Lắp đặt camera quét mã QR và wifi tại các chốt kiểm soát ra vào thành phố Hà Nội

author 16:16 14/09/2021

(VietQ.vn) - Công an TP. Hà Nội phối hợp cùng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) lắp đặt các trang thiết bị nhằm tạo điều kiện thuận tiện cho công tác tra cứu, truyền tải dữ liệu về các cấp quản lý.

Cụ thể, Công an TP. Hà Nội cho biết, việc lắp đặt hệ thống camera nhằm phục vụ việc quét mã QR sẽ mang lại những ưu việt như hạn chế cán bộ, chiến sĩ tiếp xúc gần với các lái xe, tránh hiện tượng lây nhiễm cộng đồng. Các chốt lắp đặt hệ thống camera quét mã QR thông qua webcam cũng giúp cải thiện tốc độ quét so với quét qua camera của điện thoại như hiện nay. 

Thiếu tá Đào Việt Long, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an TP.Hà Nội) cho biết, hệ thống camera quét mã QR được hỗ trợ hoàn toàn trên nền tảng ứng dụng của Bộ Công an tại trang kiemdich.dancuquocgia.gov.vn nên không cần cấu hình, cài đặt đơn giản và thời gian quét rất nhanh, trong khoảng từ 2 đến 5 giây. Sau khi quét, hệ thống của Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội sẽ tự động kiểm tra lại thông tin, giấy tờ của công dân nhanh chóng; kịp thời xác định nhân thân người lưu thông; ngăn chặn kịp thời F0 vi phạm quy định về giãn cách xã hội.

 Hệ thống camera quét mã QR code được lắp đặt tại chốt kiểm soát Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ảnh: Báo Dân sinh

Theo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, cách thức tổ chức hoạt động của camera trong việc quét mã QR giúp tăng tốc độ xử lý tự động của hệ thống kiểm soát di chuyển, tránh ùn tắc tại chốt kiểm soát dịch bệnh. 

Theo dòng sự kiện, TP.Hà Nội ra quyết định hỗ trợ 500.000 đồng/lao động không có tạm trú.

Ngày 13/9, bà Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) TP Hà Nội cho hay, cơ quan này đã có văn bản đề nghị mặt trận cơ sở cấp quận, huyện, tổ chức chính trị - xã hội của thành phố rà soát lao động khó khăn để hỗ trợ.

Chính sách dành cho người lao động bị dừng việc, mất việc làm trong thời gian Hà Nội áp dụng Chỉ thị 16, tính từ ngày 23/7 đến hết giãn cách xã hội. Điều kiện là lao động khó khăn nhưng không đủ điều kiện nhận hỗ trợ gói 26.000 tỷ đồng hay các nhóm lao động đặc thù của thành phố, không phân biệt người có hộ khẩu hay chưa làm đăng ký tạm trú. Ngoài ra, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đang thuê trọ; người nước ngoài đang sinh sống, học tập, làm việc trên địa bàn Hà Nội gặp khó khăn, có nhu cầu cũng sẽ được hỗ trợ.

Các nhóm trên liên hệ tổ trưởng dân phố hoặc làm đơn theo mẫu trước ngày 15/9, có đóng dấu của Ủy ban MTTQ xã, phường. Cấp này tổng hợp rồi gửi lên Ủy ban MTTQ quận, huyện, thị xã xét duyệt để thành phố chuyển kinh phí về. Nguồn hỗ trợ trích từ Quỹ phòng chống Covid-19 của Hà Nội.

Bà Hương giải thích thêm, chính sách nhằm không để các nhóm lao động khó khăn bị lọt lưới an sinh, nhất là người không có tạm trú tạm vắng.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cũng đã có công văn đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã thống kê lao động, người dân ngoại tỉnh không có nơi cư trú trong thời gian giãn cách xã hội có nhu cầu về quê để Sở báo cáo thành phố trước ngày 15/9.

Tính đến 16 giờ ngày 13/9, TP. Hà Nội đã thực hiện chính sách an sinh xã hội của Trung ương, thành phố và các nguồn xã hội hóa cho 2.587.994 người lao động, hộ bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với kinh phí 1.024,868 tỷ đồng để giúp họ ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, Hà Nội có khoảng 106.000 lao động tự do ngoại tỉnh cư trú không cố định chưa được hưởng các chính sách hỗ trợ của Trung ương và Hà Nội.

Diệu Hương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang