Đại biểu Quốc hội khi bức xúc phải phát biểu ngay, kể cả ngày mai ‘về vườn’

authorViết Cường 05:55 01/06/2015

(VietQ.vn) - Đại biểu Quốc hội là Giám đốc sở một tỉnh, đến phiên chất vấn Bộ trưởng cùng ngành, có mấy người dũng cảm dám hỏi câu hóc búa?

Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương sẽ trình Quốc hội thảo luận vào hôm nay (1/6) là một trong những dự án luật rất quan trọng được xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 13 với nhiều quy định được đánh giá là mới, tiến bộ.

Về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, nhìn chung nhiều ý kiến đồng tình với việc tổ chức HĐND ở cả 3 cấp. Tuy nhiên, làm thế nào để hoạt động của HĐND hiệu quả hơn chính là vấn đề các đại biểu Quốc hội băn khoăn.

Nhiều đại biểu cho rằng, trước hết phải tăng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách. Vì đại biểu kiêm nhiệm phải thực hiện nhiệm vụ được giao rất nặng nề trong các lĩnh vực hành pháp, tư pháp, sẽ không còn thời gian đầu tư cho công việc của đại biểu dân cử.

Báo điện tử VOV đẫn lời Đại biểu Lê Nam - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa nhìn nhận: “Luật quy định nhiệm vụ, quyền hạn như thế nhưng vấn đề quan trọng là ai làm? Tăng đại biểu chuyên trách lên thì mới có người làm. Hiện chuyên trách HĐND tỉnh còn ít, cấp huyện và xã cũng vậy”.

Đại biểu Lê Nam- Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa

Đại biểu Lê Nam- Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa. Ảnh VOV

Cũng theo đại biểu, muốn hoạt động có chất lượng phải đảm bảo vị thế cho HĐND, các Ủy ban của HĐND, đặc biệt là vị thế chính trị, địa vị pháp lý. Ví dụ cấp trưởng ban HĐND là người nằm trong thường vụ tỉnh ủy có vị thế hơn đại biểu chuyên trách, thuận lợi khi đi giám sát.

Mặt khác, phải đưa đại biểu là người ngoài bộ máy tư pháp, hành pháp vào HĐND nhiều hơn. Hiện tại cơ cấu chủ yếu vẫn là những người hoạt động trong bộ máy chính trị, hành chính, lại gắn kết trong một thiết chế lãnh đạo xuyên suốt. Ở địa phương một người có thể đóng rất nhiều vai, vai này chi phối vai kia thì khó làm tốt chức năng đại biểu.

“Một lãnh đạo huyện chẳng dại gì lên giữa hội trường HĐND phê phán mấy ông Giám đốc Sở, trong khi còn đang phải tranh thủ chưa được. Đó là thực tế và không ai làm thế cả”, đại biểu Lê Nam thẳng thắn bày tỏ.

Giám đốc Sở có dám chất vấn “mạnh” Bộ trưởng ngành đó không?

Qua những kỳ họp Quốc hội, dư luận đánh giá nhiều Đại biểu chất vấn dường như cho “có lệ”, thiếu đi sâu vào thực tiễn nên người được trả lời chất vấn trả lời cũng được mà không trả lời thì cũng… không sao.

Trao đổi với phóng viên, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, một người từng là Đại biểu Quốc hội “nổi tiếng” với những phát ngôn châm ngòi, xốc dậy và hâm nóng hội trường nhất là ở những phiên chất vấn và trả lời chất vấn cũng thừa nhận “quả là có việc như vậy”.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước và GS Nguyễn Minh Thuyết

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (bên trái) và GS Nguyễn Minh Thuyết là hai người luôn châm ngòi cho những phiên chất vấn quyết liệt nhưng chân thành, thẳng thắn tại những kỳ họp Quốc hội trước.

Theo ông có hai nguyên nhân. Một là do những đại biểu đó chưa đủ tầm, chưa chịu nghiên cứu, tìm hiểu sâu về những vấn đề sẽ hỏi.

Lí do thứ hai là họ bị phụ thuộc hoặc lo sợ sẽ bị chính người được chất vấn “để ý” nên hạn chế hỏi những câu “hóc búa”.

Từ đó tướng Thước đưa ra giải pháp, nên hạn chế chức danh Đảng, Nhà nước đối với một số đại biểu để họ có quyền độc lập.

“Lấy ví dụ như một ông Giám đốc sở của tỉnh trúng cử Đại biểu Quốc hội. Đến lúc chất vấn Bộ trưởng ngành đó, chắc hẳn ông này cũng không dám phát biểu mạnh vì dù sao vẫn dưới cấp, phụ thuộc nhiều vào Bộ trưởng. Hỏi những câu bình thường thì không sao. Nhưng hỏi câu “gai góc” thì không ổn rồi”, Tướng Thước nhận định.

“Nhiều vị đại biểu lo lắng như thế. Còn riêng tôi, ngày còn làm Đại biểu Quốc hội, thấy gì bức xúc là phải phát biểu ngay, kể cả ngày mai “về vườn”, tướng Thước mạnh dạn nói.

Viết Cường

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang