Lơ là nghĩa vụ công bố thông tin trên thị trường chứng khoán nhiều công ty bị xử lý

author 07:31 27/11/2021

(VietQ.vn) - Một số doanh nghiệp đã bị xử phạt do lơ là nghĩa vụ công bố thông tin trên thị trường chứng khoán làm ảnh hưởng tới quyền lợi của nhà đầu tư.

Việc thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin trên thị trường chứng khoán dù đã có sự cải thiện, song vẫn còn một số doanh nghiệp chưa nghiêm túc chấp hành các quy định này, dẫn tới việc có thể ảnh hưởng tới quyền lợi của nhà đầu tư.

Cụ thể, theo thông tin trên báo Lao Động, Công ty Cổ phần (CTCP) ASA vừa bị Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) phạt tiền đến 100 triệu đồng vì không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật đối với hàng loạt các loại báo cáo tài chính (BCTC), báo cáo thường niên và giải trình chênh lệch kết quả hoạt động kinh doanh từ năm 2015 đến năm 2020.

Tương tự như vậy, CTCP CMISTONE Việt Nam bị phạt tiền 70 triệu đồng vì không công bố các báo cáo bao gồm: BCTC quý 4/2018; BCTC kiểm toán năm 2018; BCTC quý 1/2019; Báo cáo thường niên năm 2018; Báo cáo thường niên năm 2020 và công bố thông tin không đúng thời hạn về BCTC bán niên riêng và hợp nhất đã soát xét năm 2018, BCTC quý 2/2020 công ty mẹ và hợp nhất; Thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (ngày hiệu lực 21.02.2019)....

 Nhiều doanh nghiệp bị xử phạt do lơ là công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. Ảnh: Lao động

Trước đó, Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) cũng nhắc nhở đối với Công ty CP Tập đoàn Dầu khí Alpha (ASP) có nhiều thông tin chưa công bố theo quy định, gồm: báo cáo quản trị công ty bán niên năm 2020, giải trình lợi nhuận báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2020 (mẹ và hợp nhất), giải trình lợi nhuận báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2021.

Một khảo sát về hoạt động công bố thông tin trên thị trường chứng khoán năm 2021 (tương ứng với giai đoạn 1/5/2020 – 30/4/2021) do Vietstock, Hiệp hội VAFE và tạp chí điện tử FILI thực hiện trên hai sàn Hà Nội và TPHCM cũng cho thấy, mặc dù việc thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin của các doanh nghiệp niêm yết đã có sự cải thiện, song vẫn còn lượng lớn doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu. Theo đó, có tới 335/724 doanh nghiệp chưa đáp ứng được tất cả các tiêu chí khảo sát, tương ứng với tỷ lệ 46,27%; giảm 8,6 điểm phần trăm so với mức 54,87% của năm 2020.

Nếu như trong năm 2020, các vi phạm của doanh nghiệp tập trung vào các lỗi liên quan đến công bố thông tin báo cáo tài chính quý và bán niên, thì trong năm 2021, các lỗi này đã giảm đi đáng kể. Thay vào đó, các lỗi vi phạm nổi trội trong năm 2021 chủ yếu rơi nhiều vào lỗi công bố tài liệu hay nghị quyết đại hội đồng cổ đông thường niên (128 doanh nghiệp), lỗi công bố thông tin báo cáo quản trị (104 doanh nghiệp). Theo đó, số lượng doanh nghiệp bị nhắc nhở hay xử phạt vi phạm công bố thông tin là 88 doanh nghiệp.

Có thể thấy tình trạng bị xử phạt vì lơ là công bố thông tin trong thời gian gần đây khá phổ biến. Trước đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã có quyết định xử phạt đối với Tổng Công ty Rau quả, Nông sản và CTCP Sông Đà 9.06 (liên quan đến các vi phạm về công bố thông tin). Đơn cử như trường hợp của Sông Đà 9.06, Công ty đã không công bố BCTC năm 2020 đã được kiểm toán; Nghị quyết và Biên bản họp ĐHĐCĐ thường niên các năm 2021, 2020, 2019, 2018…; đồng thời công bố thông tin không đúng thời hạn đối với BCTC các năm 2019, 2018 đã được kiểm toán; Báo cáo thường niên các năm 2019, 2018. Với vi phạm tương tự nhau, mỗi công ty bị UBCKNN xử phạt hành chính 85 triệu đồng.

Theo giải trình của doanh nghiệp, nguyên nhân chậm trễ công bố thông tin có thể do nhân sự chuyên môn không chuyển thông tin kịp thời đến bộ phận công bố thông tin, nhân sự mới chưa nắm hết thủ tục, hoặc người công bố thông tin không nắm đầy đủ quy định về các loại thông tin cần phải công bố, hoặc là hiểu nhầm về quy định công bố thông tin. Đặc biệt thời gian qua do dịch CCOVID-19 nên có những doanh nghiệp tổ chức họp trực tuyến và chậm trễ trong việc chuyển phát tài liệu cho các bên liên quan ký tên dẫn đến việc công bố thông tin bị chậm trễ.

Nghị định 156/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán đã có chế tài phạt tiền từ 50 - 70 triệu đồng cho hành vi công bố thông tin không đúng hạn và phạt tiền tới 100 triệu đồng đối với hành vi không công bố thông tin theo quy định của pháp luật hoặc theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khi có sự kiện ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư…

Ngoài ra, theo quy chế niêm yết của Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM, cổ phiếu sẽ bị đưa vào diện cảnh báo trong các trường hợp tổ chức niêm yết chậm nộp báo cáo tài chính năm được kiểm toán hoặc báo cáo tài chính bán niên được soát xét quá mười lăm (15) ngày làm việc kể từ ngày hết hạn công bố thông tin theo quy định hiện hành; hoặc tổ chức niêm yết vi phạm quy định công bố thông tin từ 4 lần trở lên trong vòng một 1 năm.

Để được ra khỏi diện cảnh báo, tổ chức niêm yết phải không vi phạm quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán trong tối thiểu 6 tháng tiếp theo kể từ ngày ra quyết định cảnh báo. Trong trường hợp tổ chức niêm yết vẫn tiếp tục vi phạm về công bố thông tin, cổ phiếu sẽ bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, bị tạm ngừng giao dịch thậm chí có thể bị hủy niêm yết.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang