Kinh tế số Việt Nam: 'Sáng tạo', 'Sôi sục' nhưng cần 'Triệt để'

author 15:09 02/05/2019

(VietQ.vn) - Hơn bao giờ hết, kinh tế số đang “sôi sục” và trở thành mối quan tâm của cả xã hội. Mời bạn đọc cùng Chất lượng Việt Nam Online (VietQ.vn) lắng nghe ý kiến của các chuyên gia dưới những góc nhìn hết sức thực tế về vấn đề trên.

Ông Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

Ông Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng "Với cách mạng công nghiệp 4.0 thì sự sáng tạo trên nền tảng Internet, việc chậm hay nhanh không phải là vấn đề lớn", bởi cuộc đua này không giống cuộc chạy marathon dùng sức con người.

Tuy nhiên, theo ông Hiếu, Thái Lan - nơi đã có chiến lược quốc gia lần thứ hai và nhiều quốc gia khác trong chiến lược phát triển của mình - đều nêu rõ nội hàm "phát triển cách mạng 4.0" dù sử dụng các khái niệm khác nhau về sáng tạo, kinh tế số...

Ở góc độ quản lý Nhà nước, Phó viện trưởng CIEM nhấn mạnh, môi trường thể chế tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh có cơ hội sáng tạo là quan trọng nhất. Theo ông, hiện nhiều mô hình kinh doanh đã không còn khái niệm về biên giới, lãnh thổ và luật pháp, theo đó cũng sẽ phải thay đổi tương ứng.

Ông Hiếu dẫn dụ, tương lai Việt Nam thừa nhận taxi tự lái hoạt động trên đường, nếu xe này gây tai nạn thì trách nhiệm thuộc về ai? Thuộc về xe tự lái, phần mềm...? Và khi đó chắc chắn luật pháp sẽ phải thay đổi để đáp ứng nhu cầu phát triển, và bản thân ông cũng "chưa thể hình dung hết".

Là cơ quan tham mưu cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Hiếu nhấn mạnh, tới đây sửa đổi Luật Doanh nghiệp thì một số điều kiện như gia nhập thị trường sẽ đơn giản hoá. Theo đó, gia nhập thị trường của doanh nghiệp sẽ ứng dụng công nghệ thông tin, doanh nghiệp chỉ cần qua một cổng duy nhất để hoàn thiện các thủ tục. Cùng đó sẽ nâng cao quản trị số trong quản trị doanh nghiệp...

 Ông Bùi Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn FPT.

Ông Bùi Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn FPT cho hay, thách thức lớn nhất và cũng là một trong những điểm yếu nhất của Việt Nam là khoảng cách giữa hoạch định chính sách và việc đi vào triển khai.

"Chẳng cứ lĩnh vực kinh tế số, mà ở nhiều lĩnh vực khác của Việt Nam, việc nói và làm không đi cùng nhau", ông Bùi Quang Ngọc nói và cho rằng Chính phủ đã có những chương trình, những giải pháp phát triển kinh tế số từ 2 thập kỷ trước nhưng thực tế, những chuyển biến không tương đồng với kỳ vọng ban đầu. Những chương trình hoành tráng nhưng đi đến triển khai thực tế, lại không mang lại nhiều hiệu quả.

Lấy ví dụ về sự phát triển của kinh tế số tại khu vực công, Phó Chủ tịch FPT cho rằng đây là một lĩnh vực quan trọng để tạo cầu cho sự phát triển kinh tế số. Tuy nhiên, cho đến hiện nay, các chương trình xây dựng kinh tế số như Chính phủ điện tử, Y tế thông minh, Giao thông thông minh... lại được triển khai "rất nửa vời". "Khoảng cách giữa hoạch định và triển khai là thách thức của Việt Nam, đó là khoảng trống rất lớn", Phó chủ tịch FPT nhận định.

Bên cạnh công tác triển khai, việc xây dựng hành lang pháp lý, theo ông Bùi Quang Ngọc, cũng là vấn đề cần khắc phục. Kinh tế số tạo ra những lĩnh vực kinh doanh mới, việc pháp lý hóa những lĩnh vực mới cần được thực hiện đồng bộ, liên quan đến mục tiêu quốc gia về kinh tế số. Việc chuẩn hóa là sự bắt buộc.

Ông Nguyễn Việt Dũng, Trưởng ban Chiến lược Tập đoàn Viettel. 

Ông Nguyễn Việt Dũng, Trưởng ban Chiến lược Tập đoàn Viettel nhận định hiện viễn thông gồm hạ tầng vật lý và phi vật lý. Hạ tầng vật lý thì gồm phần kết nối, truyền tải, các mạng cáp quang cũng như 3G, 4G, 5G đóng vai trò then chốt. Mạng cáp quang không chỉ có các đường trục mà hiện cáp quang gia đình cũng chiếm 70 - 80%. Ngoài ra còn hạ tầng dữ liệu và hạ tầng thanh toán.

Ông cho rằng, thời gian tới, việc đầu tư hạ tầng vật lý chắc chắn sẽ lớn, đòi hỏi sự tham gia của cả xã hội. Trước đây phần hạ tầng này chủ yếu do doanh nghiệp viễn thông triển khai nhưng hiện nay các dự án chung cư, khu công nghiệp các chủ đầu tư đều tham gia thực hiện. Điều này là hợp lý, song ông Dũng cho rằng cần thiết phải có những quy chuẩn để đảm bảo hạ tầng có sự đồng bộ và giao diện tốt.

Với mục tiêu phát triển hạ tầng phi vật lý, ông Dũng cho rằng nếu quá chú trọng pháp lý thì tiến độ sẽ bị chậm. Do đó, theo ông, nên chăng xây dựng pháp lý theo nguyên tắc cơ bản để tạo nên nhiều tự do, sáng tạo rồi bổ sung, không nên ngồi tưởng tượng các vấn đề để xây dựng pháp lý. 

Ngoài ra, một vấn đề quan trọng trong chuyển đổi số là xây dựng hạ tầng văn hoá. Bởi ông cho rằng, theo nhiều chuyên gia, văn hoá chấp nhận cái mới, chấp nhận rủi ro, thất bại là điều kiện quan trọng để đưa ra, phát triển những ý tưởng mới. Nhà nước cũng nên mạnh dạn để xã hội hoá dịch vụ công, hạ tầng số được cung cấp tới mọi người với chi phí rẻ. Ví dụ doanh nghiệp hiện phải đóng gần một triệu đồng với dịch vụ chữ ký số, song với người dân thì tôi cho rằng nên miễn phí, chi phí không đáng bao nhiêu cả để phổ cập. 

Chuyên gia Phạm Chi Lan: Kinh tế số Việt Nam đang khát khao phát triển!(VietQ.vn) - "Chúng ta khao khát sự thay đổi, vươn lên nắm bắt xu thế mới làm cho kinh tế số nói chung và thương mại số nói riêng phát triển mạnh mẽ hơn, phát triển chứ không chỉ có tăng trưởng", Chuyên gia Phạm Chi Lan nhận định.

Thanh Minh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang