Lợi nhuận trước thuế Sacombank sụt giảm hơn 18%, nợ xấu gần 6.000 tỷ

author 11:36 24/07/2019

(VietQ.vn) - Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2019, ngân hàng Sacombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế giảm hơn 18%; nợ xấu tăng 1% so với đầu năm.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank; mã STB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2019. Đáng chú ý, lợi nhuận trước thuế của nhà băng này bất ngờ sụt giảm 18,7% chỉ đạt 400 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do tăng mạnh chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro. Cụ thể, chi phí hoạt động đã tăng tới 31% lên 2.285 tỷ, chi phí dự phòng rủi ro tăng 42,3% lên 616 tỷ.

Lợi nhuận ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín bất ngờ sụt giảm 18,7%. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, các mảng kinh doanh phần lớn vẫn có kết quả khả quan. Cụ thể, thu nhập lãi thuần đạt 2.002 tỷ, tăng 13,5%. Lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 26% đạt 742 tỷ. Lãi từ hoạt động khác tăng đột biến 169% lên 426 tỷ, chủ yếu nhờ thu hồi nợ đã được xử lý.

Dù lợi nhuận sụt giảm trong quý II nhưng nhờ khoản lãi trước thuế tới hơn 1.000 tỷ đạt được trong quý 1, Sacombank vẫn có lợi nhuận trong 6 tháng tăng trưởng 47% so với cùng kỳ, đạt 1.461 tỷ đồng.

Tuy nhiên, chi phí dự phòng vẫn là gánh nặng lớn, tăng tới 104% lên 1.046 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Tính đến cuối tháng 6, tổng tài sản của Sacombank đạt 439.170 tỷ đồng, tăng 8,2% so với hồi đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 8,9% đạt 275.512 tỷ đồng. Huy động tiền gửi khách hàng tăng 11,1% đạt 388.243 tỷ.

Bên cạnh đó, nợ xấu nội bảng tại ngày 30/6/2019 là 5.703 tỷ đồng, tăng nhẹ 1% so với hồi đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn giảm 3,3% xuống còn 4.793 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay giảm xuống còn 2,04%. Khoản nợ xấu ngoại bảng tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam là 37.664 tỷ đồng, chiếm toàn bộ khoản mục "Chứng khoán Nợ do các TCKT trong nước phát hành".

Dù BCTC hợp nhất quý II/2019 của Sacombank không thuyết minh cụ thể nợ xấu tại VAMC nhưng toàn bộ khoản mục "Chứng khoán Nợ do các TCKT trong nước phát hành" là nợ xấu tại VAMC như hồi đầu năm thì tổng nợ xấu chưa xử lý tại VAMC của Sacombank tính đến hết ngày 30/6/2019 là 35.516 tỷ đồng, giảm khoảng hơn 2.100 tỷ đồng so với đầu năm. Ngoài ra, lượng nợ xấu tiềm ẩn của Sacombank cũng có biểu hiện được cải thiện nhờ các khoản lãi, phí phải thu giảm gần 1.900 tỷ đồng và các khoản phải thu giảm gần 2.200 tỷ đồng. Dù vậy, hai khoản mục này vẫn ở mức cao, lần lượt là 21.561 tỷ đồng và 21.260 tỷ đồng, cho thấy xử lý nợ xấu vẫn sẽ là bài toán khó giải “một sớm một chiều” với Sacombank.

Trước đó, hồi đầu tháng 8/2017, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết “nợ xấu tại Sacombank vào khoảng hơn 60.000 tỷ đồng”. Riêng nợ xấu và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu tồn đọng từ thời Ngân hàng Phương Nam (Southernbank) mà ông Trầm Bê nhận trách nhiệm giải quyết là 35.400 tỷ đồng, được thế chấp bằng tài sản bảo đảm trị giá 43.000 tỷ đồng, bao gồm tài sản thế chấp là bất động sản trị giá 33.000 tỷ đồng và khoảng 10.000 tỷ đồng được bảo đảm bằng cổ phiếu.

Con số 60.000 tỷ đồng nợ xấu mà ông Minh đưa ra khá tương đồng với số liệu trên báo cáo tài chính của Sacombank. Đến ngày 30/6/2017, nợ xấu nội bảng của Sacombank ở mức 13.902 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu 6,36%. Nếu tính cả 37.134 tỷ đồng nợ xấu tại VAMC chưa trích lập dự phòng, nợ xấu của Sacombank ở mức 51.037 tỷ đồng, chiếm 19,96% tổng dư nợ. Con số 51.037 tỷ đồng này chưa bao gồm các khoản nợ tiềm ẩn (trước mắt là 5.286 tỷ đồng nợ nhóm 2) và các khoản nợ đã được cơ cấu lại.

Ở diễn biến khác, Sacombank cũng đẩy mạnh xử lý nợ xấu và thanh lý các khối bất động sản. Hồi đầu năm, nhà băng này đã thanh lý xong khối bất động sản hơn 3.000 tỷ đồng thuộc dự án khu dân cư ở quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ. Nhiều tài sản có giá trị lớn khác cũng đã được thanh lý xong. Ví dụ, bất động sản 61-63A Nam Kỳ Khởi Nghĩa tại Quận 1, TP.HCM có tổng diện tích hơn 800 m2 từng được rao bán với giá khởi điểm 811 tỷ đồng cũng được ngân hàng cho biết là đã bán xong theo hình thức đấu giá.

Bên cạnh đó, thanh lý thành công 37 quyền sử dụng đất diện tích 7,2 ha thuộc dự án Khu dân cư dịch vụ Phước Yên (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long). Đây là khối BĐS gồm đất ở tại nông thôn sử dụng lâu dài và đất thương mại dịch vụ có thời gian sử dụng đất đến năm 2062. Sacombank hồi đầu tháng 5/2019 còn rao bán với giá là 343,4 tỷ đồng.

Sau khi xử lý được những lô đất khủng trên, mới đây, ngân hàng tiếp tục thông báo đấu giá thêm 3 khối tài sản với giá trị xấp xỉ 1.000 tỷ ở TP.HCM và Bình Dương.

Ngoài ra, Sacombank cũng thông báo đấu giá 15 quyền sử dụng đất tại ấp Ngãi Thắng, phường Bình An, thị xã Dĩ An, Bình Dương có diện tích 29.654,8 m2, trong đó 15.224,9 m2 là đất ở và 14.429,9 m2 là đất xây dựng công trình công cộng. Giá khởi điểm được đưa ra là 897 tỷ đồng.

 Thảo Nguyên

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang