Lựa chọn thực phẩm nhà làm thận trọng kẻo 'rước họa'

author 13:00 24/01/2023

(VietQ.vn) - Hiện nay có rất nhiều loại thực phẩm nhà làm như giò, chả, nem chua... được bán trên mạng nhưng cần thận trọng khi sử dụng.

Ghi nhận của báo Tuổi Trẻ, nếu như trước đây, các thực phẩm nhà làm được cho là an toàn thì hiện nay nhiều nơi gắn mác "nhà làm" để kinh doanh, mua bán với số lượng nhiều và quy mô lớn, không đăng ký theo quy định.

Thực phẩm nhà làm được nhiều người ưa chuộng vì có các mặt hàng đa dạng như chả bò, chả lụa, khô bò, giò bê, lạp xưởng… và có thể giao đến tận nhà, giúp tiết kiệm thời gian cho khách hàng nhất là vào dịp Tết bận rộn. "Thực phẩm nhà làm, bao ngon, bao rẻ", "Thực phẩm nhà làm - ngon, vệ sinh, không chất bảo quản, không phẩm màu", "Nhà làm nên yên tâm về chất lượng, giá cả"... đó là những lời quảng cáo để lấy lòng tin khách hàng khi rao bán từ chợ đến trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Điều đáng nói, ngoài lời hứa hẹn "có cánh" là sản phẩm của nhà làm nhưng bao bì, nhãn mác, quy trình sản xuất, cách thức liên hệ, hạn sử dụng lại rất "tù mù" không được thông tin kỹ càng.

Không chỉ rao bán online, tại các khu chợ truyền thống ở TP.HCM như chợ Bà Chiểu, chợ Bình Tây, chợ Phú Nhuận, chợ Bàn Cờ... các sản phẩm nhà làm không nhãn mác cũng được bày bán ở nhiều sạp khác nhau. Nhiều chủ sạp giới thiệu thực phẩm là đặc sản này được lấy từ nhiều vùng quê khác nhau nên yên tâm sử dụng.

Nhiều loại thực phẩm nhà làm được rao bán trên mạng. Ảnh minh họa

Bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM cho biết, dù có giá thành rẻ nhưng người tiêu dùng và cơ quan quản lý gặp khó khăn trong việc giám sát, kiểm soát chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào thực phẩm nhà làm.

Bên cạnh đó, nhiều thực phẩm nhà làm được rao bán online, địa chỉ nhiều nơi thường là địa chỉ ảo, khó truy tìm. Vì vậy số lượng mặt hàng, cơ sở kinh doanh qua mạng xã hội được kiểm tra ít hơn so với ở bên ngoài. Từ đó, nguy cơ về vệ sinh an toàn thực phẩm có thể lớn hơn.

Hiện, Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố đang quản lý hàng online như những mặt hàng bình thường, có nghĩa là có bộ phận theo dõi, kiểm soát và kiểm tra. Tuy nhiên, vẫn chưa có pháp lý cụ thể, đặc thù về vấn đề này.

PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên Giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, những năm gần đây ý thức của người dân trong vấn đề an toàn thực phẩm đã được nâng cao rất nhiều. Người mua đã chọn lọc rất kỹ, ý thức để đảm bảo sức khỏe cho gia đình, do vậy họ hay mua ở những cửa hàng quen, người quen, có uy tín cao. Về phía người bán cũng đã ý thức được việc phải bảo vệ thương hiệu, chất lượng để làm ăn lâu dài. Việc mua bán thực phẩm nhà làm phụ thuộc vào sự tự giác của mỗi bên.

PGS. Thịnh cũng cho biết thêm, mặc dù vậy hiện nay vẫn có một số hộ kinh doanh gia đình vì mục đích lợi nhuận, cho quá nhiều chất phụ gia bảo quản để kéo dài thời gian bảo quản thực phẩm. Do người bán không hiểu hết quy định khi sử dụng hóa chất và chất phụ gia nên sử dụng quá liều lượng cho phép làm thực phẩm giòn và dai hơn.

Còn trao đổi với Zing, bác sĩ dinh dưỡng Nguyễn Thị Kim Hải, Viện Nghiên cứu và Tư vấn dinh dưỡng cho biết, nhiều người thích mua thực phẩm nhà làm vì nghĩ rằng nó không chứa chất bảo quản nên sẽ an toàn hơn cho sức khỏe. Tuy nhiên, mọi người có thể hiểu sai về vai trò của chất bảo quản trong thực phẩm. Đúng như tên gọi, chất bảo quản giúp bảo quản thực phẩm tốt hơn và kéo dài thời gian sử dụng lâu hơn. Để làm được điều này, nó sẽ hạn chế sự phát triển của vi sinh vật (vi khuẩn, nấm mốc…) trong sản phẩm và làm chậm quá trình oxy hóa của thực phẩm.

Vì thế, sử dụng chất bảo quản theo ngưỡng cho phép về an toàn vệ sinh thực phẩm thì không gây hại đến sức khỏe. Trong khi các công ty thực phẩm được đào tạo kiến thức về vấn đề này trước khi cho ra mắt sản phẩm, người tự làm thực phẩm ít được đào tạo hoặc không có kiến thức chuẩn.

Điều này dẫn đến việc không lường hết nguy cơ đối với thực phẩm không sử dụng chất bảo quản hay nếu có sử dụng thì có thể sử dụng quá liều lượng cho phép.

Theo bác sĩ Kim Hải, thực phẩm nhà làm có khả năng trở thành mối nguy hại cho sức khỏe vì những lý do sau: Quá trình chế biến thủ công tại nhà có thể không đảm bảo các yếu tố như vệ sinh an toàn thực phẩm, thành phần dinh dưỡng, yếu tố môi trường như nhiệt độ và ánh sáng. Việc sơ chế không đúng cách không chỉ làm mất đi hàm lượng chất dinh dưỡng của thực phẩm mà còn tạo điều kiện cho vi sinh vật phát triển, từ đó có thể gây bệnh hoặc ngộ độc cho người dùng.

Thực phẩm nhà làm không chứa chất bảo quản nên người dùng không biết hạn sử dụng chính xác mà chỉ có thể dựa cảm quan như độ tươi mới, màu sắc và hương vị để phán đoán. 

Ngoài ra, bác sĩ Kim Hải cho biết, việc bảo quản lạnh các thực phẩm nhà làm trong thời gian dài cũng có thể gây nguy hại cho người dùng. Trên thực tế, bảo quản lạnh không giết chết vi khuẩn mà chỉ ức chế sự phát triển của nó. Tất cả thực phẩm đều vẫn diễn ra quá trình phân hủy bên trong, ngay cả khi bảo quản lạnh cũng chỉ làm chậm đi quá trình phân hủy này. Điều đó lý giải tại sao một số rau củ quả dù đã được bảo quản lạnh vẫn có hiện tượng hư, dập nát, thối rữa.

Do đó, khi một số thực phẩm được bảo quản lạnh trong thời gian quá dài, quá trình phân hủy diễn ra ở mức độ nhất định và có thể sinh ra các chất gây độc như nitrit, amoniac. Việc hấp thụ nitrit quá nhiều tại một thời điểm có thể gây ngộ độc cấp tính cho người dùng. Bên cạnh đó, tủ lạnh thường bảo quản cả thực phẩm chín lẫn thực phẩm sống, từ đó cũng gây ra sự lây nhiễm chéo từ thực phẩm sống qua thực phẩm chín. Hơn hết, vị chuyên gia cho hay người có các bệnh lý nền hay có chế độ dinh dưỡng riêng biệt nên cẩn trọng khi tiêu thụ thực phẩm nhà làm.

Thực phẩm làm thủ công tại nhà không có bảng thành phần dinh dưỡng cụ thể nên người dùng khó biết được hàm lượng đường, muối và đạm trong sản phẩm có phù hợp với tình trạng sức khỏe bản thân hay không. Vì thế, người có bệnh lý như đái tháo đường, bệnh thận hay tăng huyết áp nên hạn chế sử dụng các thực phẩm này.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang