Xử phạt doanh nghiệp 205 triệu do kinh doanh sản phẩm vi phạm nhãn hiệu

author 16:18 16/11/2021

(VietQ.vn) - Công ty TNHH Thương mại Hồng Hà Long vừa bị xử phạt 205 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa là thanh nhôm giả nhãn hiệu XINGFA.

Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 205 triệu đồng đối với Công ty TNHH Thương mại Hồng Hà Long; Địa chỉ trụ sở chính: Chợ Sơn, xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh do bà Ngô Thị Hà là người đại diện theo pháp luật.

Hình thức xử phạt bổ sung: Buộc đình chỉ hoạt động kinh doanh có thời hạn đối với mặt hàng vi phạm, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm gồm 2094 kg thanh nhôm giả mạo nhãn hiệu XINGFA. Trị giá hàng hóa buộc tiêu huỷ là 188.460.000 đồng. 

 Buôn bán thanh nhôm giả, doanh nghiệp tại Vĩnh Phúc bị xử phạt 205 triệu đồng.

Trước đó, Đội Quản lý Thị trường số 5 - Cục Quản lý Thị trường Vĩnh Phúc phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế, Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh Vĩnh Phúc tiến hành kiểm tra đối với phương tiện vận tải là xe ô tô tải BKS: 99C-164.64 do ông Trịnh Quang Thức sinh năm 1983, địa chỉ phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh điều khiển.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên phương tiện vận chuyển 2.094kg thanh nhôm nhãn hiệu XINGFA. Toàn bộ số hàng hoá nêu trên thuộc sở hữu của Công ty TNHH Thương mại Hồng Hà Long. Đội QLTT số 5 đã tạm giữ toàn bộ hàng hóa nêu trên để giải quyết.

Sau khi phối hợp với đại diện chủ sở hữu nhãn hiệu XINGFA và làm việc với cơ quan chức năng để xác định hành vi vi phạm của doanh nghiệp, Đội Quản lý thị trường số 5 đã hoàn thiện và chuyển hồ sơ vụ việc đến Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc xem xét, trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Hành vi sản xuất, buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu bị xử lý như thế nào?

Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) quy định: Hàng hoá giả mạo nhãn hiệu là hàng hoá, bao bì có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý.

Hành vi sản xuất, buôn bán hàng hóa giả mạo về SHTT nêu trên có thể bị xử lý hành chính (điểm b khoản 1 Điều 211 Luật SHTT đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009) hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự (Điều 212 Luật SHTT).

Về xử lý hành chính, theo Điều 214 Luật SHTT (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009), tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nêu trên bị buộc phải chấm dứt hành vi xâm phạm và bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính: Cảnh cáo; Phạt tiền.

Tuỳ theo tính chất, mức độ xâm phạm, tổ chức, cá nhân xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ (i); Đình chỉ có thời hạn hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đã xảy ra vi phạm (ii).

Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị áp dụng một hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tiêu huỷ hoặc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ (i); Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam đối với hàng hoá quá cảnh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc buộc tái xuất đối với hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ, phương tiện, nguyên liệu, vật liệu nhập khẩu được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ sau khi đã loại bỏ các yếu tố vi phạm trên hàng hoá (ii).

Hướng dẫn chi tiết việc xử lý hành chính đối với hành vi này, tại Điều 12 Nghị định số 97/2010/NĐ-CP (ngày 21/09/2010, về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực SHCN).

Về xử lý hình sự, đối với cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố cấu thành tội phạm và yêu cầu của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý (người bị hại), thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 171 Bộ Luật Hình sự - Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, hình phạt tiền tới 1 tỉ đồng, phạt tù tới 3 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định đến 05 năm.

Bảo An(t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang