Bác sĩ cảnh báo liên tiếp các vụ nổ bóng bay bơm khí hydro gây chấn thương nghiêm trọng

author 07:09 14/04/2024

(VietQ.vn) - Những chùm bóng bay bơm khí hydro nhiều màu sắc là món đồ chơi yêu thích của trẻ em, tuy nhiên, sản phẩm này tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ.

Mới đây, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc tiếp nhận 4 trường hợp bị bỏng do bóng bay bơm khí hydro phát nổ, gây chấn thương nặng vùng mặt, cổ, cánh tay... Được biết, trong khi gỡ rối chùm bóng bay, chị B. dùng bật lửa để đốt sợi dây của chùm bóng bay khiến bóng phát nổ, gây thương tích cho 4 người, trong đó có 3 trẻ em.

Bác sĩ Đỗ Đình Lượng, Phó trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: "4 trường hợp nhập viện trong tình trạng bỏng gây tổn thương nặng vùng mặt, cổ, cánh tay, trong đó có 1 cháu bé bị bỏng nặng vùng mặt. Sau hơn 1 ngày điều trị tại bệnh viện, cháu bé đã được chuyển tới Bệnh viện Bỏng Quốc gia để điều trị tích cực".

Theo các bác sĩ, đây không phải trường hợp hiếm gặp, trước đó, trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng xảy ra một số vụ nổ bóng bay bơm khí hydro gây bỏng nặng. Điển hình như trường hợp một cô gái do va chạm đã khiến hàng chục quả bóng bay chứa khí hydro phát nổ trong buổi tiệc nhân ngày Lễ tình nhân (Valentine) dẫn đến bị bỏng nặng ở phần mặt và 2 cánh tay, tóc bị cháy, phải điều trị dài ngày tại bệnh viện.

Bóng bay chứa khí hydro tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. (Ảnh: Báo Vĩnh Phúc)

Một vụ việc khác xảy ra tại khu vực ngã tư Cửa Đông, thành phố Hà Nội, khi cháu bé ngồi trên ghế phụ xe ô tô nghịch quả bóng bay loại to bơm khí hydro dẫn đến phát nổ, làm vỡ kính xe và cháy một phần tóc của cháu. Được biết, trước thời điểm quả bóng bay nổ, một bên kính xe đã được hé mở, nếu không vụ nổ có thể gây nguy hiểm hơn gấp nhiều lần.

Tiếp đến, một vụ nổ bóng bay xảy ra tại lễ khai giảng trường Tiểu học Yên Phú, huyện Yên Định, Thanh Hóa khiến 10 trẻ bị bỏng. Nguyên nhân là do một thầy giáo hút thuốc lá, lửa từ điếu thuốc châm vào bóng bay có bơm khí hydro, phát nổ.

Bác sĩ Nguyễn Thái Ngọc Minh, Khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác cho biết, hiện nay, bóng bay bơm khí hydro được bày bán ở nhiều nơi như cổng trường học, các điểm vui chơi, giải trí, đền, chùa… hoặc dùng để trang trí các sự kiện, lễ hội, nhưng ít ai biết rằng chúng có thể phát nổ bất cứ lúc nào.

Khí hydro là loại khí dễ cháy nổ, chỉ cần tiếp xúc gần nguồn lửa như tàn thuốc lá, tro đốt vàng mã, nến đang cháy sẽ phát nổ và lan tỏa nhiệt rất mạnh. Bên cạnh đó, bóng bay bơm khí hydro thường được cầm ở khoảng cách rất gần với tay và mặt, vì vậy, khi nổ sẽ rất nguy hiểm, có thể gây cháy tóc, bỏng vùng mặt, cổ, tay, tổn thương mắt…

Theo chuyên gia hóa học, các loại bóng bay thường dùng 2 loại khí để bơm là hydro và heli. Khí heli là khí hiếm, điều chế rất khó và bán với giá thành cao; còn khí hydro có giá thành thấp, dễ sản xuất, nguyên liệu gồm vụn nhôm đồng nát, vôi, kiềm nén lại trong bình là có khí hydro. Do đó, hơn 90% các loại bóng bay bán trên thị trường đều bơm khí hydro.

Tuy nhiên, loại khí này khi ở gần nguồn lửa thì vô cùng nguy hiểm. Do vậy, khi cầm bóng bay bơm khí hydro mọi người cần tránh di chuyển đến nơi có sự thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột như tránh mang bóng bay từ ngoài trời vào trong phòng kín, không để bóng bay trong ô tô hoặc gần những nơi, vật phát nhiệt như bếp, nến, đèn, bật lửa. Thậm chí, các quả bóng cọ xát với nhau cũng có thể phát nổ.

Bóng bay chứa khí hydro khi nổ thường không gây bỏng sâu nhưng lại gây bỏng rộng vùng mặt, tay, cổ… ảnh hưởng đến thẩm mỹ, để lại di chứng. Cũng có những bệnh nhân cơ địa sẹo lồi, bỏng sâu gây sẹo lồi co dính. Việc biến đổi sắc tố da sau bỏng rất lâu bình phục, ảnh hưởng đến thẩm mỹ khá nặng nề. Người bệnh phải tránh nắng tuyệt đối, bôi thuốc, kem chống nắng khi đi ra đường trong khoảng thời gian rất dài.

Tương tự, bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn thông tin thêm, khí hydro hoặc heli đều giúp bóng bay được lên. Trong đó, heli không màu, không múi, không cháy ở nhiệt độ và áp suất bình thường. Còn hydro không màu, không mùi, trong suốt nhưng dễ cháy và nổ ngay cả ở điều kiện nhiệt độ và áp suất bình thường, được sử dụng làm bom. Do đó, nhiều nước phát triển đã cấm dùng hydro mà chỉ cho phép bơm heli.

Hiện, Việt Nam chưa ban hành lệnh cấm hydro. Ngoài ra, giá hydro chỉ bằng 1/4 so với heli, nên một số người bán bóng bay vẫn bơm hydro vào quả bóng để tiết kiệm kinh phí. Khi phát nổ, quả bóng bay chứa hydro có thể biến thành quả cầu lửa gây bỏng, chưa kể áp lực tạo ra từ tiếng nổ có sức công phá rất lớn. Nạn nhân có nguy cơ bị bỏng và tổn thương đụng dập mô mềm, mảnh bóng bay có thể xuyên qua cổ họng, làm mù mắt.

Bác sĩ khuyến cáo khi gặp trường hợp nổ bóng bay cần bình tĩnh, tránh hoảng hốt gây thêm cháy nổ. Khi bị bỏng, mọi người nên hạ nhiệt vết thương cho nạn nhân bằng nước sạch, mát (16-20 độ c), sau đó che phủ tạm thời và vận chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế. Tại cơ sở y tế, bệnh nhân có thể khám các triệu chứng bỏng đường hô hấp và bỏng kết giác mạc để được điều trị kịp thời, tránh để lại biến chứng. Trẻ em bị bỏng có nguy cơ sang chấn tâm lý, cần được gia đình và bác sĩ hỗ trợ điều trị thêm.

Bên cạnh đó, người lớn cần lưu ý khi cho trẻ chơi bóng. Trường hợp mua bóng bay để trang trí, bắt buộc phải hỏi người bán, đảm bảo bóng bay được bơm khí heli, "do không thể phân biệt được bằng mắt thường". Không cho trẻ chơi bóng bay bơm khí hydro ở trong nhà, nơi dễ tiếp xúc với các nguồn lửa để tránh cháy nổ, có thể nguy hiểm tính mạng.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang