Mạo danh quân nhân quảng cáo trá hình cho thực phẩm chức năng trị tiểu đường

author 06:25 12/10/2023

(VietQ.vn) - Chiêu trò mạo danh quân nhân chia sẻ bí quyết điều trị tiểu đường đang nở rộ trên mạng xã hội FaceBook, với việc sử dụng Deepfake và fanpage mạo danh không ít người đã sa bẫy.

Cảnh giác với chiêu trò mạo danh quân nhân quảng cáo sai sự thật

Thời gian gần đây khi lướt FaceBook người dùng liên tục bắt gặp những bài quảng cáo của quân nhân Bùi Văn Sâm (https://www.facebook.com/profile.php?id=61550755970486) chia sẻ về bí quyết chữa trị dứt điểm bệnh tiểu đường không cần dùng thuốc tây, không cần mất tiền triệu trong thời gian ngắn có thể phục hồi, thậm chí có thể đá bóng, đánh cầu được.

 Video được tài khoản này đăng tải thu hút không ít lượt tương tác. Ảnh chụp màn hình

Theo bài viết trên FaceBook (https://www.facebook.com/61550755970486/posts/258962300327320/?vh=e&extid=MSG-UNK-UNK-UNK-IOS_GK0T-GK1C) tài khoản này giới thiệu mình tên là Bùi Văn Sâm, 58 tuổi, quê ở Giao Thủy, Nam Định là sĩ quan quân đội về hưu. Trong quân ngũ, đóng quân ở Trung Đoàn Thủ Đô 320, còn gọi là Sư đoàn Đồng Bằng trước bị tiểu đường nặng nay đã được chữa khỏi với một bí quyết "bí ẩn" nếu muốn biết thì phải nhắn tin riêng.

Tài khoản này liên tục khẳng định mình là quân nhân “không nói 2 lời”, đặc biệt lên án, bày tỏ sự bức xúc đối với những quảng cáo dối trá sai sự thật khiến người bệnh mất tiền triệu mà bệnh tình không thuyên giảm.

Tuy nhiên khi xem bài viết và nhắn tin cho tài khoản này phát hiện nhiều điều khả nghi. Thứ nhất là một bài viết chia sẻ kinh nghiệm nhưng lại được chạy quảng cáo ồ ạt với lượng tương tác khá khủng, nhiều bình luận bị ẩn chỉ để lại những bình khen, hình ảnh chứng minh khỏi bệnh từ những tài khoản “seeding”. Thứ hai nội dung bài viết vòng vo, chủ yếu để câu kéo những người quan tâm vào nhắn tin chứ không thật sự muốn chia sẻ “bí quyết miễn phí”. Thứ ba nội dung video hoàn toàn được tạo ra bởi Deepfake phần mềm AI chỉnh giả giọng nói, hình ảnh chứ không phải chính chủ chia sẻ.

Trong vai người bị bệnh để liên hệ nhận sự giúp đỡ và đúng như dự đoán, chẳng có gì là miễn phí cả, đối tượng giới thiệu cho Phóng viên  loại “thần dược” khẳng định trị tiểu đường mang tên Khang Đường Tâm Hồng Phúc được giới thiệu là của GS. VS. TSKH. BS. Đái Duy Ban.

 Bí quyết trị tiểu đường được đối tượng nhắc đến. Ảnh chụp màn hình

Theo tìm hiểu sản phẩm Khang Đường Tâm Hồng Phúc được Công ty cổ phần Tổng hợp Tâm Hồng Phúc phân phối, số công bố. Đây là thực phẩm chức năng, không phải thuốc điều trị như quảng cáo. Trong khi đó, việc quảng cáo thực phẩm chức năng sử dụng từ “điều trị”, “dứt điểm”, “khỏi hẳn” là vi phạm Luật Quảng cáo 2012. Đặc biệt hành vi mạo danh quân nhân giới thiệu sản phẩm có thể làm ảnh hưởng đến uy tín danh dự, xâm phạm nghiêm trọng đến hình ảnh cá nhân. 

Tăng Cường quản lý những quảng cáo vi phạm pháp luật

Với những dạng quảng cáo với chiêu thức cạnh tranh không lành mạnh, lợi dụng lòng tin của người dân đối với quân nhân nhằm thu lợi bất chính. Cơ quan chức năng cần tăng cường những biện pháp quản lý chặt chẽ những hành vi vi phạm pháp luật lừa đảo khách hàng.

 Hình ảnh các đối tượng đưa ra để chứng minh hiệu quả sản phẩm. Ảnh chụp màn hình

Theo PGS. TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, hiện có tình trạng nhiều doanh nghiệp "đăng ký một đằng, sản xuất một nẻo". Không ít đơn vị đã lợi dụng hình ảnh các y bác sĩ, người nổi tiếng, diễn viên để "thổi phồng" tác dụng của thực phẩm chức năng. Cục An toàn thực phẩm đã công khai thông tin trên website của cơ quan này để cảnh báo nhưng tình trạng trên vẫn diễn ra phổ biến.

TS. Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho rằng "Luật Quảng cáo đã quy định tương đối đầy đủ tuy nhiên thời gian qua, vi phạm về quảng cáo bảo vệ sức khỏe diễn ra tương đối nhiều. Nhiều doanh nghiệp cố tình vi phạm để bán được nhiều sản phẩm hơn, kiếm được lợi nhuận nhiều hơn".

Cũng theo TS. Trần Việt Nga "Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế là đơn vị đầu tiên có trách nhiệm quản lý nội dung quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trước khi các tổ chức, cá nhân tiến hành quảng cáo. Khi thẩm định, chúng tôi có xác nhận nội dung quảng cáo kèm theo kịch bản quảng cáo mà cá nhân, doanh nghiệp nộp lên. Những thông tin này được công khai trên trang web của Cục để người tiêu dùng, doanh nghiệp và tổ chức phát hành quảng cáo biết. Tuy nhiên, quảng cáo được thực hiện với nhiều phương tiện khác nhau, trên mạng xã hội, truyền hình, phát thanh và đây là trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông. Còn nếu quảng cáo trên trang thương mại điện tử, trách nhiệm thuộc về Bộ Công Thương khi kiểm soát các gian hàng thương mại điện tử. Do đó, để quản lý chặt chẽ, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành. Trong trường hợp quảng cáo có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng thì chắc chắn có sự tham gia của Bộ Công an. Đây là nhiệm vụ phức tạp nên chúng tôi tổ chức các tổ công tác liên ngành gồm các Vụ, Cục ở các Bộ liên quan nêu trên để quản lý chặt chẽ hơn".

Tình trạng lừa đảo trực tuyến ngày càng gia tăng, với hình thức ngày càng mới mẻ và tinh vi. Việc lấy danh nghĩa là quân nhân trong quân đội để quảng cáo trên mạng xã hội là để tạo niềm tin cho người bệnh. Nhưng thực chất lại không chỉ tư vấn sai về chuyên môn, bán thuốc trá hình, mà nhiều khi còn làm người bệnh còn bỏ lỡ thời điểm chữa bệnh tốt nhất khiến bệnh càng nặng thêm. Điều này  gióng lên hồi chuông cảnh báo doanh nghiệp cần phải tuân thủ nghiêm luật quảng cáo, người dân nên tìm hiểu kĩ thông tin, khám chữa bệnh và mua thuốc tại các cơ sở y tế uy tín, được nhà nước cấp phép, tránh tiền mất tật mang.

Duy Trinh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang