Mắc bệnh bụi phổi khó chữa do tình trạng ô nhiễm

author 14:28 07/12/2023

(VietQ.vn) - Hàng loạt công nhân của Công ty TNHH Châu Tiến mắc bệnh bụi phổi silic, trong số đó có nhiều người tử vong. Điều này tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo ô nhiễm tại các nhà máy ảnh hưởng tới sức khỏe người lao động.

Bệnh bụi phổi nguy hại với sức khỏe người lao động

Bụi phổi (Pneumoconiosis) là tình trạng bụi bẩn tích tụ trong phổi do hít phải trong nhiều năm và tiến triển thành bệnh. Nguyên nhân chính là người bệnh tiếp xúc với những vật liệu có khả năng phát tán những hạt rất nhỏ xâm nhập vào phổi. Các loại bụi thường gặp nhất là amiăng, bụi than và phổ biến là silic. Bệnh có thể gây triệu chứng ho khan, khạc đờm đen, cảm giác đau nhói ở ngực, tức ngực, khó thở, hụt hơi. Ở giai đoạn đầu, bệnh có thể không có dấu hiệu.

Bụi trong phổi không được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng. Hiện, bệnh bụi phổi chưa có phương pháp điều trị dứt điểm. Tuy nhiên, mọi người có thể được điều trị kiểm soát triệu chứng và ngăn bệnh tiến triển bằng cách sử dụng thuốc giảm viêm, rửa phế nang toàn bộ hai phổi, thuốc giảm quá trình xơ hóa phổi, thở oxy.

Được biết, cơ chế gây bệnh bụi phổi silic là do sự kích thích của bụi silic trong phổi, gây ra một cuộc phản ứng viêm và sẹo hóa trong các mô phổi. Điều này có thể gây ra các triệu chứng như khó thở, ho, viêm phổi và suy giảm chức năng phổi.

Nguyên nhân gây ra bệnh bụi phổi silic là do tiếp xúc với bụi silic trong môi trường làm việc. Các ngành công nghiệp có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bao gồm khai thác đá, chế biến khoáng sản, xây dựng và sản xuất vật liệu cách nhiệt và chống cháy. Các công nhân trong các ngành này tiếp xúc với bụi silic trong quá trình làm việc và có nguy cơ mắc bệnh bụi phổi silic.

Ngoài ra, các nguyên nhân khác có thể góp phần vào bệnh bụi phổi silic bao gồm tiếp xúc với bụi mà không đeo đồ bảo hộ, làm việc trong môi trường có độ ẩm thấp, hút thuốc lá và có tiền sử bệnh phổi khác.

Bệnh bụi phổi silicosis gây ra tác hại nghiêm trọng cho sức khỏe con người. Khi tích tụ bụi silic trong phổi, sẽ xảy ra phản ứng viêm, tạo thành các sẹo mô phổi và làm cho phổi bị cứng và không thể dãn nở như bình thường. Điều này dẫn đến khó thở và khó khăn trong việc hít thở, làm cho người bệnh dễ bị mệt mỏi, suy dinh dưỡng và các bệnh liên quan đến đường hô hấp.

Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh bụi phổi silicosis có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như suy tim, viêm khớp, bệnh tăng huyết áp phổi, và ngay cả ung thư phổi.

Ô nhiễm nghiêm trọng tại Công ty Châu Tiến (Nghệ An)

Điển hình về căn bệnh này là vụ việc 6 công nhân tử vong do bệnh bụi phổi silic tại tỉnh Nghệ An mới diễn ra thời gian gần đây. Theo lãnh đạo Sở Y tế Nghệ An cho biết một tháng qua, đoàn điều tra bệnh nghề nghiệp đã khám cho 81 người tại doanh nghiệp này, trong đó có 3 người mắc bệnh bụi phổi silic tái khám, còn 78 trường hợp khám lần đầu. Cụ thể, có tới 57 người mắc bệnh do bụi phổi. Trong đó có 19 người bị thể nặng, 25 người thể trung bình và 13 người thể nhẹ. Có 2 người do phim chụp bị mờ nên chưa xác định được.

Hiện toàn bộ hồ sơ thăm khám đã được chuyển ra Hội đồng của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) để hội chẩn và kết luận về bệnh nghề nghiệp. Những bệnh nhân mắc bệnh đã được bác sĩ tư vấn, hướng dẫn phương án điều trị cụ thể.

 Công nhân tại Công ty TNHH Châu Tiến phải làm việc trong môi trường không được đảm bảo sức khỏe

Được biết, hiện vẫn còn hơn 30 người từng làm việc tại Công ty Châu Tiến (có người hiện đi nước ngoài, đi làm ăn xa ở các tỉnh) chưa thể trực tiếp thăm khám. Liên quan đến vụ việc này, Công an tỉnh Nghệ An đã vào cuộc thu thập hồ sơ để điều tra.

Trước đó, nhiều công nhân làm việc tại Công ty TNHH Châu Tiến được phát hiện bệnh bụi phổi. Thời điểm đó, có 3 công nhân đã tử vong, 5 người đang mắc bệnh rất nặng. Ngay sau khi nhận được báo cáo của UBND H.Nghi Lộc, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra toàn diện nhà máy của công ty trên.

Cơ quan chức năng sau đó vào cuộc kiểm tra và xác định có 14 người đã và đang làm việc tại Công ty TNHH Châu Tiến mắc các bệnh về phổi, bụi phổi. Đến nay, đã có 6 người tử vong.

Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Nghệ An đã kiểm tra tại nhà máy chế biến bột đá của Công ty TNHH Châu Tiến và phát hiện nhiều sai phạm. UBND tỉnh Nghệ An sau đó đã xử phạt công ty này 116 triệu đồng.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bụi amiăng, bụi chứa silic, bụi không chứa silic, bụi bông và bụi than - Giá trị giới hạn tiếp xúc cho phép bụi tại nơi làm việc.

QCVN 02 : 2019/BYT do Ban soạn thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia v Vệ sinh lao động biên soạn, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, Cục Quản lý môi trường y tế trình duyệt và được ban hành theo Thông tư số 02/2019/TT-BYT ngày 21 tháng 3 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Theo đó, Quy chuẩn này áp dụng cho các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường; các cơ quan, tổ chức thực hiện quan trắc môi trường lao động; các tổ chức, cá nhân có các hoạt động phát sinh bụi tại nơi làm việc và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Quy định quản lý:

1. Các cơ sở có người lao động tiếp xúc với bụi phải định kỳ quan trắc môi trường lao động, đánh giá yếu tố bụi tối thiểu 1 lần/năm theo quy chuẩn này và các quy định liên quan của Bộ Luật lao động; Luật an toàn, vệ sinh lao động.

2. Người sử dụng lao động phải cung cấp đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động cho người lao động phù hợp với môi trường làm việc theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.

3. Trường hợp nồng độ bụi tại nơi làm việc vượt giá trị giới hạn tiếp xúc cho phép của quy chuẩn này, người sử dụng lao động phải thực hiện ngay các giải pháp cải thiện điều kiện lao động và bảo vệ sức khỏe người lao động theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.

 Bảo Linh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang