Lắp đặt, sử dụng thiết bị bảo vệ quá tải theo 'chuẩn' nào?

author 14:31 29/10/2017

(VietQ.vn) - Để việc lắp đặt, vận hành các thiết bị bảo vệ quá tải được hiệu quả, an toàn, người tiêu dùng cần có hiểu biết kỹ càng về yêu cầu kỹ thuật, tiêu chuẩn đối với các thiết bị này.

Trên thị trường, theo khảo sát của PV Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn), các thiết bị bảo vệ quá tải, ngắn dòng được bày bán rộng rãi với nhiều mẫu mã, giá cả, chủng loại khác nhau. Những thiết bị này có ở hầu hết các cửa hàng chuyên kinh doanh đồ điện nước, điện dân dụng. Thiết bị bảo vệ quá tải, ngắn dòng có nhiều loại như cầu chì, aptomat, rơ le nhiệt... Do đó, mức giá của các sản phẩm này cũng khác nhau.

Đối với cầu dao tự động (aptomat), thị trường xuất hiện nhiều thương hiệu như Panasonic, Schneider, Mitsubish, Delixi… và một số sản phẩm sản xuất từ Việt Nam. Mức giá của loại thiết bị này khá đa dạng, có loại chỉ 40.000 đồng/chiếc, có loại lên tới cả triệu đồng tùy vào mục đích sử dụng, phù hợp với dòng điện làm việc lớn nhất của các thiết bị cần bảo vệ.

Các sản phẩm cầu chì dân dụng bán trên thị trường có giá dao động hiện khoảng 500 đồng/chiếc tới 10.000 đồng/chiếc tùy mục đích sử dụng. Còn rơ le nhiệt, tùy vào cường độ A (ampere) mà mức giá dao động từ 170 ngàn đồng/chiếc đến 4,5 triệu đồng/chiếc.

Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống điện của nhà ở và nhà công cộng (QCVN 12:2014/BXD) của Bộ Xây dựng, trong hệ thống điện nhà phải sử dụng thiết bị bảo vệ chống quá tải đáp ứng đồng thời hai điều kiện sau đây: IB ≤ In ≤ Iz (3) và I2 ≤ 1,45 x Iz (4). Trong đó, IB là dòng điện tính toán thiết kế mạch điện, tính bằng ampe (A); In là dòng điện danh định của thiết bị bảo vệ, tính bằng ampe (A).

Đối với thiết bị bảo vệ có thể chỉnh được thì dòng điện danh định In là dòng điện chỉnh định; IZ là dòng điện tải liên tục lâu dài cho phép của dây dẫn, tính bằng ampe (A); I2 là dòng điện tác động có hiệu quả trong thời gian quy ước của thiết bị bảo vệ, tính bằng ampe (A). Dòng I2 được quy định tại tiêu chuẩn sản phẩm hoặc do nhà chế tạo cung cấp.

Aptomat được lắp đặt phổ biến trong các gia đình để chống hiện tương quá tải dòng điện.

Cũng theo QCVN 12:2014/BXD, vị trí lắp đặt thiết bị bảo vệ chống quá tải ở chỗ có sự thay đổi (tiết diện dây dẫn, phương pháp lắp đặt, kết cấu) làm cho khả năng tải dòng điện cho phép của dây dẫn bị giảm đi, trừ các trường hợp quy định tại Điểm b của mục 2.6.3.2 và tại mục 2.6.4... Thiết bị bảo vệ chống quá tải có thể được lắp đặt trên phần dây dẫn giữa điểm có sự thay đổi với vị trí lắp đặt thiết bị bảo vệ...

Còn tại Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về Kỹ thuật điện do Bộ Công Thương xây dựng, Aptomat hoặc cầu chảy được sử dụng làm thiết bị bảo vệ trong các trường hợp thông thường. Trong trường hợp đặc biệt để bảo đảm yêu cầu về độ nhanh, độ nhạy hoặc độ chọn lọc, thì phải dùng các thiết bị rơ le bảo vệ (tác động gián tiếp).

Quy chuẩn nêu trên quy định, sử dụng aptomat hoặc cầu chảy bảo vệ cho lưới điện có trung tính cách ly, phải đặt aptomat hoặc cầu chảy ở trên tất cả các pha; Sử dụng aptomat hoặc cầu chảy bảo vệ lưới điện có trung tính nối đất 3 pha 4 dây hoặc 1 pha 3 dây, phải đặt aptomat hoặc cầu chảy ở trên tất cả các pha, không được lắp đặt trên dây trung tính. Trong trường hợp bắt buộc phải cắt cả dây trung tính thì bộ cắt của aptomat trên dây trung tính phải cắt đồng thời với các pha.

Aptomat bảo vệ lưới điện có trung tính cách ly 3 pha 3 dây hoặc 1 pha 2 dây hoặc lưới điện một chiều, phải đặt bộ cắt trên 2 pha đối với lưới điện 3 dây và trên 1 pha (cực) đối với lưới điện 2 dây. Lưu ý, trên cùng một lưới điện nên đặt bảo vệ trên các pha (cực) cùng tên. Đối với yêu cầu về hiển thị dòng điện danh định, trên mỗi thiết bị bảo vệ phải có nhãn riêng, yêu cầu ghi rõ trị số dòng điện danh định.

Thiết bị bảo vệ quá tải phải được trang bị cho lưới điện trong nhà bao gồm lưới điện chiếu sáng nhà ở, nhà công cộng, cửa hàng, nhà phục vụ công cộng của cơ sở công nghiệp, lưới điện của các thiết bị dùng điện xách tay hoặc di chuyển được (bàn là, ấm điện, bếp điện, tủ lạnh, máy hút bụi, máy giặt, máy may công nghiệp, v.v.) hoặc trong các gian sản xuất dễ cháy; Lưới điện động lực trong cơ sở công nghiệp, nhà ở, nhà công cộng, cửa hàng: Lưới điện ở các gian hoặc khu vực dễ nổ trong mọi trường hợp.

Vị trí đặt thiết bị bảo vệ theo Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về Kỹ thuật điện

Vị trí đặt thiết bị bảo vệ ở nơi thuận tiện cho vận hành, bảo dưỡng tránh bị hư hỏng do cơ học. Vị trí lắp đặt phải bảo đảm khi vận hành hoặc khi thao tác không gây nguy hiểm cho người và không gây hư hỏng các vật xung quanh. Phải đặt thiết bị bảo vệ tại các điểm sau:

- Điểm nối của đường nhánh vào thanh cái hoặc đường dây chính có tiết diện nhỏ hơn tiết diện của thanh cái hoặc đường dây chính;

- Điểm nối vào phần tử cần bảo vệ;

- Điểm cần thiết bảo đảm độ nhạy và tính chất chọn lọc. Dây dẫn này không đi ra ngoài phạm vi các máy hoặc tủ điện, nếu những dây dẫn này đi ra ngoài phạm vi các máy hoặc tủ điện nhưng được đặt trong ống hoặc có vỏ không cháy.

Phong Lâm

Thiết bị bảo vệ quá tải, quá dòng: Nhiều sản phẩm thiếu 'chuẩn' vẫn lưu thông(VietQ.vn) - Trên thị trường, nhiều thiết bị bảo vệ quá tải, ngắn mạch, quá dòng được bày bán với những mẫu mã, chủng loại phong phú.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang