Long An: Phát hiện cửa hàng bán nước sơn giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng

author 06:49 18/09/2023

(VietQ.vn) - Qua kiểm tra, Cục Quản lý thị trường tỉnh Long An đã tạm giữ 5 thùng nước sơn nội thất cao cấp nhãn hiệu “Dulux” có dấu hiệu xâm phạm quyền.

Vừa qua, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3 phối hợp với Công ty TNHH tư vấn sở hữu trí tuệ Việt Nam tiến hành kiểm tra đối với cửa hàng sơn Hải Đăng (địa chỉ số 105 Quốc lộ 1A, phường 5, thành phố Tân An, tỉnh Long An) do ông Vũ Ngọc Đăng làm chủ, đang buôn bán nước sơn, dùng trong trang trí nội, ngoại thất.

Tại khu vực trưng bày của cửa hàng sơn Hải Đăng đang trưng bày để bán 7 thùng nước sơn có nhãn hiệu Dulux. Cụ thể, sơn nội thất siêu cao cấp, DuLux Ambiance 5 in 1,  Diamond Glow siêu bóng, loại 15 lít, mã số 66AB-BASE A, NSX: 29/03/2022, số lượng 2 thùng và mã số 66A-75060, NSX: 20/11/2021, số lượng 1 thùng;  DuLux InSpire: Sắc màu bền đẹp sơn ngoại thất bề mặt bóng, loại 18 lít, mã số 79AB.BASE A, NSX: 16/8/2022, số lượng 1 thùng và sắc màu bền đẹp sơn ngoại thất bề mặt mờ, loại 18 lít, mã số 39A-BASE A, NSX: 06/12/2022, số lượng 01 thùng;  DuLux Weathershield: Sơn nước ngoại thất cao cấp bề mặt mờ, mã số BJ8-BASE A, NSX: 3/6/2021, loại 18 lít, số lượng 1 thùng và sơn lót ngoại thất cao cấp chống kiềm, loại 18 lít, mã số A936-75230, NSX: 26/02/2022, loại 18 lít, số lượng 1 thùng.

 Số thùng sơn giả mạo nhãn hiệu bị thu giữ

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện dấu hiệu “Dulux” gắn trên nhãn các sản phẩm sơn thể hiện là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu được bảo hộ theo giấy đăng bạ nhãn hiệu hàng hóa quốc gia số 115, ngày đăng ký 10/9/1985, nơi cấp: Cục Sáng chế (nay là Cục Sở hữu trí tuệ), gia hạn đến ngày 19/3/2025 của AKZO NOBEL COATINGS INTERNATINAL B.V. (NL). Tổng giá trị hàng hóa vi phạm hơn 16 triệu đồng.

Đoàn kiểm tra tiến hành chụp hình ảnh các dấu hiệu “Dulux” gắn trên nhãn các sản phẩm sơn gồm hình ảnh tổng thể của 7 thùng nước sơn và dấu hiệu “Dulux” để gửi chủ sở hữu quyền xác nhận hàng hóa nêu trên có xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc gửi cơ quan có thẩm quyền giám định về sở hữu trí tuệ nếu người có thẩm quyền xử phạt cần xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính. Hiện vụ việc đang được Đội QLTT số 3 tiếp tục xử lý theo quy định.

Theo điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về hàng hóa giả mạo sở hữu trí tuệ. Theo đó, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là hàng hóa, bao bì có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng; hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý. Hay nói cách khác, hàng hóa này đã được bảo hộ về quyền sở hữu trí tuệ. Mọi hành vi xâm phạm làm tổn hại đến nhãn hiệu đều phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Bán hàng giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Luật Sở hữu trí tuệ quy định hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu tại Điều 129. Theo đó, các hành vi thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu: Việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ; Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó; Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ tương tự; hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó.

Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng, tương tự; Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng; dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng. 

Như vậy, vi phạm một trong những điều trên là vi phạm quy định pháp luật về bảo hộ nhãn hiệu. Tương đương với từng hành vi sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý cụ thể.

Bảo Linh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang