Lotte Mart nói một đằng, làm một nẻo

author 06:38 18/09/2014

(VietQ.vn) – Lotte Mart khẳng định hoạt động chuyên nghiệp, bán hàng chuẩn chất lượng nhưng nhãn mác hàng bán ra lại không đảm bảo, thiếu thông tin rõ ràng, hàng đã thối ủng vẫn bán cho người dùng.

Lotte Mart mới khai trương đã được người tiêu dùng phản ánh bán hàng không đảm bảo chất lượng. Ảnh: N. N

Như Chất lượng Việt Nam đã nêu trong các bài viết: Lotte Mart bán hàng kém chất lượng, xúc phạm khách hàng? Và bài: Nhân viên Lotte Center thông đồng 'quỵt hàng' của khách, phản ánh về việc Lotte Center Hà Nội một trung tâm hiện đại của Tập đoàn Lotte vừa đi vào hoạt động  khoảng 10 ngày, nhưng tại đây, người tiêu dùng mua hàng đã gặp phải hàng thối ủng vẫn bày bán trên quầy. Đặc biệt, sự việc diễn ra, phản ánh với nhân viên của Lotte Mart Ba Đình thuộc Công ty TNHH TTTM Lotte Việt Nam, thay vì các nhân viên này có thái độ chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu khách hàng, họ lại quay sang cãi cự, đôi co với khách và còn “ẵm” luôn hàng của khách đã mua mà không trả lại.

Sự việc nói trên đã diễn ra đến nay hơn 2 tuần và dù đại diện của Lotte Mart Ba Đình ông Bùi Mạnh Hải – Giám đốc trung tâm thương mại này đã khẳng định, những nhân viên của Lotte như ông Nguyễn Mạnh Quân - Trưởng bộ phận an ninh của Lotte Center Hà Nội, bà Trần Hoài Thanh – Quản lý của Lotte Mart Ba Đình và ông Nguyễn Đại Việt – nhân viên của Lotte Mart Ba Đình là những người liên quan trực tiếp tới sự việc to tiếng với khách hàng, lấy hàng của khách sẽ phải có trách nhiệm với khách.

Tuy vậy, trao đổi với khách hàng vào chiều qua ngày 17/9/2014, họ cho biết vẫn chưa nhận được lại hàng dù tiền đã bỏ ra để mua và nhân viên của Lotte chưa có hồi đáp nào cả.

Bà Trần Hoài Thanh - Một trong những người tham gia giữ hàng vẫn chưa trả lại hàng cho người tiêu dùng dù họ đã thanh toán tiền và có hóa đơn

Bà Trần Hoài Thanh - Một trong những người tham gia giữ hàng vẫn chưa trả lại hàng cho người tiêu dùng dù họ đã thanh toán tiền và có hóa đơn. Ảnh: N. N

“Chắc nhân viên của Lotte “ăn” mất hàng của tôi rồi. Họ cũng chẳng có lời nào thông báo lại là tôi có được nhận hàng lại hay không. Không hiểu cái Tập đoàn Lotte này tính chuyên nghiệp ở đâu nhưng với kiểu chửi khách như hát hay trước mặt mọi người chắc chỉ có mấy bà bán rau, bán thịt ở chợ ven đường mới làm vậy chứ không nghĩ nơi hiện đại, khang trang lại làm thế”, người tiêu dùng nói.

Trong khi đó, trả lời câu hỏi của PV Chất lượng Việt Nam mới đây, ông Bùi Mạnh Hải – Giám đốc Lotte Mart Ba Đình nói rằng, nhân viên của Lotte được đào tạo chuyên nghiệp, bài bản, không chỉ mang phong cách hiện đại, chuyên nghiệp của một tập đoàn quy mô thế giới mà còn rất hiểu phong cách phương Đông.

Ông Hải cũng nói rằng, dù đã được đào tạo, được tập huấn nhiều nhưng không tránh khỏi thiếu sót vì nhân viên ở Lotte Mart đa phần là người mới tuyển, mới được đào tạo.

“Được đào tạo, hướng dẫn nhiều nhưng không tránh hết được thiếu sót. Chỉ có mỗi việc nhân viên đảo hàng trên quầy, hàng cũ đưa ra ngoài, hàng mới đưa vào trong mà nhiều khi họ làm không tốt. Ông Quân và cô Thanh sẽ phải có trách nhiệm với khách hàng”, ông Hải nói.

Loại táo này bán tại Lotte Mart Ba Đình nhưng ngoài nhãn hiệu gắn lên trên sản phẩm, không còn thông tin nào khác, người tiêu dùng không biết loại hàng này xuất xứ từ đâu, có an toàn không

Loại táo này bán tại Lotte Mart Ba Đình nhưng ngoài nhãn hiệu gắn lên trên sản phẩm, không còn thông tin nào khác, người tiêu dùng không biết loại hàng này xuất xứ từ đâu, có an toàn không. Ảnh: N. N

Cũng theo ông Hải, việc làm của các nhân viên Lotte với khách hàng là không thể chấp nhận được và ảnh hưởng tới uy tín của trung tâm thương mại này.

Về việc sản phẩm tại Lotte Mart được nhập về không có nhãn phụ tiếng Việt vẫn được bày bán, người tiêu dùng không biết hàng đó có đảm bảo chất lượng hay không, không hiểu thành phần chất bảo quản có trong ngưỡng quy định của Luật An toàn thực phẩm hay các cảnh báo an toàn thế nào trên sản phẩm? Ông Hải khẳng định rằng, trước khi hàng ra tới quầy hàng, có cả những bộ phận kiểm soát thủ tục, chất lượng sản phẩm kiểm tra. Các sản phẩm bày bán đều đảm bảo chất lượng và đạt yêu cầu của nhà nước quy định.

Để chứng minh, PV đưa ra gói sản phẩm là khoai tây thái miếng dùng để chiên – một loại hàng thực phẩm đóng gói sẵn, bên ngoài chẳng có thông tin nhãn phụ tiếng Việt nào trên sản phẩm. Gói sản phẩm chỉ có những ngôn ngữ mà người tiêu dùng không thể đọc được. Nhìn sản phẩm ông Hải lại không nói gì.

Chất lượng Việt Nam sẽ tiếp tục phản ánh trong các bài tiếp theo.

Theo quy định tại Nghị định số: 89/2006/NĐ-CP ngày 30/08/2006 về Nhãn hàng hoá của Chính phủ, hàng hóa phải có nhãn mác rõ ràng trước khi lưu thông trên thị trường.

Cụ thể tại Điều 9: Ngôn ngữ trình bày nhãn hàng hoá

1. Những nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hoá phải được ghi bằng tiếng Việt, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.

2. Hàng hoá được sản xuất và lưu thông trong nước, ngoài việc thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này, nội dung thể hiện trên nhãn có thể được ghi bằng ngôn ngữ khác. Nội dung ghi bằng ngôn ngữ khác phải tương ứng nội dung tiếng Việt. Kích thước chữ được ghi bằng ngôn ngữ khác không được lớn hơn kích thước chữ của nội dung ghi bằng tiếng Việt.

3. Hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hoá. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.

4. Các nội dung sau được phép ghi bằng các ngôn ngữ khác có gốc chữ cái La tinh:

a) Tên quốc tế hoặc tên khoa học của thuốc dùng cho người trong trường hợp không có tên tiếng Việt;

b) Tên quốc tế hoặc tên khoa học kèm công thức hoá học, công thức cấu tạo của hoá chất;

c) Tên quốc tế hoặc tên khoa học của thành phần, thành phần định lượng của hàng hoá trong trường hợp không dịch được ra tiếng Việt hoặc dịch được ra tiếng Việt nhưng không có nghĩa;

d) Tên và địa chỉ doanh nghiệp nước ngoài sản xuất, nhượng quyền sản xuất hàng hoá.

Điều 10. Trách nhiệm ghi nhãn hàng hoá

Nội dung ghi nhãn hàng hoá kể cả nhãn phụ phải bảo đảm trung thực, rõ ràng, chính xác, phản ánh đúng bản chất của hàng hoá.

1. Hàng hoá được sản xuất, lắp ráp, chế biến, đóng gói tại Việt Nam để lưu thông trong nước thì tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hoá phải chịu trách nhiệm về việc ghi nhãn.

2. Hàng hoá được sản xuất, chế biến tại Việt Nam để xuất khẩu thì tổ chức, cá nhân xuất khẩu hàng hoá phải chịu trách nhiệm về việc ghi nhãn.

Trong trường hợp hàng hoá không xuất khẩu được mà đưa trở lại lưu thông trong nước thì tổ chức, cá nhân đưa hàng hoá ra lưu thông phải ghi nhãn theo quy định của Nghị định này.

3. Hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam mà nhãn gốc không phù hợp với quy định của Nghị định này thì tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải ghi nhãn phụ theo quy định tại khoản 3 Điều 9 của Nghị định này trước khi đưa ra lưu thông và phải giữ nguyên nhãn gốc.

Điều 11. Nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hoá

1. Nhãn hàng hoá bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau:

a) Tên hàng hoá;

b) Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá;

c) Xuất xứ hàng hoá.

2. Ngoài nội dung quy định tại khoản 1 Điều này, tuỳ theo tính chất của mỗi loại hàng hoá, phải thể hiện trên nhãn hàng hoá các nội dung bắt buộc quy định tại Điều 12 của Nghị định này và quy định tại các văn bản luật, pháp lệnh chuyên ngành có liên quan.

 

Nhóm PV


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang