Giải quyết tình trạng vi phạm mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói hàng nông sản Việt Nam

author 07:30 17/09/2023

(VietQ.vn) - Trong bối cảnh các nước nhập khẩu nông sản ngày càng đưa ra những quy định chặt chẽ, yêu cầu cao hơn về chất lượng hàng hóa, kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm, doanh nghiệp xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam cần tuân thủ các quy định về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.

Mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói là mã số định danh cho một vùng trồng hoặc cơ sở đóng gói nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, sơ chế đóng gói, kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng. Đây cũng là điều kiện bắt buộc để sản phẩm nông sản được xuất khẩu theo đường chính ngạch.

Trong những năm qua, việc xuất khẩu nông sản đang ở mức tăng trưởng cao. Do vậy, nếu muốn duy trì, giữ vững được đà tăng trưởng cũng như tiếp tục phát triển trong thời gian tới, việc cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đảm bảo chất lượng, đặc biệt là duy trì tất cả các điều kiện để đáp ứng theo quy định trong các Nghị định thư cũng như văn bản cam kết giữa Việt Nam và các nước là hết sức quan trọng. Nếu không làm tốt việc cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, nông sản Việt Nam sẽ phải đối diện với nhiều vấn đề liên quan như vi phạm kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm cũng như các điều khoản khác trong Nghị định thư đã ký dẫn tới các nước sẽ tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát đối với hàng nông sản của Việt Nam. Rủi ro lớn hơn là các nước sẽ tiến hành dừng nhập khẩu, cấm nhập khẩu hàng nông sản của Việt Nam.

Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phân cấp cụ thể việc quản lý cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng cho các địa phương chủ động thực hiện công tác này từ khâu tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra, thẩm định cũng như cấp các mã số vùng trồng, cơ sở đóng và duy trì giám sát các điều kiện tại các khu vực đã được cấp mã số vùng trồng.

Việc cấp, quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng đạt được nhiều tín hiệu tích cực với 6.883 mã số vùng trồng và 1.588 mã số cơ sở đóng gói cho 24 sản phẩm nông sản được cấp trên cả nước. Những kết quả này bước đầu đã đáp ứng được yêu cầu của các nước nhập khẩu. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đó, khi nhìn thẳng vào sự thật có thể thấy, qua quá trình kiểm tra, đánh giá của các cơ quan kiểm định thực vật tại cửa khẩu cũng như các đoàn kiểm tra, đánh giá của Cục Bảo vệ Thực vật và qua thông báo vi phạm của các nước nhập khẩu những vi phạm không tuân thủ về kiểm dịch thực vật có chiều hướng gia tăng.

Giải quyết tình trạng vi phạm mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói hàng nông sản Việt Nam. Ảnh minh họa

Trong 7 tháng năm 2023, đã phát hiện được 370 lô hàng (chuối, xoài, thanh long, sầu riêng và mít) của 13 tỉnh không tuân thủ, vi phạm quy định kiểm dịch thực vật. Từ năm 2021 đến tháng 7/2023, Cục Bảo vệ Thực vật nhận được hơn 100 cảnh báo về các lô hàng xuất khẩu không đáp ứng cầu vệ sinh an toàn thực phẩm... Đây là những vi phạm cần có biện pháp khắc phục ngay nếu không những mặt hàng nông sản vi phạm sẽ bị cấm xuất khẩu. Khó khăn lớn nhất hiện nay đó là sự quan tâm, phân bổ nguồn lực để thực hiện cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng ở các địa phương còn hạn chế.

Các tỉnh, thành phố cũng chưa thực sự chú trọng vào công việc này dẫn tới nhiều mã số vùng trồng ở địa phương không đảm bảo chất lượng nên khi đến cửa khẩu, cơ quan kiểm dịch thực vật kiểm tra đã vi phạm, phát hiện nhiễm các đối tượng sinh vật gây hại và bị trả hàng trở lại. Việc rà soát, kiểm tra, giám sát những mã số đã được cấp để duy trì đầy đủ điều kiện theo Nghị định thư mà Việt Nam đã ký kết. Tại các cơ sở đóng gói một trong những yêu cầu bắt buộc là phải có cán bộ kỹ thuật theo dõi từ kiểm tra hàng hóa đầu vào, giám sát hàng hóa đó có bị nhiễm đối tượng sinh vật gây hại hay không, phân loại, kiểm tra chất lượng hàng hóa, đóng gói, bao bì, nhãn mác... nhưng nhiều nơi không làm được việc này. Thậm chí có cơ sở không đóng gói tại cơ sở đóng gói mà lại đóng gói tại vườn. Đây là những tồn tại, vi phạm không đáng có, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập quốc tế hiện nay.

Trước mắt, ưu tiên thực hiện đối với các sản phẩm đã có ký kết Nghị định thư hoặc thống nhất yêu cầu về xuất khẩu. Các địa phương xây dựng cơ chế và triển khai thực hiện giám sát thường xuyên việc sơ chế, chọn lọc hàng hóa để đảm bảo không nhiễm sinh vật gây hại tại các nhà đóng gói đã được cấp mã số; nâng cao chất lượng kiểm tra ban đầu đối với các mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói; tăng cường giám sát mã số sau khi được cấp; bố trí đủ nguồn lực để thực hiện công tác quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói và triển khai các chương trình giám sát an toàn thực phẩm đối với các hàng hóa xuất khẩu, nhất là trong vùng được cấp mã số.

Các tỉnh, thành phố rà soát các vùng trồng đã cấp mã số, không cấp mã số cho các vùng trồng nằm trong diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ (trừ trường hợp cây dược liệu dưới tán rừng theo quy định của pháp luật)… hoặc những vùng có nguy cơ sạt lở; tổ chức tốt chuỗi liên kết sản xuất thực chất từ vùng trồng, cơ sở đóng gói, cơ sở xử lý kiểm dịch thực vật, doanh nghiệp xuất khẩu nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng đáp ứng các tiêu chuẩn về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

Các cơ sở đóng gói phải bố trí nhân sự để thực hiện kiểm soát và chịu trách nhiệm đối với các biện pháp kỹ thuật áp dụng và bảo đảm việc tuân thủ yêu cầu của nước nhập khẩu. Tất cả các lô hàng trước khi xuất kho phải đảm bảo không nhiễm sinh vật gây hại. Đối với các vùng trồng, phải bám sát yêu cầu kỹ thuật của nước nhập khẩu, duy trì thường xuyên việc ghi chép hồ sơ giấy tờ và phòng trừ sinh vật gây hại...

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang