Lạng Sơn: Hỗ trợ doanh nghiệp, HTX áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa

author 16:10 12/03/2025

(VietQ.vn) - Áp dụng truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm đặc sản, chủ lực, ngoài việc giúp minh bạch các thông tin về quá trình sản xuất, từ đó củng cố niềm tin và đảm bảo chất lượng, uy tín cho sản phẩm thì một hệ thống truy xuất nguồn gốc phù hợp tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế còn là tiền đề giúp đưa sản phẩm của Lạng Sơn tiếp cận nhiều hơn nữa vào thị trường trong nước và quốc tế.

Với tiềm năng và địa hình, khí hậu đặc thù, danh mục sản phẩm hàng hóa của tỉnh Lạng Sơn ngày càng đa dạng, phong phú, trong đó các sản phẩm đặc sản, sản phẩm chủ lực, sản phẩm nông nghiệp của chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) ngày càng được người tiêu dùng cả nước biết đến như: thạch đen, các loại trái cây na, hồng không hạt, hồng vành khuyên, quýt vàng, chanh rừng, hạt dẻ, gạo, chè...

Nhằm mục tiêu xây dựng thương hiệu, gia tăng giá trị cho sản phẩm, hàng hóa để tăng cơ hội tiếp cận với các thị trường tiềm năng, thời gian qua, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, HTX trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã quan tâm tìm hiểu, đầu tư các giải pháp, công cụ hỗ trợ.

Khảo sát quy trình sản xuất tại Công ty Cổ phần Chè Thái Bình. 

Đồng hành cùng các doanh nghiệp, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lạng Sơn đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND về việc triển khai Kế hoạch nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2025 nhằm nâng cao năng suất chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thông qua việc nghiên cứu, đổi mới, chuyển giao và ứng dụng công nghệ, áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng.

Theo đó, thực hiện Kế hoạch số 79/KH-UBND, năm 2022, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lạng Sơn đã giao cho Trung tâm Mã số, mã vạch quốc gia thực hiện dự án “Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn”.

Có 15 doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất các sản phẩm đặc sản, chủ lực của tỉnh được hỗ trợ áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc trong đó có một số doanh nghiệp điển hình như Công ty Cổ phần Chè Thái Bình, hợp tác xã Nông sản huyện Chi Lăng, hợp tác xã Hồng Vành Khuyên Nà Mò, hợp tác xã Nông sản sạch Tràng định, hợp tác xã Nông nghiệp Nam Hồng…

Các doanh nghiệp, hợp tác xã được đào tạo, hướng dẫn sử dụng, theo dõi cập nhật dữ liệu, vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc trên máy tính và điện thoại thông minh. Thông tin sản phẩm của doanh nghiệp, hợp tác xã được đưa lên Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia.

Sau gần 3 năm triển khai thực hiện, theo đánh giá của các doanh nghiệp, HTX tham gia dự án, hệ thống truy xuất nguồn được thiết kế phù hợp quy trình sản xuất, phần mềm dễ tiếp cận và khai báo, cập nhật thông tin. Ngoài việc xây dựng các sổ tay truy xuất nguồn gốc để hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã áp dụng, Trung tâm cũng đã xây dựng 03 tài liệu hướng dẫn truy xuất nguồn gốc cho 03 nhóm sản phẩm: Chè; Hoa hồi lạng sơn và Na – Hồng – Quýt.

Hoạt động hướng dẫn doanh nghiệp cập nhật thông tin trên hệ thống truy xuất nguồn gốc.

Có thể thấy việc áp dụng truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm đặc sản, chủ lực, ngoài việc giúp minh bạch thông tin về quá trình sản xuất, từ đó củng cố niềm tin và đảm bảo chất lượng, uy tín cho sản phẩm, một hệ thống truy xuất nguồn gốc phù hợp tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế còn là tiền đề giúp đưa sản phẩm của Lạng Sơn tiếp cận nhiều hơn nữa vào thị trường trong nước và quốc tế.

Đồng thời, nâng cao năng lực quản lý tổng thể, kiểm soát toàn bộ chuỗi cung ứng, đảm bảo khả năng truy vết ngược, tìm hiểu nguyên nhân khi xảy ra vấn đề hay sự cố về an toàn, khoanh vùng và xử lý vấn đề tại gốc, không làm ảnh hưởng tới các công đoạn khác trong chuỗi cung ứng.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang