Lo ngại sau thi THPT Quốc gia: Trượt tốt nghiệp nhiều, đại học khó tuyển sinh?

author 06:09 04/07/2015

(VietQ.vn) - Học sinh trung bình lo trượt tốt nghiệp. Các trường tốp trên lo khó xét tuyển sau kỳ thi THPT Quốc gia 2015.

Sự kiện: Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH-CĐ 2016

Kỳ thi THPT Quốc gia 2015 sắp kết thúc nhưng đã giấy lên nhiều lo ngại.

TS Lê Anh Vinh, ĐH Quốc gia Hà Nội đặt câu hỏi, liệu những trường như ĐH Y Hà Nội sẽ xét tuyển như nào khi mà đề thi năm nay dễ hơn năm ngoái (năm ngoái trường này khó xét tuyển, do nhiều người cùng có điểm cao).

Nhiều lo ngại sau Kỳ thi THPT Quốc gia 2015
Nhiều lo ngại sau Kỳ thi THPT Quốc gia 2015

"Mình mới xem đề toán thì thấy các cháu THPT đã được "nhồi nhét" thêm cả khái niệm số phức, phần thực, phần ảo. Những thứ này, bọn mình hồi xưa chỉ được học trong toán cao cấp ở bậc Đại học chứ không hề được học ở bậc phổ thông. Mình không hiểu, cứ nhét thêm những kiến thức trên trời ấy vào các cháu cấp 3 để làm gì? Phổ thông phải đảm bảo những thứ thực tế, chứ đừng "ảo diệu" vậy" - một giảng viên ĐH Bách khoa Hà Nội nhận định.

TS Trần Nam Dũng, ĐH Quốc gia TP HCM nhận xét đề thi Toán: "Việc đóng khung hai câu phân loại vào 2 chủ đề phương trình, hệ phương trình và bất đẳng thức cực trị sẽ tạo ra hiện tượng học sinh trung bình hoặc khá sẽ chủ động bỏ phần này, còn học sinh giỏi thì chạy đua 'vũ trang' ở phần này (và thực tế xảy ra là dù có chạy đua nhưng nhiều em vẫn bí). Các kỹ năng, kỹ thuật vụn vặt để giải các bài toán khó này hầu như sẽ chẳng được dùng đến ở bậc học tiếp theo. Điều đó có nghĩa là học sinh chỉ dồn sức học cho duy nhất kỳ thi này mà thôi, xong sẽ bỏ hết. Quá lãng phí".

Tuy nhiên, TS Dũng vẫn đánh giá đề thi như vậy là tạm ổn.

"Đây là năm đầu tiên thí sinh chỉ chịu một kỳ thi thay vì hai như các năm. Đành rằng cái gánh trên vai phụ huynh và học sinh có giảm hơn. Nhưng, cơ sở lý luận nào để coi việc giảm một kỳ thi là cải cách; cơ sở lý luận nào để gộp kỳ thi tốt nghiệp phổ thông với kỳ thi tuyển sinh đại học?" - một phụ huynh ở TP HCM nhận xét.

Trong khi đó, nhiều phụ huynh gặp khó khăn khi tìm chỗ trọ cũng như di chuyển ở tỉnh khác, vì không thuận lợi như các thành phố lớn.

"Nhưng cái lo nhất là khâu xét tuyển bằng phần mềm như nào. Đây là lần đầu tiên, chưa được tập dượt. Nhiều trường trông chờ vào hệ thống mạng tuyển sinh của Viettel. Nhưng lỡ hệ thống này chưa tốt thì sao" - giảng viên một ĐH ở Hà Nội lo lắng.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến đánh giá, kỳ thi THPT Quốc gia năm nay khiến nhiều học sinh giảm số lần thi cử hơn trước, thi 1 lần mà có thể tuyển sinh nhiều trường...

Đại diện Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ này bắt buộc giáo viên chấm thi phải do giám đốc các sở GD-ĐT giới thiệu chứ không phải do các trường chỉ định. Giám đốc sở sẽ phải có cam kết và chịu trách nhiệm về vấn đề này. Vì vậy sẽ giảm chuyện chênh lệch chấm thi giữa các khu vực.

Từ 20/7, các trường sẽ đưa kết quả chấm thi THPT Quốc gia 2015 lên mạng.

Thu Hà

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang