Lật tẩy hàng loạt chiêu trò lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dùng

author 06:37 24/09/2021

(VietQ.vn) - Người dùng cần hết sức cẩn trọng trước các chiêu trò lừa đảo tinh vi như giả mạo nhân viên ngân hàng, giả mạo website ngân hàng, giả mạo tài khoản Zalo để chiếm đoạt tài sản.

Mạo danh nhân viên ngân hàng để lừa đảo

Thời gian qua, hàng loạt các ngân hàng đã lên tiếng cảnh báo về việc một số đối tượng tạo dựng các trang web giả mạo, tài khoản zalo, facebook có hình ảnh logo ngân hàng, hình ảnh phòng giao dịch, hội thảo tư vấn, ảnh cá nhân của nhân viên ngân hàng với mục đích gian lận, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng.

Các đối tượng này yêu cầu khách hàng thực hiện một số nội dung như: Liên hệ với khách hàng, giới thiệu các gói vay hay tiền gửi hấp dẫn hoặc các chương trình khuyến mãi/chính sách ưu đãi. Sau đó, đối tượng yêu cầu khách hàng cần nộp trước một khoản phí để được hưởng ưu đãi hoặc để được hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ tín dụng.

Hoặc đối tượng đề nghị khách hàng inbox facebook cá nhân để được hỗ trợ sau đó yêu cầu khách hàng nhập vào link lạ và/hoặc cung cấp user/mật khẩu/mã OTP của dịch vụ để lợi dụng thực hiện giao dịch trên tài khoản khách hàng.

Trước hiện tượng này, các ngân hàng đã phát đi những cảnh báo để đảm bảo an toàn tài sản cho khách hàng, tránh bị các đối tượng xấu lừa đảo. Cụ thể, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã đưa ra một số lưu ý với khách hàng như: BIDV không yêu cầu khách hàng nộp các khoản phí để được hưởng ưu đãi gói vay/tiền gửi, phí hoàn thiện hồ sơ tín dụng, không cho vay chỉ thông qua các bản chụp giấy tờ tùy thân, sổ hộ khẩu… gửi qua zalo, messenger.

Một tin nhắn giả mạo ngân hàng VPBank. Ảnh: VPBank

Khi có nhu cầu vay vốn hoặc tư vấn, hỗ trợ thông tin khác về các sản phẩm dịch vụ của BIDV, khách hàng liên hệ trực tiếp các phòng giao dịch/chi nhánh BIDV trên cả nước hoặc liên hệ tới tổng đài BIDV qua các kênh fanpage, website, hotline, email chính thức.

Hay như đối với Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), ngân hàng khuyến nghị khách hàng lưu ý tất cả các thông tin về các kênh thông tin chính thức của TPBank khi giao dịch với ngân hàng, cụ thể các kênh thông tin liên hệ với khách hàng của TPBank bao gồm số hotline: 024 37 683 683/ 024 7300 8668, các email có đuôi @tpb.com.vn, tin nhắn với đầu số Brandname “TPBank”, Website chính thức có đuôi tpb.vn được đánh dấu an toàn bằng hình ổ khóa bên cạnh, Fanpage TPBank (có dấu tích xanh xác thực).

Các ngân hàng cũng đưa ra cách xử trí khi khách hàng phát hiện dấu hiệu bất thường trong giao dịch với ngân hàng. Trường hợp nhận được các thông tin giả mạo ngân hàng hoặc nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, khách hàng liên hệ cần ngay tới Tổng đài chăm sóc hoặc các chi nhánh ngân hàng để được hỗ trợ. Khách hàng cũng nên phản ánh tin nhắn rác tới đầu số 5656 hoặc qua website do Cục An toàn thông tin quản lý theo khuyến nghị của Bộ thông tin và Truyền thông. Ngoài ra, nên thường xuyên theo dõi, cập nhật các cảnh báo về an toàn bảo mật trong thanh toán trực tuyến từ các đơn vị cung cấp dịch vụ trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Chiêu trò dùng zalo giả mạo để chiếm đoạt tài sản

Theo cảnh báo mới nhất từ Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), lợi dụng tình hình dịch bệnh khó khăn, kẻ gian đã thực hiện nhiều chiêu thức lừa đảo tinh vi thông qua các ứng dụng công nghệ, mạng xã hội nhằm chiếm đoạt tài sản của người dùng. Các chiêu thức lừa đảo không quá mới mẻ nhưng đánh vào lòng tin, sự khó khăn do dịch bệnh và thường xuyên biến hóa nên người dùng vẫn "sập bẫy".

VPBank cho biết kẻ gian thường lập tài khoản Zalo với tên và hình ảnh của người dùng (tạm gọi là A). Tinh vi hơn, kẻ gian còn đồng thời mở tài khoản trùng tên với A tại ngân hàng. Tiếp đó, kẻ gian kết bạn và nhắn tin cho bạn bè hoặc người thân trong danh sách bạn bè của A, trình bày khó khăn, hỏi vay tiền sau đó cung cấp số tài khoản giả mạo trùng tên với A để nhận tiền. Do tin tưởng vào thông tin, hình ảnh zalo và tài khoản giả mạo A, bạn bè hoặc người thân của A đã tin tưởng và chuyển khoản. Đến khi bị phát hiện, kẻ gian lập tức chặn, xóa hoặc đổi tên tài khoản.

Hình thức lừa đảo qua Zalo. Ảnh: VP Bank

Thậm chí trong một số trường hợp, kẻ gian còn gọi điện thoại cho "chính chủ" (người bị giả mạo Zalo) để ghi âm giọng nói của họ. Và khi nạn nhân gọi lại xác minh thì chúng sẽ bật lên khiến cho họ tin tưởng. Có trường hợp, kẻ gian còn kỳ công tạo clip từ hình ảnh của người bị giả mạo Zalo, rồi sử dụng để “chat” online với nạn nhân khiến họ sập bẫy...

Điển hình như tại thị xã Kinh Môn (Hải Dương) mới đây đã xảy ra sự việc cô giáo chủ nhiệm lớp 1 tại một trường tiểu học đã bị đối tượng giả mạo Zalo nhắn tin với các phụ huynh trong lớp yêu cầu chuyển khoản nộp tiền học cho học sinh. Đến thời điểm sự việc bị phát hiện, đã có 6 phụ huynh gửi vào tài khoản của đối tượng giả mạo số tiền 25,8 triệu đồng.

Do đó, người dùng cần cảnh giác với các yêu cầu chuyển tiền hoặc thanh toán qua các ứng dụng, mạng xã hội; cần xác thực thông tin bạn bè hoặc người thân (qua điện thoại hoặc trực tiếp) trước khi thực hiện chuyển tiền, thanh toán.

Các ngân hàng khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, giấy tờ tùy thân, thông tin tài khoản ngân hàng cho bất cứ ai, kể cả người tự xưng là công an, cán bộ Tòa án, Bộ Y tế,...; đồng thời không chia sẻ các thông tin này lên mạng xã hội. Khi có bất kỳ nghi vấn liên quan đến hành vi lừa đảo giao dịch, người dùng cần liên hệ ngay với cơ quan Công an nơi gần nhất và thông báo cho ngân hàng.

Về chế tài xử lý những đối tượng có hành vi giả mạo người khác nhằm mục đích lừa đảo, xâm phạm danh dự uy tín cá nhân, Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 quy định cụ thể như sau:

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Phong Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang