Liên tiếp phát hiện, xử lý nhiều trường hợp vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử

author 07:12 16/06/2024

(VietQ.vn) - Thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ mang đến nhiều cơ hội cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển này là thách thức về chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Sự bùng nổ cùng những thách thức của TMĐT đối với vấn đề quản lý

Theo số liệu từ Bộ Công Thương, doanh thu B2C (doanh nghiệp với khách hàng cá nhân) trong lĩnh vực thương mại điện tử năm 2023 đã đạt mức 20,5 tỷ USD, với hơn 2,2 tỷ đơn vị sản phẩm được giao dịch thành công trên các sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, sự phát triển này cũng đi kèm với những vấn đề nổi cộm về chất lượng hàng hóa và dịch vụ, dẫn đến 1.567 đơn thư phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng trong năm 2023, trong đó 5,5% liên quan đến TMĐT.

Mới đây Đội Quản lý Thị trường số 1 thuộc Cục Quản lý thị trường Hà Tĩnh đã thực hiện nhiều biện pháp tăng cường kiểm tra để quản lý chất lượng sản phẩm. Trong 5 ngày liên tiếp, đội đã xử lý 4 vụ vi phạm liên quan đến TMĐT với tổng số tiền phạt lên đến 45,5 triệu đồng và tịch thu hàng hóa trị giá 21 triệu đồng. Các vi phạm chính bao gồm không thông báo website TMĐT bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước, kinh doanh hàng nhập lậu và hàng kém chất lượng.

Tăng cường kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa tại các cơ sở kinh doanh. Ảnh: Cục QLTT Hà Tĩnh

Điển hình là ngày 13 tháng 6 năm 2024, Đội Quản lý Thị trường số 1 đã kiểm tra một hộ kinh doanh trên mạng xã hội Tiktok, phát hiện 3.000 hộp đựng đồ gia dụng nhập lậu, không có hóa đơn chứng từ.

Hộ kinh doanh này bị phạt 8 triệu đồng và toàn bộ số hàng hóa bị tịch thu có trị giá 21 triệu đồng. Đây là minh chứng rõ ràng cho việc các nền tảng TMĐT đang trở thành kênh tiêu thụ hàng hóa kém chất lượng, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.

Hay tại Kon Tum, Cục Quản lý Thị trường tỉnh Kon Tum cũng tích cực kiểm tra các website TMĐT có dấu hiệu vi phạm từ ngày 01 đến ngày 10 tháng 6 năm 2024. Qua kiểm tra, đã phát hiện và xử lý 4 cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt 75 triệu đồng. Các vi phạm chính bao gồm không thông báo website TMĐT bán hàng và kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc.

Trước đó, từ các thông tin trên môi trường mạng, Tổ Thương mại điện tử của tỉnh Kon Tum đã rà soát và tham mưu kiểm tra 8 vụ việc khác, xử phạt tổng cộng 93 triệu đồng và tịch thu hàng hóa trị giá 152 triệu đồng. 

Biện pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Trước tình hình phức tạp về chất lượng sản phẩm trên các nền tảng TMĐT, Bộ Công Thương đã xây dựng và triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 và Nghị định 55/2024/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2024 của Chính phủ đã bổ sung các quy định mới nhằm bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử. Các quy định này yêu cầu các nền tảng TMĐT phải kiểm duyệt nội dung, minh bạch hoạt động quảng cáo, và bảo vệ các nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương.

Website thương mại điện tử bán hàng không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước trước khi bán hàng đến người tiêu dùng.

Các cơ quan chức năng đã đẩy mạnh hoạt động thanh tra, phát hiện và xử lý nhiều vụ việc liên quan đến hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng trên không gian mạng. Điều này nhằm kịp thời yêu cầu các sàn TMĐT điều chỉnh hoặc xóa bỏ các thông tin sai lệch có thể gây hại cho người tiêu dùng.

Để tăng cường công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong TMĐT, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thanh kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền và cảnh báo để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và cộng đồng doanh nghiệp về tầm quan trọng của chất lượng sản phẩm trong TMĐT. 

Duy Trinh (t/h)  

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang