Lãnh án tù vì bán mỹ phẩm nhái

author 11:58 09/07/2012

(VietQ.vn) - Tại Anh, một nhân viên y tế vừa bị bắt giam bởi tàng trữ và tiêu thụ mỹ phẩm nhái có hàm lượng độc tố cao. Phần lớn sản phẩm này được sản xuất tại Trung Quốc.

Leanne Wertheim, một nhân viên y tế (Anh Quốc) đã sử dụng 4 tài khoản trên trang mua bán trực tuyến eBay.com để bán các loại mỹ phẩm nhái. Sản phẩm của các hãng mỹ phẩm nổi tiếng Max Factor, Bobbi Brown, MAC, Benefit và Lancome được bán với giá rẻ bèo bởi chúng hoàn toàn là đồ nhái sản xuất tại Trung Quốc.

Trước khi bị bắt, cô này đã kiếm được hơn 40.000 bảng Anh (gần 1,3 tỷ đồng) từ việc bán mỹ phẩm giả.  Với 4 tài khoản riêng biệt trên trang eBay.com, Leanne đã quảng cáo các sản phẩm của mình là hàng “độc”, đồ hiệu chính hãng với giá chỉ bằng một nửa giá sản phẩm bán tại các trung tâm thương mại. Tuy nhiên, giá trị thật của hàng loạt đồ nhái này chỉ bằng 1/10 hoặc 1/20 số tiền người mua phải trả.

Khi khách hàng kêu ca về chất lượng sản phẩm, Leanne vẫn quả quyết sản phẩm của mình là hàng hiệu đích thực. Sau khi nhận được nhiều đơn khiếu nại từ người tiêu dùng, Ủy ban tiêu chuẩn Thương mại Anh Quốc đã vào cuộc điều tra.

Kiểm định mỹ phẩm Benefit nhái chứa độc tố cao
Kiểm định mỹ phẩm Benefit nhái chứa độc tố cao

Các cuộc kiểm nghiệm cho thấy hàng trăm sản phẩm làm đẹp đang được Leanne cất giữ trong nhà riêng đều là mỹ phẩm giả mạo và rất độc hại. Lượng chì có trong các sản phẩm này cao gấp 3 lần so với tiêu chuẩn chất lượng mỹ phẩm của Anh Quốc. Một cây chuốt mi Max Factor “nhái” chứa 68mg chì, trong khi tiêu chuẩn mỹ phẩm chỉ là 20mg. Chất này có thể gây tổn thương não, ăn da và gây nhiều biến chứng khác.

Công tố viên Lee Reynolds cho biết, Leanne Wertheim vẫn một mực chối tội và cố chứng minh mình hoàn toàn ngây thơ bởi không thể phân biệt hàng giả hàng thật khi kinh doanh mỹ phẩm. Tuy nhiên, cô này vẫn phải nhận án phạt 8 tháng tù treo, 160 giờ lao động công ích và nộp phạt 2.000 bảng Anh (65 triệu đồng).

Số mỹ phẩm giả được Leanne Wertheim tích trữ tại gia sẽ bị hủy hoàn toàn. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng được eBay hoàn trả số tiền nhất định thông qua chương trình bảo vệ người tiêu dùng của eBay. Đại diện eBay cho biết, eBay không cho phép bán hàng giả, hàng nhái nhưng theo Phòng thương mại Mỹ, 64% hàng điện tử giả, nhái lại được bán trong các shop và cửa hàng bán lẻ hợp pháp; và thậm chí được bán nhiều trên eBay.

Theo điều tra mới đây của Cục hải quan và bảo vệ biên giới Mỹ, lượng hàng giả, hàng nhái bị thu giữ trong giai đoạn 2002-2012 tăng 325% so với thập kỷ trước. Các loại dược phẩm nhái trong năm 2011 tăng tới 200%. Therese Randazzo - Giám đốc Trung tâm Sở hữu trí tuệ của Cục Hải quan và bảo vệ biên giới, nhận định: “Do nhu cầu sử dụng những sản phẩm này cao và các loại hàng giả hàng nhái dễ dàng được bán qua mạng, trường hợp bị lừa khi mua sắm trực tuyến, người tiêu dùng rất khó nhận được bồi thường.”

So với hàng thời trang như quần áo, giày dép nhái thì các loại mỹ phẩm giả như kem đánh răng, dầu gội đầu, nước hoa, đồ trang điểm... độc hại và nguy hiểm hơn gấp trăm lần vì chúng chứa các hóa chất kịch độc. Các loại kem đánh răng giả còn là môi trường tốt để vi khuẩn sinh sôi nảy nở.

Anh Trịnh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang