Kỳ vọng chợ đầu mối đầu tiên của Việt Nam đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế

author 06:25 18/08/2021

(VietQ.vn) - Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, việc xây dựng chợ đầu mối vừa giúp quản lý chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường, vừa thu thập được thông tin về cung cầu hàng hóa phục vụ cho từng địa bàn.

Vừa qua, tại cuộc hội thảo “Nông dân đi chợ thế giới” do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Báo Nông thôn Ngày nay phối hợp tổ chức, trong kỉ yếu hội thảo, có một bài viết của lãnh đạo Phòng Thương mại Hàn Quốc cũng đề cập tới việc Việt Nam phải có các chợ đầu mối.

Bằng dẫn chứng cụ thể và sâu sắc, tác giả đã phân tích những mặt lợi ích cho sản xuất và tiêu dùng của các chợ đầu mối ở Hàn Quốc mà Việt Nam cần học tập. Đó là, hàng hóa sau khi thu hoạch, nhất là hàng nông sản thực phẩm, thủy hải sản... nhất thiết cần gom vào các chợ đầu mối trong toàn quốc.

Tổ chức này vừa quản lý được chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường, vừa nắm vững cung cầu hàng hóa phục vụ cho từng địa bàn mà các chợ đầu mối được phân công đảm nhiệm. Tất nhiên các chợ đầu mối phải có đầu vào phục vụ là các vùng sản xuất lớn tập trung, sản xuất sạch để cung cấp hàng hóa cho chợ. Điều lợi nữa là lợi nhuận trong chuỗi giá trị hàng hóa từ sản xuất đến trao đổi, phân phối tiêu dùng thông qua chợ đầu mối được phân chia một cách tương đối hợp lý.

Bài viết có đề cập tới ví dụ 1 kg rau sạch, trước đây người nông dân chỉ bán được 2.000 đồng/kg, sau khi tham gia chuỗi cung ứng cho chợ đầu mối đã bán được 7.000 – 8.000 đồng/kg. Giá rau đã tăng 3-4 lần trước đó. Trước đây, những mớ rau sạch vì không tham gia vào chuỗi cung ứng ở chợ đầu mối, hoặc các siêu thị thường bị thương lái không tử tế ép cấp, ép giá với mức tương đương như rau không sạch.

Trong chợ đầu mối hiện đại ở Hàn Quốc cũng như một số nước tiến tiến khác Italy, Đức, Tây Ban Nha, việc giao dịch buôn bán thông qua đấu giá công khai trên sàn giao dịch nằm trong từng chợ đầu mối. Đây là mô hình mua bán rất minh bạch công khai và văn minh, trước hết đem lại lợi ích cho người sản xuất, sau đó cho cả người tiêu dùng xã hội.

Ảnh minh họa

Nhìn rộng ra, chợ đầu mối từng vùng còn là nơi thu hút các nhà đầu tư du lịch, kể cả mua lẻ ở siêu thị trong chợ đầu mối. Hệ thống hậu cần của chợ được tổ chức quy mô, văn minh, hiện đại, đảm bảo vệ sinh môi trường và hiệu quả. Rác của chợ đầu mối được gom lại và cung cấp cho nhà máy điện rác, phục vụ ngược lại cho chính chợ đầu mối.

Còn ở Việt Nam thì sao? Chúng ta có thể kể ra hàng chục chợ đầu mối trên toàn quốc đang hoạt động, nhưng kể cả những chợ khá lớn như Bình Điền, Thủ Đức và Đền Lừ, Minh Khai... nếu đem so với các chợ ở các nước trên thế giới còn rất nhỏ bé và thiếu nhiều điều kiện cơ bản để chợ có thể hoạt động một cách hoàn chỉnh.

Chợ đầu mối ở Việt Nam chủ yếu làm nhiệm vụ gom hàng hóa, có thể kiểm tra chất lượng sơ bộ và cung cấp cho các siêu thị, chợ nhỏ lẻ trong thành phố. Riêng Hà Nội cách đây hơn 1 năm, lãnh đạo thành phố cũng đã làm việc với các bạn Pháp, thăm quan học tập một vài chợ đầu mối ở Pháp, đồng thời có những biên bản ghi nhớ để Pháp hỗ trợ Hà Nội xây dựng 1 chợ đầu mối phía Bắc có quy mô lớn.

Tuy nhiên, thời gian đã trôi đi cho tới nay chưa có dấu hiệu của việc xúc tiến một cách mạnh mẽ ý tưởng tốt đẹp này. Nhìn những con lợn đã giết mổ, những tải rau được vận chuyển công khai, ít được kiểm soát thông qua các phương tiện chủ yếu là xe máy về trung tâm các thành phố lớn để phục vụ bán lẻ điều đó càng thôi thúc việc thiết lập các chợ đầu mối ở 3 miền Bắc - Trung - Nam.

Cái lợi thì cũng đã rõ, kinh nghiệm bạn đã làm và cũng sẵn sàng hỗ trợ, điều còn lại là chúng ta có quyết tâm đẩy nhanh việc quy hoạch, đầu tư cho các chợ đầu mối đó hay không?

Trong này vai trò quan trọng của Chính phủ, Bộ Công Thương , Bộ NN&PTNT và các tỉnh, thành phố có liên quan đến việc đặt các chợ đầu mối tại địa phương đó. Chúng ta tin chắc rằng, với xu thế phát triển của thời đại công nghiệp 4.0, khi nhu cầu phải đảm bảo chất lượng hàng hóa sau sản xuất, chăn nuôi, nhu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng xã hội trở nên cấp bách, sớm hay muộn chợ đầu mối cũng phải được xây dựng. Bởi đó là yêu cầu tất yếu khách quan, dù muốn hay không cũng phải làm. Hi vọng trong 3 - 5 năm nữa sẽ có 1 chợ đầu mối đầu tiên của Việt Nam đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, nhằm thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng xã hội một cách hiện đại và văn minh.

Hồi tháng 12/2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành Thông tư 11/2018/TT-BNNPTNT ban hành Quy chuẩn QCVN 02-30:2018/BNNPTNT về chợ đầu mối, chợ đấu giá nông lâm thủy sản - Yêu cầu đảm bảo an toàn thực phẩm.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 02-30:2018/BNNPTNT về chợ đầu mối, chợ đấu giá nông lâm thủy sản được ban hành góp phần kiểm soát chặt chất lượng, nguồn gốc xuất xứ nông sản tại các chợ đầu mối, đảm bảo an toàn vệ sinh cho người dân.

Quy chuẩn QCVN 02-30:2018/BNNPTNT đưa ra những quy chuẩn áp dụng đối với tổ chức quản lý chợ; tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản trong chợ đầu mối. Quy định cụ thể về địa điểm, mặt bằng, kết cấu, phòng chống côn trùng, nhà vệ sinh, sơ chế, bảo quản, vận chuyển sản phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, yêu cầu về quản lý chất lượng bảo đảm an toàn thực phẩm.

Trong đó, một số yêu cầu kỹ thuật trong quy chuẩn được đưa ra rất cụ thể, chi tiết mà khi bố trí, kiểm soát Ban quản lý chợ, cơ sở kinh doanh cần phải lưu ý như: Điểm kinh doanh trong chợ phải có diện tích tối thiểu 3 m2. Đường đi và vận chuyển sản phẩm trong khu vực kinh doanh phải có chiều rộng tối thiểu 1,5 m; Cơ sở kinh doanh thực phẩm phải lưu giữ thông tin liên quan đến việc mua bán; Tổ chức quản lý chợ phải có quy định kiểm soát chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm; lưu trữ hồ sơ quản lý an toàn thực phẩm tại chợ, thời gian lưu trữ tối thiểu là 2 năm.

Quy chuẩn QCVN 02-30:2018/BNNPTNT quy định, chợ đầu mối, chợ đấu giá nông lâm thủy sản phải được công bố hợp quy phù hợp với các quy định kỹ thuật tại Phần 2 của quy chuẩn này căn cứ trên cơ sơ kết quả thực hiện chứng nhận hợp quy của tổ chức chứng nhận đã đăng ký theo quy định tại Nghị định số 107/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp hoặc tổ chức chứng nhận đã được thừa nhận theo quy định của pháp luật.

Việc công bố hợp quy thực hiện theo quy định tại Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và Thông tư số 02/2017/TT- BKHCN ngày 31/3/2017 của Bộ Khoa học và Công nghệ về sửa đổi, bồ sung một số điều của Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012.

Phương thức đánh giá sự phù hợp thực hiện theo phương thức 6 quy định tại Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang