Lào Cai phát hiện lượng lớn thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng

author 16:32 02/10/2023

(VietQ.vn) - Theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường tỉnh Lào Cai, chỉ tính trong vài ngày cuối tháng 9/2023 lực lượng chức năng tỉnh Lào Cai liên tiếp phát hiện nhiều vụ vận chuyển, buôn bán thực phẩm bẩn với số lượng lớn.

Mới nhất, ngày 26/9/2023, Đội QLTT số 1 phân phối với Công an thành phố Lào Cai phát hiện, khám phá lô hàng đông lạnh đóng hộp trong hộp catton và thùng nhẹ đang tập kết tại địa điểm tổ 14, đường Mường Than, phường Kim Tân, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai có dấu hiệu là hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Kết quả kiểm tra, khám lô hàng gồm 120 kg trễ lợn đông lạnh đựng trong túi zip bằng ni lon (loại 02 kg/túi), đóng trong 06 thùng xốp; 150 kg xúc xích đông lạnh đựng bao bì bằng ni lon (loại 01kg/gói), đóng trong 15 thùng xốp, trên sản phẩm có in chữ nước ngoài; và 3.600 cánh vịt ăn liền đựng trong gói bao bì bằng nilon (loại 01 cái/gói), đóng trong 15 hộp cát tông, trên sản phẩm có in chữ nước ngoài. Các sản phẩm đông lạnh có dấu hiệu tan đá chảy nước, bốc mùi. Nhãn và bao bì ghi chữ nước ngoài, không thể hiện xuất xứ của hàng hóa. Ước tính trị giá toàn bộ lô hàng 49.500.000 đồng.

Tiếp đến, ngày 27/9/2023, Đội QLTT số 1 - Cục QLTT tỉnh Lào Cai phối hợp với Công an tỉnh Lào Cai phát hiện, khám lô hàng đóng trong 04 bao tải dứa màu xanh, có dấu hiệu là hàng không rõ nguốn xuất xứ, đang tập kết tại tổ 3, phường Duyên Hải, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai. Kết quả kiểm tra, khám lô hàng gồm 5100 cái cánh vịt ăn liền, đóng gói bao bì bằng nilon loại 01 cái/1gói (đựng trong túi nilon loại 30 gói/túi), chứa trong 04 bao tải dứa màu xanh, trên sản phẩm có in chữ nước ngoài, xuất xứ không thể hiện. Ước tính trị giá lô hàng là 25.500.000 đồng.

Ngày 28/9/2023, Đội Quản lý thị trường số 1 thuộc Cục QLTT  tỉnh Lào Cai phối hợp với Công an tỉnh Lào Cai phát hiện, khám lô hàng đóng trong 05 bao tải dứa, có dấu hiệu là hàng không rõ nguốn xuất xứ, đang tập kết tại tổ 5, đường Vũ Trọng Phụng, phường Duyên Hải, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai.

Kết quả kiểm tra, khám lô hàng gồm 250 kg xúc xích động lạnh, đóng trong gói bao bì bằng nilon (loại 01 kg/1gói), đựng trong 05 bao tải dứa, trên bao bì sản phẩm có in chữ nước ngoài, xuất xứ không thể hiện. Toàn bộ lô hàng ước tính trị giá 22.500.000 đồng. Tại thời điểm khám chủ sở hữu lô hàng là ông Nguyễn Văn Canh, sinh năm 1970 thường trú tại tổ 11, phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai là chủ sở hữu lô hàng hóa nêu trên không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp của lô hàng theo quy định; không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất, hoặc xuất xứ của hàng hóa.

Trước đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh Lào Cai đã trình Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai ban hành hai quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 2293/QĐ-XPHC ngày 20/9/2023 và số 2342/QĐ-XPHC ngày 27/9/2023 xử phạt 02 cá nhân vi phạm hàng chính về kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ: Ông Đinh Hoàng Huy, sinh năm 2002, ở xóm Phong Tình, xã Gia Phong, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình với số tiền xử phạt vi phạm hành chính lên đến 90 triệu đồng và ông Nhâm Tuấn Thành, sinh năm 1998, nơi ở tại tổ 36, phường Kim Tân, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai với số tiền xử phạt vi phạm hành chính lên đến 70 triệu đồng. Ngoài số tiền bị xử phạt hành chính, các ông Đinh Hoàng Huy và ông Nhâm Tuấn Thành phải khắc phục hậu quả buộc tiêu hủy toàn bộ tang vật vi phạm phạm gây hại cho sức khỏe con người.

Lào Cai liên tiếp phát hiện lượng lớn thực phẩm bẩn trên địa bàn. Ảnh; Cục QLTT Lào Cai

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, thực phẩm bẩn là tên gọi chung chỉ những thực phẩm chứa các chất gây hại cho sức khỏe người dùng. Chúng thường là những chất hóa học và thuốc kháng sinh vượt quá mức an toàn mà Bộ Y tế cho phép trong quá trình nuôi trồng hiện nay.

Ngoài ra, thực phẩm bẩn còn có thể chứa những hợp chất gây hại từ việc xâm nhập và phát triển của vi khuẩn, nấm mốc, thậm chí là vi rút trong quá trình sơ chế, chế biến và bảo quản thực phẩm không đúng cách. Tùy theo mức độ tiêu thụ và cơ địa mỗi người, các dấu hiệu bị ngộ độc thực phẩm cũng được thể hiện ở mức độ khác nhau.

Chẳng hạn, chúng có thể gây ra các triệu chứng nhẹ như tiêu chảy, đau bụng và buồn nôn, nặng hơn nữa là khó thở, tim đập nhanh bất thường, ngất xỉu và thậm chí tử vong. Đôi khi, những chất độc này còn có xu hướng tích tụ lâu dần trong cơ thể, gây ra tình trạng vô sinh, dị tật ở thai nhi, khiến trẻ chậm lớn,… các bệnh mãn tính và nhất là ung thư.

Bệnh ung thư rất phổ biến ở Việt Nam, trong đó có nguyên nhân là do thực phẩm bẩn chứa những hợp chất gây hại từ việc dùng thuốc chống ôi thiu (được sử dụng cho các loại thịt), thuốc trừ sâu (diệt cỏ) và thuốc nhuộm màu trong quá trình bảo quản, sơ chế thực phẩm.

Cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong việc truy xuất nguồn gốc và các thông tin cơ bản về thực phẩm

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, những loại thực phẩm này có thể không gây nguy hại ngay cho người tiêu dùng nhưng chẳng khác nào đem tiền mua bệnh mà không biết.

Vì vậy, trong trường hợp này, người tiêu dùng cần được pháp luật bảo vệ theo hướng tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, kém chất lượng phải có trách nhiệm bồi thường cho người tiêu dùng.

Như vậy, việc đưa thực phẩm bẩn ra thị trường để tiêu thụ có nguyên nhân lớn từ những người sản xuất, kinh doanh vì chạy theo lợi nhuận mà bất chấp hậu quả. Do đó, cần có chế tài xử phạt một cách nghiêm khắc đối với hành vi này để đủ sức răn đe, không để tái diễn, có thể thu hồi giấy phép, cấm hoạt động vĩnh viễn cơ sở sản xuất, kinh doanh, thậm chí xử lý hình sự với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng.

“Cơ quan chức năng cần nghiên cứu sử dụng một phần giá trị kinh tế từ xử phạt vi phạm trong lĩnh vực thực phẩm để hỗ trợ cho các nạn nhân, giảm bớt tổn hại gây ra cho người tiêu dùng” – ông Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất.

Khuyến nghị về giải pháp ngăn chặn thực bẩn, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng: Cần nhìn nhận trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm tra, giám sát nguồn gốc thực phẩm và quy trình sản xuất trước khi đưa sản phẩm ra thị trường để từ đó có giải pháp quản lý chặt chẽ hơn.

Đặc biệt, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong việc truy xuất nguồn gốc và các thông tin cơ bản về sản phẩm. Bên cạnh đó, hình thành thói quen mua sắm, tiêu dùng thông minh để thực phẩm bẩn, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng không còn cơ hội tồn tại.

Đi đôi với việc tuyên truyền về tác hại của thực phẩm Thương cũng cần cung cấp thông tin chính xác, đáp ứng kịp thời người tiêu dùng để người dân tự biết bảo vệ mình; Lựa chọn các sản phẩm phù hợp và cảnh báo cho cộng đồng biết về những nguy cơ, hành vi sản xuất, kinh doanh gian dối, phi đạo đức.

Người tiêu dùng khi mua thực phẩm nên chọn những mặt hàng có nguồn gốc rõ ràng, có bằng chứng bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không ham rẻ mà dễ bị mua phải những sản phẩm Seng trà trộn, có nguy cơ gây hại cho bản thân và gia đình.

  An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang