Công tác chuẩn bị cho mô hình chăn nuôi kết hợp vịt - cá

author 15:03 28/10/2015

(VietQ.vn) - Chăn nuôi kết hợp vịt - cá là phương thức chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao trên cùng một diện tích ao hồ. Dưới đây là công tác chuẩn bị ban đầu cho kỹ thuật chăn nuôi kết hợp vịt - cá.

Sự kiện:

Hệ thống chăn nuôi vịt - cá đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng, trong đó có cả những nước châu Á như Thái Lan, Trung Quốc. Nhờ nắm vững kỹ thuật chăn nuôi, hiểu rõ điều kiện môi trường cũng như kinh tế, nhiều hộ nông dân sau khi áp dụng mô hình chăn nuôi kết hợp đã đạt năng suất cá – vịt cao, từ đó thu được nguồn lợi nhuận ổn định giúp nâng cao đời sống.

Ảnh hưởng của vịt đối với cá

Vịt thải phân làm thức ăn cho cá. Phân vịt là thức ăn cho các động vật thuỷ sinh khác tồn tại và phát triển, sau đó các động vật thuỷ sinh lại trở thành thức ăn cho cá. Vịt bơi lội, lặn hụp làm tăng lượng oxy hoà tan trong nước giúp cho cá có đủ lượng oxy cần thiết trong quá trình hô hấp, bảo đảm quá trình trao đổi chất bình thường, không phải dùng sức người hoặc máy khuấy mặt nước. Thức ăn dư thừa, vương vãi của vịt đưa xuống ao làm thức ăn cho cá.

Nắm vững kỹ thuật chăn nuôi vịt - cá kết hợp giúp đạt hiệu quả kinh tế cao

Nắm vững kỹ thuật chăn nuôi vịt - cá kết hợp giúp đạt hiệu quả kinh tế cao 

Tuy nhiên, vịt có thể ăn cá nhỏ, vì vậy không nên thả vịt vào ao cá giống mà chỉ thả vào ao nuôi cá thịt vì lúc đó cá đã có cỡ to hơn, vịt không bắt ăn được. Vịt mò, súc vào bờ có thể làm xói lở, nên khắc phục bằng cách rào chắn phên, nứa, tre hoặc lưới nilon cách bờ tối thiểu 40cm, nếu kè bờ thì càng tốt. Mật độ quá đông sẽ ảnh hưởng môi trường ao nuôi cá, cá chậm lớn thậm chí có thể chết, vì vậy phải bảo đảm mật độ.

Ảnh hưởng của cá đối với vịt

Cá nhỏ, cá tạp, tôm, cua… (mỗi khi đánh bắt, thả bù) không đảm bảo tiêu chuẩn bị loại hoặc rơi vãi, mới chết trở thành thức ăn đạm cung cấp cho vịt rất tốt. Cá ăn phân vịt và các chất thải từ chuồng vịt ra giúp vệ sinh môi trường, giảm được phân công lao động cho người chăn nuôi, làm giảm ô nhiễm góp phần bảo vệ sức khoẻ cho vịt. Cá có thể tận dụng thức ăn dư thừa, vung vãi của vịt là thức ăn tinh (hỗn hợp, thóc, cám), thức ăn phụ phẩm (bã đậu, bã bia) lẫn thức ăn xanh (rau, bèo) nâng cao được hiệu quả sử dụng thức ăn góp phần hạ giá thành sản phẩm.

Ngoài ra, ao thả cá cũng như các ao bình thường không thả cá là nơi để vịt bơi lội, rỉa lông làm sạch vịt, góp phần điều tiết nhiệt độ trong những ngày nóng nực.

Cho dù vậy, cá vẫn có một số ảnh hưởng tiêu cực đến vịt. Cá chết quá lâu gây ôi thối, vịt ăn vào có thể bị rối loạn tiêu hoá hoặc nhiễm bệnh, không nên cho vịt ăn cá ôi thối. Cá có thể đớp bộ phận sinh dục của vịt trống sau khi giao phối (rất ít xảy ra), do đó không nên thả vịt giống ở ao nuôi cá dữ.

Trong kỹ thuật chăn nuôi vịt - cá kết hợp cần quan tâm đến mật độ vịt và cá trong ao

Trong kỹ thuật chăn nuôi vịt - cá kết hợp cần quan tâm đến mật độ vịt và cá trong ao

Chuẩn bị ao nuôi

Diện tích tối thiểu từ 150 - 200 m2, độ sâu từ 1,0 - 1,4m là tốt nhất. Trước khi nuôi vịt cá kết hợp, phải rút cạn nước, phơi đáy ao từ 7 - 10 ngày, sau đó cho nước vào 20 cm, trải vôi bôi với lượng 7 - 10 kg/100 m2 mặt ao, để 1 tuần rồi cho nước vào. Đối với ao mới đào, trước khi phơi đáy ao cần cho nước ra vào liên tục 1 tháng để rửa phèn. Khi nước có màu xanh nõn chuối (sau 10 ngày) thì thả cá vào. Bờ ao phải cao ráo, chủ động nguồn nước ra vào.

Ổ đẻ cho vịt: Ổ đẻ phải đảm bảo giữ sạch sẽ, vật lót càng sạch sẽ bao nhiêu thì ổ càng sạch bấy nhiêu, trứng và vịt mẹ sạch sẽ bao nhiêu thì tỷ lệ nở của trứng càng cao bấy nhiêu. Lúc vịt gần đẻ, bà con hãy đặt ổ đẻ xung quanh chuồng, tỷ lệ tối thiểu là 1 ổ đẻ cho 3 vịt. Lớp độn chuồng dày 10cm và hàng ngày một lần vào chiều tối hãy cho thêm một ít chất độn. Khi ổ đẻ bẩn, ẩm thì phải thay ngay.

Mật độ vịt, cá

Số lượng cá thả nuôi trong mô hình tùy thuộc vào số vịt thả nuôi và diện tích mặt nước hiện có trong hệ thống. Kết quả nghiên cứu và thợc tiễn sản xuất cho thấy số lượng vịt thả nuôi là 7000 - 8000 con/ha sẽ cung cấp đủ loại phân làm thức ăn trực tiếp và gián tiếp cho cá rô phi với mật độ 1 - 1,5 con/m2.

Mật độ thả vịt cá trong ao

Mật độ thả vịt cá trong ao 

Nên nuôi ghép nhiều loại cá trong mô hình nuôi kết hợp với vịt. Mỗi loài cá kiếm thức ăn ở các tầng nước nông sâu khác nhau. Do vậy, chúng tận dụng được triệt để nguồn thức ăn sẵn có trong ao hồ. Bên cạnh đó, nuôi ghép giải quyết được nhu cầu đòi hỏi oxy của các loài cá ở các tầng nước khác nhau.

Quang Minh (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang