Lưu ý quan trọng để đảm bảo an toàn khi tắt máy xe ô tô

author 05:42 21/01/2024

(VietQ.vn) - Việc tắt máy xe ô tô tưởng chừng như đơn giản nhưng không ít tài xế vẫn đang mắc phải những sai lầm khiến cho xe nhanh chóng bị xuống cấp đặc biệt là gây mất an toàn cho cả tài xế và chiếc xe.

Việc tắt máy, không chỉ là việc đơn thuần dừng lại và rời khỏi chiếc xe, mà còn là một phần quan trọng của quá trình bảo dưỡng duy trì hiệu suất, cũng như sự an toàn khi sử dụng xe hơi. Việc chú ý đến một số điểm nhỏ trước khi tắt máy không chỉ giúp bảo vệ chiếc xe mà còn đảm bảo an toàn cho tài xế và những người xung quanh khi tham gia giao thông. Hãy cùng nhau khám phá những lưu ý quan trọng này để biết cách tạo ra một môi trường lái xe an toàn và bền vững.

Chắc chắn xe đã dừng hoàn toàn

Trước khi tắt máy, đảm bảo rằng xe đã dừng hoàn toàn và đang ở trong tình trạng an toàn. Đối với xe số tự động, hãy chắc chắn bạn đã đặt nó ở chế độ "P" (đỗ) trước khi tắt máy.

Kéo hết phanh tay

Về P và kéo hết phanh tay khi xe đã dừng hẳn. (Ảnh minh họa)

Quên không kéo hết phanh tay là lỗi mà rất nhiều tài xế mắc phải trước khi tắt máy dừng đỗ xe. Nếu duy trì thói quen này, hệ thống phanh xe sẽ bị mài mòn, dần dần phanh sẽ không nhạy và gây nguy hiểm khi tham gia giao thông. Bởi khi quên hạ hoặc chưa kéo hết phanh tay, guốc phanh và má phanh sẽ chà xát vào đĩa phanh/tang trống, tạo nên ma sát lớn và tăng nhiệt độ khiến má phanh có thể bị cháy.

Trong trường hợp này, trên phương tiện hiển thị đèn cảnh báo trên taplo để thông báo cho người lái biết đang có tình huống khẩn cấp. Ngay khi thấy tín hiệu đèn cảnh báo bật sáng, người dùng cần tìm phương án kiểm tra sớm để xử lý kịp thời sự cố.

Trường hợp không xử lý nhanh có thể gây nguy hiểm nếu người dùng sử dụng xe trên đường cao tốc. Nó còn có thể làm hỏng hệ thống chống bó cứng phanh ABS, nguy hiểm hơn có thể dẫn đến hỏng phanh và những thiệt hại đáng tiếc.

Để bảo vệ hệ thống phanh, trước khi đỗ xe, tài xế nên đạp chân phanh cho xe dừng hẳn, sau đó kéo phanh tay và chuyển cần số từ D về P rồi tắt máy. Trước khi xuống xe, bác tài cũng nên cẩn thận kiểm tra xem đèn cảnh báo có bật sáng không để kéo hết phanh tay.

Điều chỉnh vô lăng 

Một trong những điều cần làm trước khi tắt máy đỗ xe bác tài cần ghi nhớ đó chính là chỉnh lại vô lăng. Theo đó, tài xế cần ghi nhớ quy tắc đánh lái bên này bao nhiêu thì khi dừng xe trả lái bên kia bấy nhiêu. Trước khi tắt máy cần chỉnh vô lăng thẳng về phía trước, hoặc có thể linh hoạt nhích lên/lùi lại để xe đỗ đúng hướng. Trong trường hợp đỗ ngang dốc thì tài xế nên đỗ chéo bánh cho an toàn.

Ngoài ra, thêm 1 lưu ý không nên bỏ qua đó là khi dừng đỗ xe dưới trời nắng nóng, tài xế nên xoay vô lăng 1 góc 180 độ. Lúc này, đỉnh vô lăng nằm xuống phía dưới và không bị ánh nắng chiếu trực tiếp, giúp tài xế không bị bỏng khi cầm tay lái.

Tắt hệ thống điều hòa và các thiết bị điện

Trước khi tắt máy, dừng và đỗ xe khoảng vài phút, tài xế nên tắt hệ thống điều hòa và có thể bật quạt gió để lưu thông không khí. Thói quen này giúp cho tài xế không bị sốc nhiệt khi bước ra môi trường bên ngoài, đặc biệt là vào mùa hè trời nắng nóng và nhiệt độ cao. Đồng thời còn giúp cho hệ thống điều hòa hoạt động bền bỉ hơn, tiết kiệm nhiên liệu và không gian nội thất không bị ẩm mốc hoặc có mùi khó chịu.

Ngoài ra để ắc-quy không bị ảnh hưởng, tài xế cũng cần lưu ý tắt các thiết bị điện trên xe như đèn pha, đèn nội thất,... vì để sau một đêm, xe có thể hết ắc-quy.

Đóng cửa sổ

Trước khi tắt máy đỗ xe và rời khỏi xe, tài xế nên kiểm tra xem đã kéo hết cửa kính hay chưa. Việc kéo hết cửa kính không chỉ giúp bảo đảm an toàn về mặt vật chất mà còn hạn chế bụi bẩn, khí độc hại lọt vào khoang nội thất xe. Không chỉ có vậy, việc không kéo hết kính, có thể sẽ tạo ra không gian vừa đủ để kẻ gian tận dụng cơ hội đột nhập vào xe một cách dễ dàng.

Tuy vậy, vào mùa nóng, nếu đỗ xe ở nơi có bảo vệ an toàn, tài xế hãy hé chút cửa kính hai bên nhằm lưu thông không khí, tránh quá nhiệt trong nội thất.

Gập gọn gương xe

Gập gọn gương khi đỗ xe. (Ảnh minh họa)

Khi dừng đỗ xe, tài xế đừng quên gập gọn gương xe để tránh tình trạng bị va quệt, gây hỏng hóc đáng tiếc. Đối với gương chỉnh điện, việc cố gắng gập lại bằng tay có thể làm giảm chức năng hoặc làm hỏng bộ phận motor điện, vì vậy chủ xe nên chủ động gập trước khi rời xe. Còn đối với loại gương gập bằng cơ có thể xuống xe và dùng tay gập lại.

Khóa cửa xe

Quên khóa cửa xe cũng là một trong những điều cần tránh khi tắt máy xe ô tô và rời đi. Nếu người lái không khóa cửa xe thì sẽ dễ bị mất cắp tài sản hay thậm chí là mất xe.

Ngoài ra trong trường hợp xe đang di chuyển, nếu người lái đột ngột tắt máy dừng xe thì sẽ rất dễ gây nên hư hại cho động cơ, hay thậm chí là những tình huống bất ngờ đáng tiếc khác. Trừ trường hợp thực sự khẩn cấp, việc tắt động cơ khi đang lái xe là cực kỳ nguy hiểm. Nếu tắt máy trong khi lái xe, trợ lực phanh sẽ mất đi khả năng và phanh sẽ không hoạt động, có thể gây nguy hiểm cho chủ sở hữu. Vì vậy, người lái cần lưu ý cho xe dừng hẳn sau đó chuyển cần số về P và đạp phanh tay. Nhấn nút khởi động để dừng động cơ lúc này, công tắc trên máy đang ở vị trí Off.

Để tắt máy ô tô trong trường hợp khẩn cấp, người lái cần nhấn nút khởi động liên tục hoặc nhiều lần trong khi động cơ đang chạy hoặc đang lái xe thì hệ thống sẽ ngay lập tức dừng động cơ. Công tắc động cơ sẽ di chuyển đến vị trí ACC.

Việc nắm những lưu ý khi tắt máy xe ô tô là rất quan trọng để chủ sở hữu phương tiện có thể dễ dàng hơn trong việc bảo vệ bản thân và xe của mình.

QCVN 09:2015/BGTVT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô

QCVN 09 : 2015/BGTVT do Cục Đăng kiểm Việt Nam biên soạn, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành theo Thông tư số 87/2015/TT-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2015.

Trong phần Hệ thống lái quy định

- Đảm bảo cho xe chuyển hướng chính xác, điều khiển nhẹ nhàng, an toàn ở mọi vận tốc và tải trọng trong phạm vi tính năng kỹ thuật cho phép của xe.

- Các bánh xe dẫn hướng phải đảm bảo cho xe có khả năng duy trì hướng chuyển động thẳng khi đang chạy thẳng và tự quay về hướng chuyển động thẳng khi thôi tác dụng lực lên vành tay lái (khi thôi quay vòng).

- Khi hoạt động các cơ cấu chuyển động của hệ thống lái không được va quệt với bất kỳ bộ phận nào của xe như khung, vỏ.

- Vành tay lái khi quay không bị vướng vào quần áo và trang bị của người lái khi lái xe.

- Khi quay vành tay lái về bên phải và bên trái thì không được có sự khác biệt đáng kể về lực tác động lên vành tay lái.

- Độ rơ góc của vành tay lái: Xe con, xe khách đến 12 chỗ, kể cả người lái, xe tải có tải trọng đến 1500 kg: không lớn hơn 10°. Các loại xe khác không lớn hơn 15°.

- Độ trượt ngang của bánh xe dẫn hướng không lớn hơn 5 mm/m.

- Bán kính quay vòng nhỏ nhất theo vệt bánh xe trước phía ngoài của xe không lớn hơn 12 m.

 Duy Trinh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang