Lạng Sơn xử lý nhiều vụ vi phạm về dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng

author 14:51 16/03/2022

(VietQ.vn) - Lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn cho biết vừa phát hiện vi phạm và xử phạt 239 vụ hàng kém chất lượng liên quan đến nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng.

Theo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn, năm 2021, các cơ quan chức năng tỉnh đã kiểm tra 259 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém chất lượng liên quan đến nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền; với tổng số tiền phạt vi phạm hành chính là 1,2 tỷ đồng; trị giá hàng hóa tịch thu, tiêu hủy là 4,8 tỷ đồng.

Hành vi vi phạm chủ yếu là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm về nhãn hàng hóa.

 Lạng Sơn xử lý nhiều vụ vi phạm về mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Ảnh: Trịnh Hà/BCĐ 389 Quốc gia

Cũng theo lực lượng chức năng, vốn là hàng hóa gọn nhẹ về khối lượng, trọng lượng, có giá trị cao, được sản xuất trên dây truyền công nghệ hiện đại, nên khá dễ dàng thực hiện các thủ đoạn, phương thức đối phó với các cơ quan chức năng nên thuận tiện cho các đối tượng hoạt động vận chuyển, kinh doanh bất hợp pháp, gây khó khăn cho hoạt động kiểm tra, giám định, xử lý của cơ quan chức năng.

Trong thời gian tới, trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, nhu cầu của người dân đối với nhóm mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền có chiều hướng gia tăng. Vì vậy Ban Chỉ đạo 389 tỉnh yêu cầu các đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 17/CT-TTg và các văn bản, ý kiến chỉ đạo của cấp trên, kế hoạch số 11/KH-BCĐ389 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Kế hoạch số 108/KH-UBND tỉnh về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.

Ngày 09/12/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 111/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa.

Theo đó, Nghị định 111/2021/NĐ-CP sửa đổi phạm vi điều chỉnh của Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa như sau:

“Nghị định này quy định nội dung, cách ghi và quản lý nhà nước về ghi nhãn đối với hàng hóa lưu thông tại Việt Nam, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu"

Như vậy, so với hiện hành bổ sung hàng hóa xuất khẩu thuộc đối tượng quản lý nhà nước về nhãn hàng hóa.

Hướng dẫn ghi nhãn hàng hóa với hàng xuất khẩu

Nhãn của hàng hóa xuất khẩu thực hiện ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật nước nhập khẩu.

Trường hợp thể hiện xuất xứ hàng hóa trên nhãn hàng hóa xuất khẩu, nội dung ghi xuất xứ hàng hóa tuân thủ quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 43/2017/NĐ-CP (được sửa đổi tại khoản 7 Điều 1 Nghị định 111/2021/NĐ-CP).

Điều 15. Xuất xứ hàng hóa

Tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ hàng hóa của mình bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam hoặc các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Nội dung nhãn hàng hóa xuất khẩu tuân thủ quy định tại khoản 2 Điều 18 Nghị định 43/2017/NĐ-CP.

Điều 18. Các nội dung khác thể hiện trên nhãn hàng hóa

Nhãn hàng hóa không được thể hiện những hình ảnh, nội dung liên quan đến tranh chấp chủ quyền và các nội dung nhạy cảm khác có thể gây ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, kinh tế, xã hội, quan hệ ngoại giao và thuần phong mỹ tục của Việt Nam.
Nghị định 111/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/02/2021.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang