Kỳ vọng vào sức sống mới của khoa học và công nghệ địa phương

author 14:42 12/01/2015

(VietQ.vn) - Luật Khoa học và công nghệ (KH&CN) sửa đổi có hiệu lực được kì vọng sẽ tạo động lực mới cho hoạt động KH&CN của các địa phương.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Theo ông Hồ Ngọc Luật, Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương, trong những năm qua, hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ tại các địa phương đã đạt được nhiều kết quả đáng kể vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, công tác đầu tư phát triển KH&CN tại các địa phương vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế.

Ông đánh giá như thế nào về hoạt động KH&CN cả nước trong năm qua?

Với sự ra đời của Luật KH&CN sửa đổi và chính thức có hiệu lực từ 01/01/2014, cùng với việc triển khai thực hiện các Nghị quyết, Quyết định, các chương trình quốc gia về phát triển KH&CN đã được Quốc Hội, Chính phủ, Thủ tướng phê duyệt, ngành KH&CN cả nước đều tập trung thực hiện tinh thần đổi mới của Luật KH&CN. Bộ KH&CN đang tập trung xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn kế hoạch triển khai và thực hiện cụ thể cho từng lĩnh vực công tác của ngành theo tinh thần và quy định mới của Luật trên phạm vi toàn quốc.

ông Hồ Ngọc Luật, Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương

Ông Hồ Ngọc Luật, Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương. Ảnh: A. Tuyết

Năm 2014, các tỉnh/thành phố đã triển khai được gần 1300 đề tài, dự án. Trong đó có 317 đề tài, dự án có kết quả nổi bật phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tập trung nhiều nhất tại vùng Đồng bằng sông Hồng: 109 đề tài dự án nổi bật; Miền núi phía Bắc: 68 đề tài dự án nổi bật; Đồng bằng sông Cửu long: 58 đề tài; Đông Nam Bộ: 38 đề tài; Nam trung bộ và Tây Nguyên: 25 đề tài; Bắc Trung Bộ 19 đề tài.

Các đề tài dự án có kết quả nổi bật chủ yếu tập trung trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp và khoa học kỹ thuật và công nghệ.

Cụ thể, lĩnh vực khoa học nông nghiệp có 151 nhiệm vụ; khoa học kỹ thuật và công nghệ có 61 nhiệm vụ; khoa học y dược có 27 nhiệm vụ; khoa học xã hội và nhân văn có 47 nhiệm vụ; khoa học tự nhiên 31 nhiệm vụ.

Các địa phương đang đầu tư cho phát triển KH&CN như thế nào, thưa ông?

Trong tổng đầu tư 2% chi ngân sách cho KH&CN (tổng chi), kinh phí dành cho đầu tư phát triển chiếm khoảng 29,8% tổng chi, trong đó khoảng 15,2% tổng chi được phân bổ thông qua ngân sách địa phương. Trong tổng chi, dành cho sự nghiệp KH&CN khoảng 38,1% (còn lại dự phòng 32,1% từ tổng chi), trong đó khoảng 9,6% tổng chi được phân bổ thông qua ngân sách đia phương. Như vậy, năm 2014 Nhà nước dành 24,8% của 2% tổng chi ngân sách chi cho các hoạt động KH&CN địa phương.

Tuy nhiên, số địa phương sử dụng nguồn kinh phí này đúng mục đích chưa nhiều, mới đạt khoảng 60,5%. Phần còn lại đang đầu tư cho các đối tượng khác không thuộc các đối tưởng của nguồn vốn đầu tư phát triển KH&CN.

Hiện nhiều địa phương thành lập và đưa vào hoạt động Quỹ phát triển KH&CN. Quỹ này đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tổ chức KH&CN vay để thực hiện các nhiệm vụ KH&CN, dự án sản xuất thử nghiệm, đổi mới công nghệ, đầu tư ứng dụng công nghệ mới. Đồng thời hướng dẫn các doanh nghiệp trích đến 10% lợi nhuận trước thuế theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp để đầu tư vào hoạt động KH&CN, thành lập Quỹ phát triển KH&CN. Tuy nhiên, đến nay số quỹ này còn rất ít, mới chỉ tính ở mức hàng chục. Nếu thu hút được nhiều doanh nghiệp thành lập Quỹ Phát triển KH&CN, đây sẽ là nguồn lực lớn hơn nhiều so với nguồn ngân sách tỉnh đầu tư cho phát triển KH&CN.

Vậy trong thời gian tới, công tác đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ sẽ được triển khai ở địa phương ra sao thưa ông?

Trong thời gian tới, các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ gắn với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương; Ưu tiên phát triển công nghệ cao, công nghệ làm nền tảng cho phát triển kinh tế tri thức: công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ cơ khí - tự động hoá,… Tập trung khai thác các lợi thế và điều kiện đặc thù của từng vùng, địa phương để đẩy mạnh sản xuất hàng hóa là các sản phẩm chủ lực, trên cơ sở liên kết phát triển chuỗi giá trị hàng hóa. Xây dựng định hướng phát triển khoa học và công nghệ tạo môi trường hợp tác, liên kết giữa các địa phương.

Đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu, tăng tỷ lệ các dự án sản xuất thử nghiệm và huy động tiềm lực của doanh nghiệp để thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu, đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào sản xuất kinh doanh; Đẩy mạnh công tác thống kê và giám sát, đánh giá hoạt động KH&CN ở địa phương.

Tập trung nguồn lực để sẵn sàng tham gia thực hiện Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia; khuyến khích doanh nghiệp nhập khẩu công nghệ hiện đại, công nghệ cao, trước hết là đối với các ngành, lĩnh vực chủ lực, mũi nhọn; tăng cường các hình thức hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, làm chủ công nghệ then chốt, đẩy mạnh sản xuất sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, trong đó ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tăng cường ứng dụng nhanh KH&CN vào lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp nông thôn; thực hiện có hiệu quả Chương trình ứng dụng tiến bộ KH&CN đối với nông thôn - miền núi.

Tham gia Chương trình phát triển thị trường công nghệ, hình thành và phát triển các tổ chức dịch vụ KH&CN, dịch vụ chuyển giao công nghệ. Tập trung thực thi quyền sở hữu trí tuệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ, tham gia thực hiện Chương trình Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ. Tăng cường áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; triển khai hoạt động kiểm soát chất lượng hàng hóa xuất nhập, góp phần đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập siêu.

Xin cảm ơn ông!

Tuyết Hoàn

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang