Loạt thực phẩm không dành cho bà bầu nên biết để tránh

authorNgọc Nga 14:26 24/02/2021

(VietQ.vn) - Để thai nhi phát triển tốt bà bầu cần phải bổ sung rất nhiều dưỡng chất cho cơ thể. Tuy nhiên có nhiều loại thực phẩm tiềm ẩn thủy ngân cao cần hạn chế.

Một chế độ dinh dưỡng cân bằng, khoa học trong thời gian mang thai sẽ đóng vai trò quan trọng, quyết định cho sức khỏe của bà mẹ và thai nhi. Đặc biệt trong thai kỳ có một số loại thực phẩm mẹ bầu cần kiêng ăn để đảm bảo an toàn cho cả hai mẹ con.

Đồ ăn quá mặn gây tăng huyết áp

Bác sĩ Nguyễn Thị Tường Thái, khoa Dinh dưỡng tiết chế, Bệnh viện Thủ Đức thông tin trên báo VnEpress, theo các nghiên cứu y học, tỷ lệ tăng huyết áp có liên quan đến lượng muối ăn hằng ngày, lượng muối ăn càng nhiều, tỷ lệ tăng huyết áp càng cao. Trong khi đó, tăng huyết áp ở phụ nữ mang thai là một trong các yếu tố nguy cơ nhiễm độc thai nghén (bao gồm phù, tăng huyết áp và albumin niệu…). Vì vậy, để giữ sức khỏe thời kỳ mang thai, các chuyên gia khuyên lượng muối ăn mỗi ngày chỉ nên khoảng 6g.

Thức ăn nhiều dầu, mỡ nguy cơ ung thư sinh dục

Nhiều nghiên cứu y học cho thấy, ung thư vú và ung thư cổ tử cung đều có khuynh hướng di truyền trong gia đình. Nếu phụ nữ mang thai ăn nhiều mỡ trong thời gian dài, con cái sau này sẽ có nhiều nguy cơ ung thư sinh dục.

Các nhà y học đã từng chỉ ra rằng, bản thân mỡ không gây ra ung thư, nhưng nếu ăn nhiều thức ăn có lượng mỡ cao sẽ tăng khả năng tổng hợp kích thích tuyến vú, ảnh hưởng tới sức khỏe của bà mẹ và thai nhi.

Ăn nhiều thực phẩm nhiều dầu mỡ tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho thai nhi mẹ bầu nên hạn chế. Ảnh minh họa

Thực phẩm nhiều chất chua có thể ảnh hưởng tới sinh trưởng, phát triển bình thường của bào thai

Phụ nữ mang thai thời kỳ đầu thường nghén, chán ăn, buồn nôn và nhiều người thích ăn của chua. Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học Liên bang Đức phát hiện, thời kỳ đầu thai nghén nếu cơ thể người mẹ hấp thụ chất chua (axit) và các chất có vị chua khác dễ bị tích lũy trong tổ chức bào thai, ảnh hưởng đến việc sinh trưởng, phát triển và sinh sản bình thường của tế bào thai nhi, đồng thời dẫn đến đột biến gen, thai dễ dị dạng. Vì thế, phụ nữ mang thai trong 2 tuần đầu không nên ăn và uống nhiều đồ chua.

Thực phẩm để lâu dễ gây nhiễm độc tố

Phụ nữ mang thai ăn các loại thực phẩm để lâu, bị nhiễm độc hoặc có độc tố, không chỉ bị nhiễm độc cấp tính hoặc mãn tính, thậm chí còn hại đến thai nhi. Trong 2 – 3 tháng đầu mang thai, phôi thai đang phát triển, tế bào phôi đang trong giai đoạn phân hóa, lúc này nếu độc tố xâm hại, khiến nhiễm sắc thể bị phá vỡ hoặc biến dạng, có khi ngừng phát triển và dẫn đến tình trạng thai nhi bị quái thai, dị tật bẩm sinh, còn nguy hiểm hơn sẽ khiến thai bị chết.

Mặt khác, trong thời kỳ thai nghén, chức năng của các cơ quan trong cơ thể chưa hoàn thiện. Đặc biệt là chức năng của gan, thận đều rất yếu, các chất độc gây nhiễm độc cho thai nhi và ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.

Những tác hại của đậu nành với cơ thể nếu dùng sai cách(VietQ.vn) - Đậu nành là thực phẩm tốt cho sức khỏe vì giàu protein, chất xơ, chất béo... tuy nhiên nếu lạm dụng quá nhiều sẽ không tốt cho sức khỏe về lâu dài.

Cá có hàm lượng thủy ngân cao

Thủy ngân là chất rất độc, ảnh hưởng hệ thần kinh, hệ miễn dịch và thận. Thủy ngân có thể tìm thấy ở một số vùng biển bị ô nhiễm. Các loài cá biển lớn có thể tích lũy hàm lượng thủy ngân cao.

Do đó, phụ nữ mang thai nên hạn chế ăn cá có thể chứa hàm lượng thủy ngân cao như cá mập, cá kiếm, cá ngừ và cá thu. Các loại cá này không nên ăn quá 1-2 lần mỗi tháng. Mặc dù vậy, không phải tất cả các loại cá đều có hàm lượng thủy ngân cao. Các loại cá béo có nhiều axit béo omega-3, rất có lợi cho sự phát triển của thai nhi.

Hải sản, thịt, trứng sống dễ nhiễm khuẩn

Ăn trứng chần, trứng sống, thịt sống, cá sống hoặc các loài có vỏ như nghêu, hàu, sò, tôm, cua... sống (gỏi, sushi...), chưa nấu chín, có thể gây một số bệnh nhiễm trùng. Các bệnh này do virus, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng, như toxoplasma, E.coli, norovirus, vibrio, salmonella và listeria.

Các bệnh nhiễm trùng đa số ảnh hưởng đến người mẹ, một số trường hợp truyền sang thai nhi với hậu quả nghiêm trọng, thậm chí chết thai. Phụ nữ mang thai nguy cơ bị nhiễm khuẩn Listeria cao gấp 20 lần so với những người khác. Listeria có thể được truyền cho thai nhi qua nhau thai, kể cả khi người mẹ không có dấu hiệu bị bệnh.

Bệnh nhiễm trùng có thể đe dọa đến thai nhi, gây chết lưu, sảy thai, sinh non, hoặc các bệnh thần kinh nghiêm trọng (khiếm khuyết trí tuệ, mù lòa hoặc động kinh).

Nội tạng có nguy cơ gây dị tật bẩm sinh

Nội tạng giàu chất dinh dưỡng như sắt, vitamin B12, vitamin A và đồng, có lợi cho sức khỏe của bà mẹ và thai nhi. Tuy nhiên, không khuyến khích bà bầu ăn quá nhiều vitamin A có nguồn gốc từ động vật (vitamin A được tạo sẵn). Nó có thể gây độc cho thai nhi. Nồng độ đồng cao bất thường có thể dẫn đến dị tật bẩm sinh và nhiễm độc gan.

Thức uống có cồn

Phụ nữ mang thai nên tránh uống rượu hoàn toàn, vì làm tăng nguy cơ sảy thai và thai chết lưu. Một lượng rượu nhỏ cũng có thể tác động tiêu cực đến sự phát triển trí não của bé, gây hội chứng rượu bào thai, liên quan đến dị tật khuôn mặt, khuyết tật tim và thiểu năng trí tuệ.

Thực phẩm đóng gói

Snack, bánh kẹo, mì gói... ít chất dinh dưỡng, nhiều calo, đường và chất béo bổ sung. Bà bầu cần tăng cân trong thai kỳ nhưng nên hạn chế ăn các thực phẩm này, tránh tăng cân quá mức, giảm nguy cơ đái tháo đường type 2, bệnh tim và khả năng thừa cân sau này ở trẻ.

Ngọc Nga (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang