thống đã lỗi thời để quản lý các nền tảng kinh tế.

Đơn cử như việc cố gắng điều chỉnh hành vi của Grab, Be giống như VinaSun hay Mai Linh hiển nhiên là không hợp lý vì Grab, Be không cố định giá và số lượng lao động trong ngắn hạn; Airbnb cũng không thể bị quản lý như các dịch vụ lưu trú vì thực tế họ không sở hữu bất kì một cơ sở lưu trú nào; Tiki hoạt động hiệu quả hơn một “siêu bách hoá tổng hợp” mặc dù họ chỉ sở hữu một lượng hàng hoá rất nhỏ trong đó.

Tương tự như vậy, một số nền tảng cũng đang hoạt động dưới hình thức trung gian kết nối dựa trên nguồn lực về công nghệ chứ không thực sự sở hữu tài sản cố định tham gia vào các hợp đồng.

Vậy nên theo ông Thành, câu hỏi đặt ra nếu hàng hoá/dịch vụ có vấn đề ai là người chịu trách nhiệm; ai là người nộp thuế và cấu trúc như thế nào? Cơ quan nào điều chỉnh hành vi của doanh nghiệp? Tất cả các vấn đề này đều không thể giải quyết bằng hệ thống luật pháp hiện tại bởi định danh của các chủ thể chưa được làm rõ. 

Do đó, TS. Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh, trong thời điểm này, việc quan trọng nhất là khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số và mở rộng sân chơi cho các nền tảng kinh tế số để đẩy nhanh luồng lưu thông của hàng hoá và dịch vụ trong thị trường tự do…

Chủ tịch VCCI: Phải tổ chức thực hiện khẩn trương, hiệu quả các gói hỗ trợ để cứu doanh nghiệp(VietQ.vn) - Theo ông Vũ Tiến Lộc, trong điều kiện ngân sách nhà nước khó khăn, Chính phủ đã có những giải pháp khá đồng bộ về tài khoá, tín dụng và an sinh xã hội để hỗ trợ cho DN và người dân trong bối cảnh đại dịch COVID -19. Nhưng vấn đề là phải tổ chức thực hiện thật khẩn trương, hiệu quả các gói hỗ trợ này.

Thanh Tùng 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang