Việt Nam vẫn là điểm hấp dẫn về đầu tư

author 07:07 07/10/2021

(VietQ.vn) - Những thông tin “làn sóng” các doanh nghiệp FDI rời bỏ Việt Nam chỉ là lời đồn thổi thiếu căn cứ xuất hiện trên mạng xã hội.

 Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của môi trường đầu tư FDI

Vừa qua, trên các trang mạng xã hội xuất hiện thông tin Tập đoàn Nike, kế đến là Adidas và Puma đã chuyển sản xuất khỏi Việt Nam để sang một số nước khác. Đồng thời, một loạt hãng điện thoại thông minh sẽ được sản xuất tại Trung Quốc thay vì Việt Nam như dự kiến. 

Trước thông tin trên, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương đã lên tiếng khẳng định, chỉ có một số đơn hàng của hãng Nike chuyển đơn hàng sang nhà máy của một số nước, không có việc doanh nghiệp dịch chuyển hẳn dây chuyển sản xuất.

CEO của Nike đã khẳng định sẽ không rời bỏ Việt Nam nên không có chuyện chuyển sản xuất khỏi Việt Nam để sang các quốc gia khác.

Nhận định về những khó do dịch bệnh gây ra có thể khiến các doanh nghiệp FDI rời khỏi Việt Nam, ông Cao Hoàng Nam, Giám đốc Đối ngoại và Truyền thông PepsiCo cho rằng, việc này phụ thuộc vào quy mô và tính chất của từng doanh nghiệp. Tại Việt Nam, có những doanh nghiệp nằm trong supply chain (chuỗi cung ứng) toàn cầu. Tùy từng quy mô của các tập đoàn, doanh nghiệp FDI thường bố trí nhiều nhà máy ở các nước khác nhau để cung cấp một thành phần nào đó để ghép lại thành một sản phẩm.

Mặt hàng này sẽ được cung cấp cho chuỗi cung ứng toàn thế giới, nếu điều kiện ở Việt Nam không đáp ứng được thì họ sẽ phải dịch chuyển tạm thời sang một khu vực khác. Đối với các doanh nghiệp chỉ sản xuất và tiêu thụ ở Việt Nam thì câu chuyện rời đi sẽ vô cùng khác.

Theo đại diện Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), FDI là chiến lược trung và dài hạn, do đó, việc chuyển ra khỏi một nước không phải chuyện dễ dàng. Theo đó, giới lãnh đạo cao nhất của ADB tại Việt Nam khẳng định: Về mặt trung và dài hạn, Việt Nam vẫn là điểm hấp dẫn về đầu tư. Ngoài ra, Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi trong bối cảnh thay đổi về chuỗi cung trên toàn cầu, thương chiến Mỹ - Trung,…

Ông Nguyễn Hồng Uy, thành viên Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) cho biết, để doanh nghiệp, dòng vốn FDI tiếp tục ở lại Việt Nam, các ngành chức năng cần có chiến lược, kế hoạch rõ ràng. Khi người dân đã tiêm vaccine xong thì cần mở cửa hoàn toàn, xác định "sống chung với lũ". Một số mô hình ở các nước như Mỹ, Singapore… đã làm như vậy. Ví dụ, tại TP.HCM, theo tính toán, với tốc độ tiêm vaccine hiện tại, đến tháng 12, hoàn toàn có thể mở cửa với trạng thái "bình thường mới".

An Nguyên (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang