Lượng đường tồn kho cao kỷ lục: Hiệp hội Mía đường nêu nguyên nhân

authorĐỗ Thu Thoan 10:19 25/05/2017

(VietQ.vn) - Lượng đường tồn kho tại thời điểm cách đây một tuần đã xấp xỉ 750.000 tấn. Đây là con số kỷ lục từ trước đến nay của ngành mía đường Việt Nam, cho thấy một niên vụ diễn biến không bình thường.

Sự kiện: tin tức thị trường

Theo tờ Tuổi trẻ, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết nguyên nhân chính của tình trạng tồn kho kỷ lục nói trên là đường lậu với giá rẻ tràn vào qua nhiều cửa khẩu biên giới phía Tây và Tây Nam. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị kinh doanh cho biết đường tồn kho nhiều vì các công ty chưa chịu giảm giá để bán hàng.

Tính đến ngày 3/5, theo VSSA, lượng đường tồn kho tại nhà máy đã là 675.000 tấn, nếu cộng với đường trong các kho thương mại, tổng tồn kho lên đến trên 700.000 tấn, cao hơn cùng kỳ năm 2016 tới 200.000 tấn.

luong-duong-ton-kho-cao-ky-luc-hiep-hoi-mia-duong-neu-nguyen-nhan

Lượng đường tồn kho hiện nay đang ở mức cao kỷ lục. Ảnh minh họa

Theo Vnexpress, tại hội nghị “Giải pháp tiêu thụ đường bền vững” vừa diễn ra tại TP.HCM, ông Phạm Quốc Doanh - Chủ tịch VSSA cho hay: “Trước đây, hoạt động nhập lậu chỉ tập trung ở biên giới các tỉnh phía Nam nhưng hiện đã lan rộng ra miền Bắc. Từ vận chuyển bằng xe máy, nay có thêm ghe tàu qua đường sông, cảng biển, sau đó đưa đi tiêu thụ bằng xe tải vài chục tấn”.

Hiện giá bán buôn đường nhập lậu của Thái Lan thấp hơn đường sản xuất trong nước khoảng 1.000-2.000 đồng/kg. Nhiều DN mía đường dự báo khoản chênh lệch này có thể tiếp tục bị nới rộng do Thái Lan áp dụng bảo hộ xuất khẩu đối với mặt hàng này. Điều này sẽ càng khiến sản phẩm của DN trong nước bị giảm sức cạnh tranh và tiêu thụ chậm.

Theo đó, Tuổi trẻ dẫn lời ông Nguyễn Hải, tổng thư ký VSSA, cho biết, với nhiều hình thức buôn lậu và gian lận thương mại tinh vi, đường lậu có thể đưa về mọi ngõ ngách để bán cho người tiêu dùng, các nhà sản xuất công nghiệp. Ước tính của VSSA cho biết có đến 30% tổng lượng đường tiêu thụ tại VN, tương đương 400.000 tấn/năm, là đường lậu.

Theo báo Người lao động, ông Lê Công Thành, Phó Chủ tịch Công ty Mía đường Lam Sơn, nhận định giá đường trong nước rất khó giảm để cạnh tranh do giá thu mua mía cao hơn Thái Lan 35%-45%, Úc 50%. Hơn nữa, các nhà máy đã ký kết giá thu mua mía với nông dân từ đầu vụ nên khó giảm. "Toàn bộ làng nghề ở Hà Nội năm nay không lấy đường của chúng tôi. Các nhà máy lớn đăng ký mua nhiều nhưng chỉ nhận nhỏ giọt, chưa đến 50%. Tình trạng chưa từng xảy ra trong 20 năm qua là vào tháng 4/5, giá đường lại giảm" - ông Thành nhấn mạnh.

Trong khi hiện nay có nhiều chất tạo ngọt có thể thay thế đường cũng tác động mạnh đến tình hình tiêu thụ đường mía.

luong-duong-ton-kho-cao-ky-luc-hiep-hoi-mia-duong-neu-nguyen-nhan

Ngành mía đường Việt không cạnh tranh được với hàng nước ngoài do giá thành cao. Ảnh minh họa

Vnexpress dẫn lời ông Đặng Phú Quý, thành viên HĐQT CTCP Mía đường Quảng Ngãi cho rằng, lượng đường tồn kho tăng đột biến còn xuất phát từ việc sản lượng xuất khẩu của Thái Lan sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh do bị kiểm soát chặt chẽ, trong khi chính sách của Việt Nam “mềm dẻo” hơn nên đường liên tục tràn vào.

Báo Người lao động thông tin thêm, theo đại diện Tập đoàn Thành Thành Công ước tính năm 2015 nhập lậu 382.00 tấn đường làm nhà nước thất thu hơn 1.800 tỉ đồng tiền thuế. Việc tồn kho nhiều không chỉ gây khó cho DN mà còn làm khổ nông dân. Đây là thiệt hại dây chuyền. Vì thế, nhà nước cần có giải pháp cấp thiết và hiệu quả.

Ông Trần Văn Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Mía đường Cần Thơ, đề nghị cơ quan chức năng cần xử lý mạnh tay hơn với tình trạng thu gom đường nhập lậu. Trong đó, cần quản lý việc đấu giá đường lậu sau khi thu giữ, nếu không sẽ vô tình tiếp tay cho lượng hàng này hoành hành.

Theo đó, VSSA đề nghị Bộ Tài chính xem xét lại thuế suất nhập khẩu đường để bảo vệ hàng trong nước.

Đỗ Thu Thoan (t.h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang