Loạt cây xăng tiêu thụ 500.000 lít xăng giả 1 ngày: Xăng chuẩn được bán thế nào?

author 06:24 11/03/2021

(VietQ.vn) - Loạt cây xăng của công ty Vân Trúc ở Đồng Nai tiêu thụ 500.000 lít xăng giả 1 ngày. Người tiêu dùng nên nắm rõ các quy chuẩn, quy định về xăng đầu để tránh mua phải xăng kém chất lượng.

Triệt phá hệ thống cây xăng tiêu thụ lượng xăng giả lớn

Đến chiều tối 9/3, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã hoàn tất công tác khám xét hơn 10 địa điểm tại Bình Dương và TPHCM của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Vân Trúc. Trong đó có nhà riêng của vợ chồng giám đốc doanh nghiệp Vân Trúc là Lê Thanh Tú (55 tuổi) và Trần Thị Thanh Vân (52 tuổi) ở TP Thủ Đức.

Liên quan đến đường dây sản xuất 200 triệu lít xăng giả, ngày 9/3, cơ quan công an đã ra lệnh bắt tạm giam Lê Thanh Tú, Giám đốc Công ty Vân Trúc cùng vợ là Trần Thị Thanh Vân để điều tra về hành vi buôn lậu.

Qua điều tra, cảnh sát xác định vợ chồng Tú đã thu mua xăng nhập lậu, xăng giả của ông trùm đường dây 200 triệu lít xăng dầu giả mới bị bắt là Phan Thanh Hữu (64 tuổi, ở TP HCM) và Nguyễn Hữu Tứ (64 tuổi, quê Vĩnh Long) rồi bán ra thị trường.

Ngoài bán tại các cây xăng của Công ty Vân Trúc, vợ chồng Tú đã phân phối xăng nhập lậu, xăng giả cho các cây xăng tại các tỉnh phía Nam. Mỗi ngày, công ty này đã đưa ra thị trường tiêu thụ trên 500.000 lít xăng nhập lậu, xăng giả.

 Một cây xăng của công ty Vân Trúc ở Đồng Nai. Ảnh: Báo Lao động

Bước đầu, các đối tượng khai nhận sử dụng các tàu của Công ty Vân Trúc có tải trọng từ 400 - 1.000 tấn mua xăng nhập lậu, xăng giả rồi pha chế, mang đi tiêu thụ tại các cây xăng của công ty này; đồng thời phân phối cho những cây xăng khác ở các địa phương phía Nam như Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước và TP HCM.

Về cách thức điều chế xăng giả, theo báo Thanh Niên, đường dây xăng giả này sử dụng tàu biển có trọng tải lớn, di chuyển ra phao số 0 để nhập xăng vận chuyển từ Singapore, Thái Lan, Indonesia về. Sau đó dùng các loại dung môi, hóa chất pha chế thành xăng loại A95 kém chất lượng. Từ đây các tàu, sà lan tải trọng nhỏ có nhiệm vụ vận chuyển về các kho chứa đã được các đối tượng xây dựng dọc theo các tuyến đường sông lớn ở nhiều tỉnh, thành; cuối cùng cấp cho các xe bồn chở đến các cây xăng để tiêu thụ ra thị trường.

Trong bối cảnh đường dây pha chế xăng giả được phát hiện, theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, Bộ Công thương cho hay đang kiểm tra, hậu kiểm hoạt động kinh doanh xăng dầu. Dự kiến có 4-5 doanh nghiệp bị rút giấy phép trong tổng số hơn 10 doanh nghiệp hậu kiểm.

Thông tin trên báo này cho hay, trong khoảng 10 doanh nghiệp là những thương nhân đầu mối, phân phối nằm trong danh sách kiểm tra thì đều có "dấu hiệu", "hiện tượng" vi phạm pháp luật trong kinh doanh xăng dầu như không đảm bảo điều kiện kinh doanh xăng dầu theo nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu, buôn lậu, mua bán hóa đơn.

Thậm chí còn có trường hợp doanh nghiệp đầu mối xăng dầu buôn tài chính, sử dụng giấy phép đó để huy động vốn ngân hàng, quay vòng nhanh, không thực hiện đúng chức năng kinh doanh xăng dầu.

Trước đó, để ngăn chặn tình trạng vận chuyển tiêu thụ xăng giả, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các cục chuyên ngành và các Sở Giao thông Vận tải tăng cường quản lý chất lượng mặt hàng xăng dầu.

Người đứng đầu ngành Giao thông chỉ đạo, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép xăng dầu thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các đơn vị trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo các lực lượng chức năng xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về vận chuyển hàng lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Các cơ quan liên quan phải xử lý nghiêm hành vi chiếm đoạt xăng dầu, pha tạp chất không đúng quy chuẩn vào bồn, téc chứa xăng dầu trên đường vận chuyển, hành vi sang mạn, chuyển tải xăng dầu trái quy định đặc biệt là người đứng đầu để xảy ra buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thuộc lĩnh vực phụ trách.

Nắm rõ các Thông tư, quy định, quy chuẩn về xăng dầu để tránh mua phải xăng giả

Trước tình trạng kinh doanh xăng dầu giả diễn biến phức tạp, để tránh mua phải xăng dầu kém chất lượng, người tiêu dùng nên tìm hiểu thêm về các thông tư, quy chuẩn kỹ thuật về mặt hàng xăng dầu. 

Ngày 25/8/2015, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 15/2015/TT-BKHCN quy định về quản lý đo lường chất lượng trong kinh doanh xăng dầu (sau đây viết tắt là Thông tư 15).

Ngay sau đó, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cũng đã ban hành văn bản số 562/TĐC-HCHQ hướng dẫn thực hiện Thông tư số 15/2015/TT-BKHCN về quản lý đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu. Trong đó, có hướng dẫn cụ thể về việc xây dựng, áp dụng và duy trì HTQLCL theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001 hoặc ISO/TS 29001 tại các tổ chức có mô hình đơn giản (lãnh đạo và trực tiếp bán lẻ xăng dầu).

Theo đó, việc xây dựng, áp dụng và duy trì các quy trình/ quy chế, thủ tục, tài liệu gồm các nội dung như: Chính sách chất lượng dạng văn bản thể hiện cam kết cung cấp cho khách hàng xăng dầu có đầy đủ số lượng và chất lượng phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tiêu chuẩn công bố áp dụng; Quản lý mẫu (lấy mẫu, niêm phong mẫu, bàn giao mẫu và lưu mẫu xăng dầu phục vụ việc đối chứng khi có tranh chấp về chất lượng) và thực hiện quy chế kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về chất lượng, đo lường trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Cũng theo quy định tại Thông tư 15/2015/TT-BKHCN thì từ 1/7/2018, cột đo xăng dầu phải có thiết bị in chứng từ bán hàng để cung cấp cho khách hàng. Chỉ có các cột đo xăng dầu sản xuất, nhập khẩu có thiết bị in chứng từ đã được phê duyệt mẫu và kiểm định mới được đưa vào sử dụng trong mua bán xăng dầu.

Ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành QCVN 1:2015/BKHCN - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xăng, nhiên liệu Điêzen và nhiên liệu sinh học.

Theo Quy chuẩn kỹ thuật này quy định mức giới hạn đối với các chỉ tiêu kỹ thuật liên quan đến an toàn, sức khỏe, môi trường và các yêu cầu về quản lý chất lượng đối với các loại xăng, nhiên liệu điêzen và nhiên liệu sinh học, bao gồm:

Xăng không chì, xăng E5, xăng E10: Nhiên liệu điêzen, nhiên liệu điêzen B5; Nhiên liệu sinh học gốc: Etanol nhiên liệu và nhiên liệu điêzen sinh học gốc B100.

Quy chuẩn kỹ thuật này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến việc nhập khẩu, sản xuất, pha chế, phân phối và bán lẻ các loại xăng, nhiên liệu điêzen và nhiên liệu sinh học tại Việt Nam.

Thu Hà (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang