Mạnh tay cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh giúp doanh nghiệp ‘dễ thở’

author 15:16 31/01/2023

(VietQ.vn) - Thời gian qua, nhiều động thái cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh được các Bộ, ngành chức năng tích cực triển khai. Tuy nhiên vẫn còn nhiều “điểm nghẽn” cần được tháo gỡ do các doanh nghiệp phản ánh vẫn gặp nhiều vướng mắc, khó khăn trong quá trình hoạt động.

Hàng loạt quy định cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh

Hiện nay, Nhà nước đang thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh thông qua các chính sách cắt giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính, rà soát, sửa đổi các quy định bất hợp lý.

Tại Nghị quyết số 76/NQ-CP ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021-2030, nêu rõ, về cải cách thủ tục hành chính, Chương trình đặt mục tiêu cải cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả quy định thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp; thủ tục hành chính nội bộ giữa cơ quan hành chính nhà nước.

Cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thành phần hồ sơ và tối ưu hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; đổi mới và nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử để người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện dịch vụ mọi lúc, mọi nơi, trên các phương tiện khác nhau.

Thời gian qua, nhiều động thái cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh được các Bộ, ngành chức năng tích cực triển khai. Ảnh minh họa.

Hay tại Nghị quyết 68/NQ-CP ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 đặt mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% quy định, 20% chi phí tuân thủ quy định kinh doanh và sớm đưa vào vận hành Cổng Tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh.

Đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc ban hành văn bản có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trên cơ sở các quy định pháp luật, nhất là các văn bản hành chính, thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nghị định của Chính phủ; ngăn chặn việc phát sinh những quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp và gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.

Tránh “luật chồng luật”

Về vấn đề cải cách thủ tục hành chính, trong năm 2021 và 8 tháng năm 2022 đã cắt giảm, đơn giản hóa 1.758/17.687 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh đã thống kê, rà soát (đạt tỉ lệ 10%) tại 143 văn bản quy phạm pháp luật. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.107 quy định kinh doanh và phương án phân cấp thẩm quyền giải quyết 699/5187 thủ tục hành chính trên 100 lĩnh vực (chiếm 13,47%), qua đó giúp giảm tầng nấc, khâu trung gian, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, đã phê duyệt Kế hoạch rà soát, đơn giản hóa 59 thủ tục hành chính/nhóm thủ tục hành chính nội bộ trong hệ thống hành chính Nhà nước trên 12 lĩnh vực về ngân sách, đầu tư công, đất đai, giao thông đường bộ… Cổng Tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh từng bước được đưa vào vận hành. Hiện, đã cập nhật gần 18.000 quy định hiện hành và phương án cắt giảm, đơn giản hóa hơn 1.000 quy định kinh doanh; giúp Chính phủ đánh giá nỗ lực cải cách của từng bộ, ngành dựa trên dữ liệu theo thời gian thực.

Có thể nói, thời gian qua, nhiều động thái cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh được các Bộ, ngành chức năng tích cực triển khai. Tuy nhiên vẫn còn nhiều “điểm nghẽn” cần được tháo gỡ do các doanh nghiệp phản ánh vẫn gặp nhiều vướng mắc, khó khăn trong quá trình hoạt động.

Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam nêu thực tế, riêng lĩnh vực bất động sản có khoảng 12 Luật tác động đến thị trường. “Tuy nhiên, 12 Luật đề ra lại không có luật nào đồng thuận với luật nào, cho nên doanh nghiệp bất động sản nếu theo Luật Đất đai sẽ vướng Luật Đầu tư, theo Luật Đầu tư lại vướng Luật Xây dựng; theo Luật Xây dựng sẽ vướng Luật Quy hoạch… có nghĩa là tất cả những luật đang luẩn quẩn như một mớ bòng bong”, ông Hiệp nhấn mạnh.

Mặt khác, một trong những vấn đề đáng lo ngại là doanh nghiệp ít có cơ hội đóng góp ý kiến đối với bản dự thảo cuối cùng của Thông tư, trước khi được ban hành. Do đó, giới chuyên gia cho rằng, gia tăng áp lực, tăng cường năng lực các cơ quan Trung ương trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là việc rất cần thiết.

Ngoài ra, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, bất kỳ một văn bản pháp luật nào cũng cần minh bạch hóa quy trình soạn thảo, công khai hóa quá trình này giúp văn bản pháp luật ít lỗi nhất, phù hợp thực tế nhất. Từ đó sẽ đảm bảo yếu tố chống việc cài cắm, hay quyền lợi riêng của từng Bộ, ngành.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang